Xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam

|

Những năm gần đây, đất nước ta đã có sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là giao lưu quốc tế trong thời đại 4.0. Ðiều ấy bên cạnh những thuận lợi đặt ra không ít thách thức khi một số giá trị cũ không còn phù hợp, việc du nhập những giá trị mới thiếu sự chọn lọc làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người phù hợp với tình hình là vô cùng cấp thiết.

Ðặc biệt xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là yếu tố trung tâm, trọng điểm, cần nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng các hệ giá trị cốt lõi làm mục tiêu cho quá trình xây dựng, những giá trị, chuẩn mực được xây dựng phải có tính kế thừa, phát huy yếu tố tích cực trong văn hóa, lối sống người Việt, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Công cuộc đổi mới ở đất nước ta đã trải qua chặng đường 36 năm. Trong khoảng thời gian ấy, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu quốc tế có những thay đổi mang tính căn bản. Không ít giá trị cũ không còn phù hợp với bối cảnh mới, trong khi đó, nhiều quan niệm, giá trị mới được du nhập thông qua giao lưu quốc tế.

Nền kinh tế thị trường kéo theo tình trạng đề cao các giá trị vật chất, điều này bao hàm cả yếu tố tích cực khi khuyến khích làm giàu chính đáng, nhưng mặt trái là nhiều khi đặt nặng giá trị đồng tiền, lối sống hưởng thụ, thực dụng. Cá nhân con người lâu nay vốn là tế bào của gia đình, xã hội, giờ không ít người có nhu cầu khẳng định cái "tôi" cá nhân mạnh mẽ, nhất là với giới trẻ thế hệ sinh sau thập niên 1990.

Những năm gần đây, đặc biệt khi bước vào thời kỳ Cách mạng 4.0, giao lưu quốc tế ngày càng nhanh chóng và rộng mở tiếp tục khiến các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống chịu sự "va chạm" mạnh mẽ, nhiều trường hợp yếu tố truyền thống trở nên yếu thế. Ðiều này khiến nguy cơ đánh mất bản sắc "từ bên trong", bị "hòa tan" luôn hiện hữu.

Ngược lại, nếu chối từ giao lưu, thì sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng tụt hậu. Bối cảnh ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất về định hướng, chuẩn mực của cộng đồng để mỗi cá nhân trong một tổng thể lớn có thể điều chỉnh hành vi bảo đảm chuẩn mực văn hóa dân tộc trong sự phù hợp với quan niệm tiến bộ của quốc tế.

Những năm gần đây, đặc biệt khi bước vào thời kỳ Cách mạng 4.0, giao lưu quốc tế ngày càng nhanh chóng và rộng mở tiếp tục khiến các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống chịu sự "va chạm" mạnh mẽ, nhiều trường hợp yếu tố truyền thống trở nên yếu thế. Ðiều này khiến nguy cơ đánh mất bản sắc "từ bên trong", bị "hòa tan" luôn hiện hữu.

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng chỉ đạo.

Tại Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng năm 1996, Ðảng ta đã yêu cầu phải: "Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại" (Văn kiện Ðại hội Ðảng thời kỳ đổi mới Phần 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.712).

Quan điểm của Ðảng về vấn đề này tiếp tục được hoàn thiện, nâng tầm trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Ðến Ðại hội XIII của Ðảng năm 2021, Ðảng ta xác định rõ việc: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" (Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143). Trong bốn hệ giá trị mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề cập, thì hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người có sự gắn bó chặt chẽ.

Hiện nay, vẫn còn những cách lý giải khác nhau về hệ giá trị văn hóa, con người song, nhìn chung, các chuyên gia thống nhất rằng hệ giá trị văn hóa được hiểu là những chuẩn mực về tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận.

Con người là chủ thể của văn hóa, nên hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người tuy không đồng nhất nhưng có liên quan chặt chẽ đến nhau. Nhiều yếu tố của hệ giá trị văn hóa là sự biểu hiện của chuẩn mực con người; ngược lại, hệ giá trị văn hóa khi đã hình thành và ổn định sẽ tác động trở lại đến những chuẩn mực con người. Cả hai đều nhằm hướng tới xây dựng một xã hội, cộng đồng tốt đẹp hơn. Hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia chính là nền tảng hình thành nên hệ giá trị quốc gia.

Cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam có những đặc tính nổi trội, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận như: Tính cộng đồng, lòng yêu nước, yêu thương đồng loại, cần cù, chịu khó, hiếu học… Tự hào có nền văn hóa, lịch sử kéo dài hàng nghìn năm cũng có nghĩa là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam phải có tính kế thừa.

Quan điểm chỉ đạo của Ðảng về hệ giá trị văn hóa, con người luôn được khẳng định rõ nét, thể hiện rõ sự kế thừa, phát huy truyền thống kết hợp những yếu tố thời đại. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra mục tiêu chung là "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học"; với quan điểm chỉ đạo "Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Nội dung này cho thấy quan điểm của Ðảng về hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam có tính biện chứng.

Trước hết, chuẩn mực tiên quyết với mỗi con người Việt Nam là lòng yêu nước. Nếu là một nghệ sĩ, lòng yêu nước sẽ thể hiện qua tinh thần dân tộc ở những tác phẩm, cho dù loại hình, xu hướng nghệ thuật mà nghệ sĩ ấy sáng tác chịu ảnh hưởng của trào lưu, xu thế nào. Nếu là một nhà khoa học yêu nước, tính dân tộc của nhà khoa học thể hiện ở các nghiên cứu, phát minh của nhà khoa học ấy sẽ hướng đến phục vụ sự phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Mối quan hệ này cũng đúng với các thành tố nhân văn (trong hệ giá trị văn hóa) và nhân ái, nghĩa tình (trong chuẩn mực con người).

