Chính thức chặn dòng, tích nước hồ chứa nước Ea H’leo

|

NDO - Sáng 26-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ chặn dòng, tích nước hồ chứa nước Ea H’leo, tỉnh Đắk lắk, phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường vùng dự án.

Dự án hồ chứa nước Ea H’leo được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2017, tổng vốn hơn 1.477 tỷ đồng; trong đó, vốn giai đoạn 2017-2020 là 990 tỷ đồng, đầu tư hợp phần xây dựng công trình đầu mối, hợp phần bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình đầu mối. Đơn vị thi công chính là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn.

Dự án hồ chứa nước Ea H’leo gồm các hạng mục chính, gồm: đập bê-tông với chiều dài 312m, chiều cao lớn nhất là 59m; đập đất đồng chất phía vai trái đập bê tông, chiều dài 305m; đập phụ nằm phía bờ phải đập có chiều dài 299,2m; tràn xả lũ và tràn tự do dài 56m; cống lấy nước nằm vai trái đập bê-tông dài 37,7m và hồ chứa nước có dung tích thiết kế 25,51 triệu m3…

Sau khi hoàn thành, hồ cung cấp nước tưới cho 5.000ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người dân trong vùng dự án, cấp nước công nghiệp với lưu lượng nước 15.000m3/ngày đêm và nước phục vụ chăn nuôi một triệu m3/năm, qua đó góp phần cải thiện môi sinh, môi trường trong vùng dự án.

Hồ chứa nước Ea H’leo được khởi công vào tháng 2-2019. Sau hơn hai năm thi công, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, đủ các điều kiện kỹ thuật để chặn dòng, tích nước. Sự kiện chặn dòng tích nước hồ chứa nước Ea H’leo là dấu mốc quan trọng trong quá trình thi công dự án. Sau sự kiện này, công trình sẽ tiếp tục các phần việc còn lại, dự kiến đến tháng 6 sẽ hoàn thành.

Hồ chứa nước Ea H’leo chặn dòng, tích nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với huyện Ea H’leo nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đây là một trong những công trình thủy lợi mang ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với huyện Ea H’leo, bởi đến nay trên địa bàn huyện Ea H’leo chưa có công trình hồ chứa nước nào lớn.

Đặc biệt, diện tích tưới tự chảy của công trình này hoàn toàn bằng đường ống, là công trình đầu tiên ở Tây Nguyên sử dụng công nghệ này, hằng năm, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhiên liệu bơm tưới.