Những năm qua, sự phát triển của mHealth đã đem lại thay đổi rõ rệt trong nhiều lĩnh vực y tế, như: giáo dục và nâng cao ý thức về sức khỏe của người dân; đường dây trợ giúp cho bệnh nhân; hỗ trợ chẩn đoán và điều trị; truyền thông và tập huấn cho nhân viên y tế; theo dõi tình hình dịch bệnh; giám sát từ xa; thu thập dữ liệu. Ðây là một thị trường giàu tiềm năng với giá trị ước tính 45,7 tỷ USD, trong năm 2020 tốc độ tăng trưởng trung bình trên thế giới đạt 12,4%. Mới đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hãng PR Newswire mạnh dạn dự đoán năm 2027 thị trường mHealth sẽ đạt giá trị 361,67 tỷ USD. Ðây sẽ là cơ hội cho một số ngành nghề được hưởng lợi từ sự phát triển của mHealth như: dịch vụ bảo hiểm, sản xuất thiết bị di động thông minh có tính năng theo dõi sức khỏe, phát triển phần mềm...
Ở Việt Nam, mHealth bắt đầu được biết đến rộng rãi và thu được một số kết quả tích cực như: ứng dụng V-Smart với công tác điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc, hệ thống tổng đài tin nhắn của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) với người cai nghiện thuốc lá. Hàng loạt ứng dụng đã và đang góp phần quan trọng trong tuyên truyền, phòng ngừa và kiểm soát sự bùng phát và lây lan của dịch Covid-19 như: Sổ sức khỏe điện tử (SSKÐT), website tokhaiyte, tổng đài tin nhắn tự động của Bộ Y tế... Ứng dụng SSKÐT giúp hàng triệu công dân có thể đăng ký tiêm chủng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi qua điện thoại. Không chỉ vậy, với những lợi ích đã và đang được kiểm chứng, mHealth được xem là một trong các giải pháp trên tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam trong tương lai gần. Mới đây, ngày 8/8/2021, Bộ Y tế đã công bố chính thức nền tảng TeleHealth (hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tích hợp công nghệ thông tin) và Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Với bước tiến này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến trong điều trị ca bệnh khó, đặc biệt việc điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn trực tuyến bởi các chuyên gia đầu ngành. Liên quan đến đối tượng là người lao động, tại dự thảo Ðề án "Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030", do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo đề xuất mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 80% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử. Sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng đã và đang tạo những điều kiện tốt nhất cho mọi người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế với sự trợ giúp của khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới, tốc độ tăng trưởng của mHealth tại Việt Nam còn khiêm tốn, mới tập trung vào các ngành y tế công cộng, y tế dự phòng, trong khi nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe di động hiện nay là tương đối đa dạng như các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, huấn luyện thể thao, chăm sóc sức khỏe,… trên nền tảng số. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người Việt Nam sở hữu thiết bị đeo tay thông minh được tích hợp tính năng đo nhịp tim, đếm bước đi, theo dõi nồng độ oxy trong máu và khả năng kết nối với các ứng dụng theo dõi sức khỏe trên điện thoại thông minh. Theo ước tính của Công ty Statista (một công ty của Ðức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng), doanh thu năm 2021 của thị trường đồng hồ thông minh tại Việt Nam sẽ đạt khoảng hơn 100 triệu USD và chưa có dấu hiệu chững lại. Các thống kê "biết nói" này đã cho thấy khả năng tiềm tàng về số lượng người sử dụng sẵn sàng chi tiền để hưởng các dịch vụ mHealth. Song ở chiều ngược lại, chưa nhiều nhà đầu tư lớn tại Việt Nam thật sự quan tâm đến loại hình kinh doanh này.
