Cả nước chung tay vì người nghèo

|

Ba năm trở lại đây, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt là của người dân, kết quả giảm nghèo của đất nước ngày càng đạt những kết quả quan trọng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong hai năm 2016 và 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước đã giảm 1,8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ 1 đến 1,5%. Đặc biệt, đến năm 2018, cả nước đã có tám huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 đến 1,3% so cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng hộ dân tộc thiểu số giảm 3,06% so cuối năm 2017… Có thể thấy, tốc độ giảm nghèo của cả nước đã được kiểm soát, đời sống người dân ngày càng ổn định, kết cấu hạ tầng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện..., góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Nhiều hộ dân tại không ít địa phương đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, cho thấy chuyển biến tích cực về nhận thức. Họ đã hiểu khi còn nghèo đói, khó khăn, luôn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước; nhưng khi họ có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo, thì sự chia sẻ, hỗ trợ ấy cần dành cho các hộ nghèo khác, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, tại các địa phương đã và đang xuất hiện các mô hình hỗ trợ cộng đồng. Những mô hình này tạo sinh kế, phù hợp bản sắc văn hóa của từng nhóm dân tộc, từng bước gắn với khởi nghiệp, thị trường, tham gia chuỗi giá trị... đặc biệt là phát huy nội lực của chính người dân, giúp các hộ gia đình tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh những kết quả giảm nghèo đạt được, việc nâng cao chất lượng đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Công tác hỗ trợ cứu đói giáp hạt đầu năm và hỗ trợ cứu đói cho các địa phương bị thiên tai, lũ lụt được các địa phương triển khai nhanh chóng... Năm 2018, Chính phủ đã kịp thời xuất cấp 10 nghìn tấn gạo cho 15 địa phương hỗ trợ cứu đói và đói giáp hạt đầu năm.

Năm 2019, Tết cổ truyền Kỷ Hợi đang đến gần, đón mùa Xuân mới cũng là dịp cao điểm các địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nỗ lực đóng góp, tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao quà Tết tặng người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế. Sự chung tay của toàn xã hội trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ chăm lo người nghèo ngày càng mạnh mẽ, góp phần tăng cường nguồn lực chăm lo Tết cho người nghèo, khơi dậy và thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, với tinh thần chung tay vì người nghèo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, như quyết tâm và hành động của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.