Nguồn lực quan trọng cho an sinh xã hội

|

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), tỉnh Bắc Ninh đã tập trung nguồn lực, triển khai mạnh mẽ hoạt động này. Nguồn vốn chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng, hỗ trợ nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương, bảo đảm an sinh xã hội.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Nghi An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, anh Nam còn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà tại nhà cho nên đàn gà phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Đến nay, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ổn định. “Không chỉ riêng tôi, nhiều người dân xã Trạm Lộ cũng được cho vay qua hình thức tín chấp, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, mọi người yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, đời sống khấm khá hơn trước rất nhiều”, anh Nam nói.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhà ở cho hộ nghèo… Theo thống kê, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo... trên địa bàn huyện Thuận Thành đến hết tháng 6 vừa qua đạt hơn 343 tỷ đồng với hơn 15 nghìn hộ dư nợ. Để bảo đảm hoạt động tín dụng gắn bó với người dân, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Thuận Thành đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi,... cho các hộ vay ở tất cả 18 điểm giao dịch tại xã, thị trấn. Bên cạnh công tác giao dịch, tổ giao dịch còn trực tiếp giao ban với chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và triển khai các chương trình phục vụ người dân.

Bên cạnh các chương trình cho vay hộ nghèo, đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp và phương án cho vay phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay CSXH trên địa bàn tỉnh cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã giúp 119 dự án phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, phát huy hiệu quả với tổng số vốn 78 tỷ đồng. Mô hình khởi nghiệp của chị Trần Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh thành lập năm 2011 với ba cơ sở. Mong muốn đưa phương pháp giáo dục hiện đại về Bắc Ninh nhưng nguồn vốn hạn hẹp, chị Mai cần vốn đầu tư khoảng 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/lớp. Năm 2018, Ngân hàng CSXH cho chị Mai vay hai tỷ đồng với lãi suất 5%/năm. Đến nay, cơ sở mầm non của chị đã tạo việc làm cho 35 giáo viên và tám nhân viên với mức thu nhập từ bảy triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh còn đẩy mạnh hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 135 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, tổng cộng gần 45 tỷ đồng, trong đó có gia đình anh Phạm Tuấn Hùng, ở phố Hàng Mã, TP Bắc Ninh. Năm 2018, với số tiền tích lũy cùng nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng, gia đình anh Hùng đã thực hiện được ước mơ an cư lạc nghiệp tại chung cư Cát Tường ECO, giữa trung tâm TP Bắc Ninh. “Gia đình tôi được vay lãi suất thấp (4,8%/năm) cho nên việc chi trả tiền gốc và lãi hằng tháng phù hợp với thu nhập của gia đình. Từ ngày có ngôi nhà mới, các con yên tâm ăn học, vợ chồng yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống”, anh Hùng cho biết.

Trong 5 năm (2014 - 2019), vốn tín dụng chính sách tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng cho gần 101 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Từ đó, hơn 15 nghìn hộ vượt qua ngưỡng hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 3,42% còn 1,62%, hộ cận nghèo từ 3,6% còn 2,17%. Bên cạnh đó, nguồn vốn nêu trên còn giúp hơn 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm,... Số vốn thu hồi nợ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng. Theo ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thấp hơn bình quân chung cả nước, vốn vay cơ bản sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Mục tiêu dư nợ tín dụng CSXH tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 8% đến 10%, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,5%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, cũng theo ông Đàm Lê Văn, công tác tín dụng còn bộc lộ nhiều hạn chế như một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đến hoạt động tín dụng CSXH, dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn hiệu quả chưa cao, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều. Nguồn vốn tín dụng địa phương còn hạn hẹp (chiếm tỷ trọng 7,15% so với tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh) trong khi đó, nhu cầu vốn của người dân lớn. Ngoài ra, việc thực hiện một số nội dung ủy thác của một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, chưa thực hiện được đầy đủ các nội dung được ủy thác. Tại một số cơ sở, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm chưa được gắn kết,... dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ được giao, duy trì và đổi mới chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời, cho vay đúng đối tượng, thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay,...