Phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu

|

NDO - Chiều 24/4, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã tổ chức Diễn đàn “Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch”. Dự chương trình có đoàn công tác của các tỉnh nam Lào và đông bắc Campuchia, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Đây là dịp để huyện Tu Mơ Rông quảng bá một số loại dược liệu của địa phương, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn với các đối tác trong và ngoài tỉnh nhằm giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, diễn đàn là cơ hội để mở ra hướng đi mới đối với việc phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu tại Tu Mơ Rông. Các sản phẩm tạo ra không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy tối đa lợi thế tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tính đặc sắc và văn hóa của địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu. Nếu có phương pháp tiếp cận đúng và chiến lược đồng bộ, những khó khăn, thách thức trong phát triển sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch sẽ có lời giải với hiệu quả cao.

Là địa phương có hơn 2/3 diện tích là rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt gần 70%, huyện Tu Mơ Rông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại dược liệu đặc hữu, nhất là sâm Ngọc Linh. Hiện, huyện Tu Mơ Rông đã trồng được khoảng 1.200 ha sâm Ngọc Linh. Dự kiến, mỗi ha sâm Ngọc Linh trồng sau 10 năm có thể thu về lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, dù có tiềm năng, lợi thế lớn về rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu và du lịch, tuy nhiên để phát huy được chuỗi kinh tế này và giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề chưa được bàn thấu đáo, chưa có giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược. Vì vậy, diễn đàn là dịp để huyện được nghe ý kiến tham gia, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các chương trình bảo đảm đủ tầm, có chiến lược và có bước đi hoàn thiện hơn trong thời gian đến. Qua đó, giúp huyện Tu Mơ Rông trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Kon Tum thành trung tâm dược liệu cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra.

Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, trình bày tham luận về việc phát triển dược liệu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khách quan, lấy người dân làm gốc, lấy thị trường làm nền tảng; phát huy lợi thế rừng, dược liệu, chăn nuôi và du lịch tại địa phương; tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển thành hàng hóa, giá trị kinh tế, giá trị tinh thần; có cơ chế, chính sách đầu tư nghiên cứu giống dược liệu địa phương nâng cao năng suất chất lượng có giá trị y tế và kinh tế cao.

Dịp này, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển sâm Ngọc Linh với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.

* Gắn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu với du lịch

 

Tối 24/4, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức khai mạc Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2022. Đây là phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum.

Đến dự Phiên chợ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum; các hiệp hội du lịch, lữ hành, lãnh đạo các tập đoàn, công ty, các chuyên gia, cán bộ, công chức và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Tham gia phiên chợ lần này có 46 gian hàng và 158 mặt hàng, 9 mặt hàng sâm củ và chiết xuất sâm củ của 38 đơn vị đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các xã trong huyện, trong tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương. Phiên chợ cũng được tổ chức trực tuyến trên trang thương mại điện tử.

Ngoài phiên chợ, nhằm hòa chung với chuỗi sự kiện Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng năm 2022 của tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông còn tổ chức nhiều hoạt động khác gồm: Diễn đàn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch - cơ hội thoát  nghèo; Chương trình quảng bá du lịch với các sự kiện lớn nhất của tỉnh, đón 700 khách du lịch là các hiệp hội du lịch, lữ hành của các tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan truyền thông cả nước về tham quan phiên chợ và tìm hiểu cơ hội đầu tư; Chiến dịch "Và rừng sẽ lên xanh" với mục tiêu trồng, quản lý và bảo vệ rừng để bảo đảm mục tiêu phát triển dược liệu; các hoạt động văn hóa thể thao gồm giải bóng đá tranh cúp K5; Liên hoan cồng chiêng và liên hoan ẩm thực; Hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm; Chiến dịch đưa lan về rừng….

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết: Những hoạt động trên mang thông điệp về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong thời gian tới với trục xoay là: rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch. Còn rừng thì mới phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu gắn du lịch, không có rừng thì không có sâm Ngọc Linh, không có dược liệu sẽ không còn điểm khác biệt để phát triển du lịch. Phát triển du lịch sẽ là điểm tựa phát triển dựợc liệu, đưa sản phẩm đến với  người tiêu dùng trong và ngoài nước nhanh và hiệu quả nhất.