Mưa dầm thấm lâu
Sau hơn ba giờ đi bộ vượt qua những đoạn đường gồ ghề, quanh co, khúc khuỷu chúng tôi mới đến được thôn Nậm Bó, một trong những thôn bản xa xôi nhất của xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Trong cái nóng đầu mùa, lòng chúng tôi như dịu lại khi trưởng công an xã cho biết đồng bào các dân tộc trong thôn, trong xã luôn chấp hành tốt pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông. Lực lượng Công an huyện, Công an xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cho nhân dân xây dựng quy ước văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự ở thôn, bản. Qua hệ thống loa truyền thanh và các cuộc họp thôn, bản, cán bộ và Công an xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu và tự giác chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự.
Rời xã Kiến Thiết, chúng tôi đến xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (xã trung tâm của ATK), nơi có cộng đồng các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng, Mường... đang sinh sống. Xã có chín thôn, xa nhất là thôn Bản Giáng, cách trung tâm xã 12 km. Trưởng Công an xã đưa chúng tôi đến các thôn Bản Giáng, Đồng Mộc và Làng Chạp. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây thật đầm ấm. Người H’Mông, người Tày, người Dao cùng đoàn kết chung sống trong một bản. Trong những năm gần đây, kẻ xấu thường đến các thôn bản để tuyên truyền đạo trái phép, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một số người đã tin theo. Trước thực trạng như vậy, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng công an đã mở cuộc vận động lớn để đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của chúng. Cán bộ công an bám địa bàn, bám dân, bền bỉ tuyên truyền vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, chia rẽ đồng bào, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng tình cảm chân thành, việc làm thiết thực, các cán bộ đã giúp đồng bào hiểu rõ lẽ phải, nhận rõ chân tướng của kẻ xấu. Qua công tác tuyên truyền, vận động, một số người đã tự giác giao nộp cho lực lượng công an các tài liệu, băng hình của kẻ xấu phát tán. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” do Công an tỉnh và Công an huyện phát động, bà con đã tự giác giao nộp hàng trăm súng tự chế. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh, các phần tử xấu không dám đến địa phương tuyên truyền, hoạt động.
Tiếp tục hành trình trong chuyến công tác, chúng tôi ngược lên xã Yên Thuận, một xã vùng cao của huyện Hàm Yên. Thượng tá Trần Huy Hùng Vỹ, Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh trực tiếp đưa chúng tôi xuống cơ sở. Địa bàn chúng tôi đến là thôn Cao Đường, thuộc xã Yên Thuận. Không hẹn trước nhưng rất may Bí thư Chi bộ Giàng Seo Sàng đã ở nhà tiếp chúng tôi. Ông cho biết: Thôn Cao Đường trước đây không có đường giao thông đi lại cho nên gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, người dân Cao Đường đã có đường ô-tô đến tận thôn, bản. Thôn có đồng bào H’Mông và đồng bào Dao cùng sinh sống một cách hòa thuận. Mỗi khi có đám cưới, đám hiếu, dựng nhà mới, thu hoạch mùa màng là người H’Mông, người Dao cùng giúp nhau lo việc.
Thượng tá Trần Huy Hùng Vỹ tâm sự: “Đường đi đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn, vất vả, có khi phải đi bộ cả buổi mới từ bản này sang được bản khác. Khó khăn, gian nan là vậy nhưng những cán bộ, đảng viên trong lực lượng công an vẫn bám sát địa bàn, chủ động nắm tình hình để kịp thời tham mưu đề xuất và áp dụng các biện pháp hiệu quả, bảo đảm an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm
Trước khi nhận công tác tại địa bàn, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an phải am hiểu những phong tục, tập quán của từng dân tộc thiểu số. Học trong các đợt tập huấn, học trong sách dân tộc, học từ kinh nghiệm của những người đi trước và học từ chính đồng bào. “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” là yêu cầu đối với chiến sĩ công an. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, CBCS Công an tỉnh và công an các huyện, đã không ngại khó khăn, vất vả, lặn lội hàng tháng trời ở những địa bàn phức tạp, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Ngày lên nương bẻ ngô, xuống ruộng gặt lúa cùng bà con, tối ngồi bên bếp lửa vận động quần chúng. CBCS công an đã thật sự trở thành những người con của bản làng, là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có nhiều trinh sát nhiều năm bám trụ, gắn bó với thôn, bản đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân. CBCS công an đến với thôn, bản được bà con hết lòng tin yêu, giúp đỡ tạo điều kiện cho các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói không có thôn, bản nào trong tỉnh không in đậm dấu chân của CBCS công an.
Thời gian trước đây, ở vùng đồng bào H’Mông nổi lên vấn đề xưng đón vua “Vàng Chứ” và hoạt động tuyên truyền đạo trái phép. Một số gia đình người H’Mông đã tin theo, do vậy công tác nắm tình hình, tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn; có nơi đồng bào thấy có cán bộ đến không nói chuyện, không mời vào nhà, không nấu cơm cho ăn. Đảng viên, CBCS công an muốn tiếp cận gia đình người dân phải nằm ngủ ngoài chòi trên nương, từng bước trò chuyện với người già, tắm cho trẻ nhỏ... Sự gần gũi của các anh đã khiến những người trong nhà thay đổi thái độ và họ đã mở cửa cho vào nhà cùng trò chuyện, nấu cơm cho ăn. Thông qua công tác vận động, thuyết phục, CBCS công an đã đến được từng nhà dân trong bản để gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người. Với người già hoặc người chưa thật sự hiểu âm mưu sâu xa của kẻ xấu, CBCS công an đã thức cả đêm cùng tâm sự, phân tích, sau những lần như vậy bà con đã nhận rõ kẻ ác, hiểu đúng chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó đồng bào đã không theo “Vàng Chứ”, không theo tà đạo.
TRẦN THÁI
(Công an tỉnh Tuyên Quang)