Không được lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật

|

Bài 2: Xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp  Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. (Tiếp theo và hết) (*)

Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để người dân thực hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật, đồng thời kiên quyết ngăn chặn các hành vi núp bóng tôn giáo để chia rẽ vùng miền, gây mất đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ.

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Tính đến tháng 11/2021, tại Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận với 43 tổ chức tôn giáo; cả nước ghi nhận trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm xấp xỉ 28% dân số), cùng hàng chục nghìn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự. Đây là minh chứng cho thấy quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được bảo đảm và thực thi có hiệu quả trên thực tế. Và cũng để bảo đảm hiệu quả thực thi, các hành vi vi phạm pháp luật núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 6, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi: "Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau" và "lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".

Trước đó, sớm nhận diện tính phức tạp của vấn đề, năm 2003 tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ban hành ngày 12/3, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo đánh giá: "Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các vùng đồng bào tôn giáo, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước". Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ rõ: "Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định". Do đó, Nghị quyết yêu cầu: "Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật".

Tiếp tục nhất quán đường lối, chủ trương đối với công tác tôn giáo, tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong hệ thống các nhiệm vụ trung tâm và giải pháp chủ yếu thứ năm, Đảng ta nhấn mạnh: "Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước" (1). Đồng thời trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam nêu rõ: "Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (2).

Như nhiều quốc gia trên thế giới, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm, tôn trọng và phải tuân thủ pháp luật, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trước những diễn biến phức tạp của các hiện tượng tôn giáo mới, các hiện tượng núp bóng tôn giáo gây mất trật tự xã hội, thời gian qua các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp ban tôn giáo địa phương, tích cực rà quét, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn sự lây lan của các tà đạo, cảnh báo người dân tỉnh táo, cảnh giác trong việc lựa chọn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hợp pháp để tham gia. Nhiều vụ án liên quan tà đạo đã được xét xử công khai để người dân giám sát, đề cao cảnh giác. Như ngày 28/5/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động tại trụ sở UBND xã H’Ra, H.Mang Yang xét xử công khai tám bị cáo phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ luật Hình sự, liên quan tà đạo Hà Mòn. Hay như tháng 3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé. Đáng chú ý trong số 14 bị cáo, có sự xuất hiện của bốn đối tượng cốt cán cầm đầu tà đạo "Giê Sùa", đã được cơ quan chức năng cảnh báo tới cộng đồng từ trước đó.

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những biện pháp kiên quyết để hạn chế sự lây lan của tà đạo gây bất ổn cho xã hội. Như để ngăn chặn sự hoành hành trái phép của "Hội thánh Đức Chúa trời", tại Hàn Quốc vào năm 2012, Hội đồng quốc gia các Giáo hội chính thức lên tiếng phê phán cho rằng, đây là "phong trào phạm thượng", đồng thời ban hành quyết định cấm mọi hoạt động của tà đạo này. Việc tẩy chay, phản đối "Hội thánh Đức Chúa trời" tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia mà phong trào này đặt chân tới. Tiêu biểu như Tòa thánh Roma đã ban hành nhiều văn thư lên án các sai lạc trong giải thích Kinh Thánh của "Hội thánh Đức Chúa trời" và coi đây là một "lạc giáo".

Bất chấp thực tế đó, các thế lực phản động, thiếu thiện chí luôn tìm mọi lý do hòng xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; vu cáo Nhà nước Việt Nam "đàn áp tôn giáo", "vi phạm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo"; đưa ra yêu cầu phi lý là phải đặt tôn giáo đứng độc lập, ngoài sự quản lý của Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, mượn cớ bảo vệ tự do tôn giáo, một số tổ chức, hội nhóm thường xuyên lập ra cái gọi là "phúc trình", "thư ngỏ", "nghị quyết" để lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bảo vệ các đối tượng vi phạm pháp luật, gây sức ép về ngoại giao, đòi can thiệp và các công việc nội bộ của nước ta. Nhận diện rõ vấn đề này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam một mặt thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân theo quy định của pháp luật; một mặt đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi chống phá, xuyên tạc tự do tôn giáo cũng như các hoạt động núp bóng tôn giáo để thực hiện những âm mưu đen tối.

Liên quan các hiện tượng tôn giáo mới, để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của các tà đạo ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị cũng như ban tôn giáo tại các tỉnh, thành phố. Về phía các lực lượng chức năng cần phải kiên trì, bám chắc địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Mặt khác, công tác vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân không tin và nghe theo các tà đạo cần đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là tuyên truyền trên không gian mạng, "trận địa mới" mà hiện nay các tà đạo đang âm mưu triệt để khai thác. Bên cạnh đó, cần không ngừng khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo trong công cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo gây bất ổn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ.

Cùng sự vào cuộc của lực lượng chức năng cũng rất cần sự hỗ trợ, chung tay tham gia của cả cộng đồng. Bởi hơn ai hết, những người dân cùng chung sống, sinh hoạt hằng ngày trên một địa bàn sẽ phát hiện sớm nhất sự nảy sinh của các hiện tượng tôn giáo mới. Do đó, cộng đồng cần tăng cường sự gắn kết, chia sẻ, nhận diện kịp thời những biểu hiện bất thường trong từng thôn xóm, làng bản, khu dân cư, cũng như những vấn đề khó khăn, khúc mắc ở mỗi cá nhân để cùng nhau tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ, theo đúng đạo lý nhân văn của người Việt, đó là "trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau". Sự quan tâm sát sao, ân tình trong cộng đồng dân cư sẽ góp phần quan trọng giúp mỗi cá nhân không bị lôi kéo, sa ngã vào các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng trái phép. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu không lành mạnh trong sinh hoạt tôn giáo, người dân cần kịp thời thông báo cho chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng để thực hiện việc giám sát và xử lý nếu có sai phạm. Đó cũng là cách hiệu quả để mỗi người tự bảo vệ bản thân và gia đình trước sự lôi kéo, tấn công của tà đạo, không bị dẫn dắt vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Được tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là quyền chính đáng của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc thực thi quyền đó phải trong khuôn khổ luật pháp và đạo đức xã hội. Quan trọng hơn cả, đó là mỗi cá nhân phải hình thành thái độ sống tích cực và niềm tin lành mạnh để lựa chọn tôn giáo đúng đắn cho riêng mình, sống "tốt đời đẹp đạo", tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của xã hội bằng những việc làm có ý nghĩa.

HÀ NHÂN

-----------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31/5/2022.

(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.50-51, 171.

  • Bài 1: Thận trọng trước các hiện tượng tôn giáo mới