Chưa kể, dù đã chứng minh được tầm quan trọng, vị trí trong đời sống, tuy nhiên mHealth tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng bởi một số nguyên nhân như: phần mềm, ứng dụng chưa thật sự thân thiện với người sử dụng, thiếu sự cộng tác của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng chuyên nghiệp, có trình độ… Thực tế, người dùng có nhiều lý do để phàn nàn về các ứng dụng mHealth do doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên hai nền tảng Google Play và App Store, như: giao diện kém thân thiện, phần mềm bị lỗi, cập nhập chậm, thông tin không chính xác, thậm chí bị mất. Cá biệt, một số người cho biết mình bị mất tiền oan vì ứng dụng xử lý nhầm thông tin. Tuy nhiên, lý do chính khiến nhiều khách hàng từ chối sử dụng mHealth là không phải lúc nào họ cũng nhận được tư vấn, chẩn đoán kịp thời của đội ngũ y, bác sĩ như thông tin quảng cáo. Ðáp lại, đơn vị cung cấp ứng dụng chỉ biết đưa ra lời xin lỗi, mong sự thông cảm của khách hàng. Ðối với các ứng dụng, phần mềm, website tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, mọi chuyện còn phức tạp hơn vì không ít "huấn luyện viên", "nhà tư vấn" vẫn là "chuyên gia tự phong". Hầu hết các chuyên gia này chưa được đào tạo bài bản và trang bị kiến thức nền tảng về khoa học một cách đầy đủ. Do đó, thông tin họ đưa ra nhiều khi mang màu sắc chủ quan, thiếu căn cứ khoa học, chủ yếu được góp nhặt trên mạng rồi truyền đạt cho khách hàng, học viên. Cá biệt một số người còn lợi dụng việc tư vấn để quảng cáo trá hình và rao bán một số loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hưởng tiền hoa hồng thông qua việc khuyên khách hàng tìm đến các dịch vụ bất hợp pháp tiêm hormone, chất cấm để kích thích tăng trưởng cơ bắp. Hậu quả, nhiều khách hàng đã "tiền mất, tật mang" vì trót tin vào các "chuyên gia" như vậy.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, các cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực mHealth đều đang đối mặt với thách thức từ nguồn vốn, vấn đề bản quyền, bảo mật dữ liệu cho bệnh nhân, khách hàng. Bởi, đầu tư vào mHealth nói riêng, y tế điện tử nói chung là một quá trình dài hạn. Song song với việc phát triển ứng dụng, phần mềm còn phải tập trung liên kết, cộng tác chặt chẽ với đội ngũ y, bác sĩ, các bệnh viện lớn và uy tín. Câu chuyện bản quyền cũng đáng lưu tâm bởi hiện tượng làm giả, làm nhái, mạo danh các tài khoản, trang, tổng đài, ứng dụng mHealth đang diễn ra tương đối phổ biến nhằm trục lợi hoặc cài mã độc, đánh cắp thông tin của người dùng. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn xào xáo nội dung từ nhiều nguồn khác nhau rồi tạo ra "ứng dụng rác" về chăm sóc sức khỏe nhằm thu lời từ chính sách quảng cáo của Google và Apple. Hiện nay chính sách bảo mật thông tin, dữ liệu người dùng, bệnh nhân, đặc biệt là hồ sơ bệnh án điện tử cũng là điểm đáng lưu ý vì các ứng dụng mHealth vẫn còn một số bất cập. Sự xuất hiện của quá nhiều app khai báo y tế, khám, chữa bệnh điện tử, thông tin chồng chéo, khiến người dân lúng túng. Ðến nay, tuy chưa có vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến việc rò rỉ dữ liệu khám, chữa bệnh trên các ứng dụng mHealth, tuy nhiên không thể chủ quan với nguy cơ này.
Triển vọng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe di động tại Việt Nam là không thể phủ nhận. Với tiến bộ vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học (machine learning), dữ liệu lớn (big data) và các thiết bị máy móc tân tiến, việc bệnh nhân chữa bệnh tại nhà với sự giám sát từ xa của bác sĩ được cho là sẽ sớm trở thành hiện thực. Từ bình diện vĩ mô, người dân chắc chắn sẽ được hưởng lợi lớn từ các dịch vụ công mà hệ thống y tế điện tử mang lại thông qua loại hình mHealth. Tuy vậy, để mHealth thật sự phát huy hiệu quả trên thực tiễn rất cần một chiến lược nhất quán và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cũng như các chuyên gia y tế, với mục tiêu bảo đảm tốt nhất an toàn tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.
PHAN KỶ