Dẫn chúng tôi đi thăm con đường bê-tông thẳng mịn vừa được hoàn thành cách đây chưa lâu ở xóm 1 (làng Dun Bêu, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Trưởng thôn Nguyễn Trọng Hòa phấn khởi cho biết: Trước kia, đây là con đường đất dài 250 m, rộng khoảng 2 m xuyên qua những rẫy cà-phê. Thấy việc đi lại khó khăn, nhất là khi mùa mưa đến, cả thôn bàn nhau mỗi nhà tự nguyện lui vào mỗi bên một hàng cà-phê (tương ứng 3 m) để mở rộng và nâng cấp thành đường 8 m. Tính sơ bộ, các hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến khoảng 1.500 m2 đất và đóng góp ngày công cùng với kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để làm nên con đường mới rộng đẹp, sạch sẽ… Làng Dun Bêu hiện có 374 hộ với 1.706 người, trong đó có 106 hộ với 600 người dân tộc Gia Rai. Dù nằm cách trung tâm thị trấn Chư Sê chỉ 2 km nhưng do đất đai phần lớn là đất xám bạc màu cho nên việc canh tác, phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, người dân đã tự nguyện hiến không dưới 5.000 m2 đất để đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, thôn đã làm được bảy con đường với tổng chiều dài 3,5 km theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Khi hiểu chủ trương, người dân tự nguyện san sẻ một phần, chung tay làm đường, vì suy cho cùng, chính họ và gia đình là những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc nâng cấp con đường ấy”, ông Nguyễn Trọng Hòa nói. Trong số những người hiến đất, góp công phải kể đến hộ ông Võ Xuân Tuấn. Ngoài hiến 120 m2 đất nông nghiệp để mở rộng con đường từ 3 m lên 6 m, ông Tuấn còn đóng góp thêm một khoản kinh phí hỗ trợ cũng như ngày công để nâng cấp lên thành đường bê-tông. Ông Phạm Quốc Hương (tổ 7, thị trấn Chư Sê) cũng là một trong những hộ đi đầu hiến đất làm đường tại làng Dun Bêu. Gia đình ông Hương có hơn 7.000 m2 đất trồng cà-phê tại làng. Khi thị trấn Chư Sê có chủ trương làm đường giao thông nông thôn qua khu vực đất rẫy nhà, ông đã làm đơn tự nguyện hiến 300 m2 đất. Ngoài việc chấp nhận phá bỏ 30 cây cà-phê đang kỳ thu hoạch để giải phóng mặt bằng, ông còn góp sức cùng chính quyền, người dân địa phương để mở rộng con đường từ 3,5 m lên 6 m. Ông Hương cho biết: “Việc tự nguyện hiến đất để mở rộng đường nông thôn là để giúp xóm làng thêm khang trang, sạch đẹp, không chỉ mọi người mà bản thân gia đình mình cũng được hưởng lợi”.
Tại hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh Gia Lai vừa được tổ chức, nhiều bài học sâu sắc được rút ra và trở thành những kinh nghiệm quý để các địa phương tiếp tục triển khai ở giai đoạn tiếp theo. Thành công nhất là chương trình đã thật sự đến được với người dân, vì người dân và đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng tích cực với tinh thần trách nhiệm cao của người dân. Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Minh Đạt khi nói về những thành công của xã Đác Hlơ cho biết: Ngoài những mặt thuận lợi vốn có của xã như tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; có hình thức tổ chức sản xuất đa dạng; hệ thống chính trị xã hội vững mạnh… thì nguyên nhân quan trọng nhất giúp xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và sớm về đích NTM là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân. Điều này được thể hiện qua sự chủ động tham gia của người dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Nếu như trước đây, xã chỉ có vài chục mét đường bê-tông thì chỉ trong ba năm thực hiện chương trình, xã đã triển khai xây dựng được gần 5,5 km theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phong trào hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh được người dân hưởng ứng tích cực, người dân đã tự nguyện hiến gần 10.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn (trong số này hoa màu trên đất nhân dân phá bỏ để xây dựng có tổng giá trị hàng tỷ đồng)… Chưa kể, người dân còn đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng các công trình dân sinh. Các hoạt động tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình đã được phát huy, nhân rộng nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch chia sẻ: Đầu tiên là tuyên truyền lợi ích của chương trình, để người dân tự nguyện tham gia, qua đó vận động nhân dân góp công, góp vốn để xây dựng các công trình. Khi triển khai thực hiện các tiêu chí, thì lựa chọn các nội dung, tiêu chí cần ít vốn, các công trình phúc lợi công cộng, công trình thiết thực phục vụ sản xuất, đời sống để đầu tư làm trước. Phải thực hiện nghiêm dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; công khai tài chính trong huy động và sử dụng các nguồn vốn. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng NTM tỉnh Gia Lai, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động thực hiện là 30.442,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 8.770,2 tỷ đồng, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 21.672 tỷ đồng và có hàng chục nghìn héc-ta đất nhân dân tình nguyện đóng góp. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt hai chỉ tiêu Trung ương giao là số xã đạt chuẩn và huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP Pleiku được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 và là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Tây Nguyên hoàn thành mục tiêu này; hai thị xã An Khê và Ayun Pa đã đủ điều kiện đề nghị Trung ương xem xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết: “Những kết quả trong xây dựng NTM ở tỉnh Gia Lai là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự chung sức của các đơn vị quân đội. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, Gia Lai sẽ có thêm 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thực tế những gì đã làm được trong hơn 10 năm qua tạo nên sự tin tưởng và là cơ sở để Gia Lai đạt được mục tiêu này. Chúng tôi cho rằng, trong triển khai Chương trình xây dựng NTM, việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân là hết sức quan trọng. Do vậy, chúng tôi chỉ đạo, tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu công việc chính quyền đang làm, trách nhiệm tham gia chương trình và lợi ích của người dân khi chương trình mang lại kết quả. Quá trình triển khai, chúng tôi dành nhiều thời gian xuống cơ sở, gắn việc điều tra, lập quy hoạch với việc tìm hiểu thực trạng đời sống người dân cụ thể ở từng địa phương, từng vùng; đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư người dân để trên cơ sở đó quyết định cái gì cần đầu tư làm trước, cái gì làm sau phù hợp với nguyện vọng cũng như nguồn lực của địa phương và Trung ương hỗ trợ. Quan điểm của tỉnh là làm sao để người dân thật sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình; đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân có thể tham gia trực tiếp xây dựng một số công trình, phần việc mà họ có thể đảm đương. Khi đó, vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng NTM”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Gia Lai, sau tám năm triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 6.000 km đường giao thông, 148 công trình thủy lợi, 392 km kênh mương nội đồng, 1.571 km đường dây điện trung thế, hạ thế, 844 trạm biến áp, 539 trường học các cấp, 151 nhà văn hóa, khu thể thao, 540 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, 47 chợ nông thôn... Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 68 dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị do các huyện, xã làm chủ đầu tư đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn xuống còn dưới 12%.