Trước hết, chuẩn mực tiên quyết với mỗi con người Việt Nam là lòng yêu nước. Nếu là một nghệ sĩ, lòng yêu nước sẽ thể hiện qua tinh thần dân tộc ở những tác phẩm, cho dù loại hình, xu hướng nghệ thuật mà nghệ sĩ ấy sáng tác chịu ảnh hưởng của trào lưu, xu thế nào. Nếu là một nhà khoa học yêu nước, tính dân tộc của nhà khoa học thể hiện ở các nghiên cứu, phát minh của nhà khoa học ấy sẽ hướng đến phục vụ sự phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Mối quan hệ này cũng đúng với các thành tố nhân văn (trong hệ giá trị văn hóa) và nhân ái, nghĩa tình (trong chuẩn mực con người).

Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đây mới là những nền móng cơ bản để triển khai thành những chuẩn mực cụ thể, những giải pháp hiệu quả để đưa vào cuộc sống. Xây dựng con người Việt Nam cần chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý để hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người vừa phải phát huy được cái hay, cái đẹp vốn có, tạo ra sự thích ứng với thế giới, nhưng cũng đồng thời phải khắc phục được những điểm yếu có tính cố hữu trong văn hóa, lối sống của người Việt.

Là một đất nước phần lớn gốc gác là cư dân nông nghiệp lúa nước, canh tác nhỏ (còn được gọi là tiểu nông), phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, và sự liên kết cộng đồng. Ðiều này có hai mặt, con người hài hòa với thiên nhiên nhưng trở nên tâm lý thụ động, thiếu sáng tạo; cộng đồng làng xóm đoàn kết, nhưng hay có tâm lý ỷ lại cộng đồng. Một mặt trái khác của tâm lý tiểu nông là sự tùy tiện. Dù đất nước đã bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế từ lâu, nhưng những hạn chế đó vẫn đang là trở lực không nhỏ. Vì vậy, bên cạnh những yếu tố cơ bản kể trên, cần nghiên cứu, đề xuất thêm những yếu tố để khắc phục những nhược điểm này. Chẳng hạn như đối với hệ giá trị văn hóa, cần bổ sung yếu tố pháp chế. Tương ứng ở chuẩn mực con người là tinh thần tôn trọng pháp luật.

Một yếu tố không thể không xem xét, đó là thế giới luôn vận động, phát triển. Thời đại công nghệ, quá trình vận động, biến đổi càng nhanh chóng. Do đó, xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người cần có tầm nhìn dài hạn, không chỉ đáp ứng trước mắt, mà còn về lâu dài, ít nhất trong mười, hai mươi năm tới; đồng thời đáp ứng tốt những vấn đề đặt ra trong hội nhập.

Trong các đặc tính cơ bản của xây dựng con người mà Ðảng ta đề ra, yếu tố sáng tạo có thể coi là phù hợp với tính định hướng lâu dài. Bởi sự sáng tạo là yếu tố giúp cho con người tiến bộ và thích nghi với sự thay đổi của bối cảnh. Ðây là yếu tố cần bàn thảo kỹ càng để có những đề xuất xây dựng thêm.

Bên cạnh đó, Việt Nam là cộng đồng 54 dân tộc, với sự khác biệt không nhỏ về lối sống, văn hóa, vùng miền. Ngoài những yếu tố phổ quát, có thể bổ sung những yếu tố mang tính đặc trưng, phù hợp với phong tục, tập quán, bối cảnh, yêu cầu xã hội của một số địa phương cụ thể.

Từ việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người đến triển khai trong cuộc sống luôn là một thách thức. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã triển khai sâu rộng hơn 20 năm, đến đơn vị nhỏ nhất là tế bào xã hội-gia đình. Ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số lượng Làng Văn hóa luôn chiếm khoảng 70% tổng số thôn làng trở lên. Số lượng Tổ dân phố Văn hóa cũng gần tương đương. Với danh hiệu Gia đình Văn hóa, hầu như không có tỉnh, thành phố nào số lượng Gia đình Văn hóa xuống dưới 80% tổng số.

Mặc dù thành tích là "rất cao", nhưng ngày càng xuất hiện nhiều băn khoăn, lo lắng về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp, nguy cơ xâm lăng của văn hóa ngoại lai… Kinh nghiệm này đòi hỏi chúng ta phải có bước đột phá trong triển khai hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người. Trong đó việc tuyên truyền, giáo dục vẫn là yếu tố then chốt.

Trước hết, cần có sự vào cuộc của ngành giáo dục để chuyển tải sớm những vấn đề này đến giới trẻ. Với cộng đồng nói chung, chúng ta có thể tận dụng ưu điểm Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là mức độ lan tỏa sâu rộng để phối hợp triển khai.

Mặt khác, hiện nay, rất nhiều ban, ngành, đoàn thể có những cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khác nhau. Hệ giá trị văn hóa, nhất là những yếu tố có tính mới chỉ có tính phổ cập nếu được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Do đó, cần có sự thống nhất, phối hợp hành động giữa cuộc vận động của chính quyền, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa của các Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhằm tạo ra sự tập trung trong nội dung tuyên truyền, nhưng đa dạng về hình thức để tiếp cận được nhiều đối tượng. Ðể bảo đảm tính đại chúng, thì hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người cần phải được đúc kết ngắn gọn nhất có thể.