Chuyển đổi số - hướng đi mới của du lịch

|

NDO - Một trong những nội dung quan trọng nhất mà ngành du lịch hiện nay cần làm là chuyển đổi số, để thích ứng với hoàn cảnh và tiếp tục phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã cho thấy những thành công và kinh nghiệm từ việc chuyển đổi số này.

Trước đây, vấn đề chuyển đổi số đã được đề cập đến, nhưng rải rác, không tập trung và cũng chưa mạnh mẽ. Sang đầu năm 2020, những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 ngày càng rõ nét và để lại những hậu quả nặng nề cho du lịch, hàng không…, thì chuyển đổi số trở thành một nhu cầu cấp bách hơn đối với ngành du lịch.

Tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng đặt ra câu hỏi “Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh là một trong những xu hướng nổi trội, nhưng thực tế chúng ta đáp ứng được xu hướng này đến đâu, như thế nào?”

Công nghệ số làm cho du lịch hấp dẫn hơn. Đó là khẳng định của ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng tại Hội thảo này. Ông Tuấn Anh nhận xét, hiện nay, hầu hết hành vi của du khách hiện nay diễn ra trong môi trường số, từ đặt vé, đặt tour, mua dịch vụ… cho đến hành vi đơn giản như chụp ảnh check in tại các điêm đến. Điều này cho phép chúng ta thu thập các hành vi của du khách để phân tích, trong điều kiện công nghệ hiện đại. 

Ông Tuấn Anh chia sẻ: “Trước đây, khách hàng tìm đến với thông tin, nhưng ngày nay, chúng ta phải làm sao để thông tin tự tìm đến với khách hàng. Chính vì thế, việc cung cấp các reviews online là rất quan trọng”.

Ngày nay du khách chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh nhỏ gọn để tìm kiếm đủ mọi thông tin, dịch vụ, cho nên ngành du lịch phải coi trọng vai trò của các thiết bị di động. Các thiết bị di động, điện tử này cho phép thực hiện các điều tra, thăm dò với kết quả nhanh (gần như ngay lập tức) và chính xác, thay cho điều tra bằng phát phiếu giấy như trước kia. 

Chính vì thế, một nền tảng dữ liệu lớn rất cần thiết, đó là lý do tại sao xây dựng nền tảng dữ liệu của chính ngành du lịch rất quan trọng. Ông Lê Tuấn Anh đề xuất, phải làm sao cho hình ảnh của du lịch hấp dẫn hơn, đẹp hơn, đặc biệt là trên các thiết bị di động thông minh. 

Du khách tham quan tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 Ngoài ra, theo ông Lê Tuấn Anh, việc sử dụng các mạng xã hội là bắt buộc đối với ngành du lịch. Ngoài ra, cần phải hợp tác với các nền tảng như Google, Facebook, trước mắt là quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam an toàn, sau đó cần mở rộng dịch vụ hơn, phục vụ cả khách trong nước và khách quốc tế. 

Một trong những doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số thành công là HG Holding. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holding, chia sẻ: ‘”Trong bối cảnh du lịch và hàng không quốc tế gần như tê liệt vì đại dịch, chuyển đổi số đối với ngành du lịch Việt Nam là rất quan trọng. Chúng tôi chuyển đổi số từ cách đây năm năm, vào thời điểm đó, việc này vô cùng khó khăn, ở Việt Nam ít người, ít doanh nghiệp dám chuyển đổi số. Trong năm 2020, vì dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, chúng tôi đã tập trung cao vào công nghệ. Có những công nghệ 10% tự động. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã xây dựng được một nền tảng của người Việt, đặt trên trang amazon”.

Theo ông Ngô Minh Đức, có bốn điểm quan trọng, đó là phải xây dựng được một sản phẩm thực tế, tốt - đó sẽ là sản phẩm nền tảng. Ngoài ra, phải xây dựng được một cộng đồng có hệ sinh thái mạng mà trong đó người Việt sẽ sử dụng sản phẩm của nhau. Thứ ba, cần có sự bảo hộ về chính sách từ phía cơ quan chức năng. Và thứ tư, cần có chiến dịch PR, truyền thông tốt để tất cả người Việt đều ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam. 

Một nền tảng số khác đóng vai trò khá quan trọng đối với quảng bá du lịch là Google cũng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị. Bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia của Google tại Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia chia sẻ, các doanh nghiệp du lịch nên đầu tư hơn trong thông tin số. 

Phân tích thị trường du lịch Việt Nam của Google cho thấy, người Việt Nam lạc quan nhất thế giới hiện nay về đi du lịch. Người Việt luôn coi trọng uy tín của công ty du lịch hàng đầu, thể hiện qua các tìm kiếm trên Google. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch luôn cần phải giữ uy tín, bảo đảm an toàn, chú trọng vào chăm sóc khách hàng.

Bà Trâm Nguyễn cũng cho biết, đối với du lịch Việt Nam, Google hỗ trợ quảng bá thông qua ba chương trình, gồm Quảng bá vẻ đẹp Việt Nam qua Youtube, Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng kỹ thuật số và Cung cấp công cụ. Hiện nay, Google đang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chương trình Bệ phóng Vietnam digital 4.0… 

Chuyển đổi số để nắm bắt thị trường, đó không còn chỉ là xu hướng nữa mà đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Từ những kinh nghiệm của các đơn vị đã thành công, các doanh nghiệp du lịch có thể học hỏi, áp dụng tùy theo điều kiện và sở trường của mình, để sớm góp phần khôi phục thị trường.