"Rồng pikachu" và khoảng trống mỹ thuật

|

NDO - NDĐT - Con “rồng pikachu” (tên một con vật trong phim hoạt hình của Nhật Bản) ở đường Lê Hồng Phong, con đường đẹp nổi tiếng của TP Hải Phòng cuối cùng đã được tháo dỡ. Nhưng dư âm của câu chuyện này hẳn sẽ còn lâu.

Vô vàn ảnh chế con rồng “lạ” này đã xuất hiện. Những chiếc áo phông in hình rồng chế đã được bán ra. Một số cửa hàng mau mắn nhại lại hình ảnh của con rồng này bằng cách in lên biển hiệu. Đành rằng có thể cảm thông được với tâm huyết của những người công nhân, khi muốn trang trí cho con rồng để thành phố đón Tết đẹp hơn. Đành rằng rồng của thế kỷ 21 không nhất thiết phải giống rồng của một thời đại nào đó, như Lý, Trần hay Lê, Nguyễn… Song, lòng nhiệt tình cộng với sự thiếu thẩm mỹ đã sinh ra một thứ phản nghệ thuật mà chính lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã phải thừa nhận. Nhiều người đem con “rồng pikachu” làm trò tiếu lâm. Nhưng những người yêu mỹ thuật thì không coi đó là chuyện cười. Người ta thấy buồn nhiều hơn.

Hải Phòng tháo dỡ “rồng pikachu” vào ngày 8-1. Thật trùng hợp, đó là ngày nhóm Đại Việt Cổ Phong (diễn đàn của những người ham mê nghệ thuật truyền thống) cho ra mắt dự án Hoa văn Đại Việt. Hoa văn Đại Việt giới thiệu 250 mẫu hoa văn tiêu biểu của người Việt, bắt đầu từ thời Lý đến hết thời Nguyễn dưới dạng hoa văn véc-tơ, tức là đã được số hóa, có thể tải về và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. 200 trong số đó dành tặng miễn phí cho cộng đồng, bất kỳ ai cũng có thể lên mạng tải về. Đại Việt Cổ Phong khuyến khích mọi người sử dụng những hoa văn véc-tơ mà họ đã dày công nghiên cứu, số hóa.

Dự án Hoa văn Đại Việt bắt đầu từ câu chuyện giới trẻ ngày nay mù tịt về mỹ thuật cổ truyền. Mà không chỉ giới trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng thế. Tệ hơn, rất nhiều hoa văn, họa tiết ứng dụng trên các sản phẩm được giới thiệu là của Việt Nam đều có xuất xứ nước ngoài. Những hoa văn trang trí của Việt Nam, nhất là rồng, phượng không phải là không có. Nhưng tuyệt nhiên, chưa có một kho dữ liệu chuẩn, nhất là những hoa văn đồ họa có thể ứng dụng vào các sản phẩm trang trí mỹ thuật, từ vỏ bao bì sản phẩm, cho tới ứng dụng trong nghệ thuật thêu… Các thành viên Đại Việt Cổ Phong đã đi đến đình, đền, chùa, bảo tàng… trong khắp cả nước sưu tầm, hệ thống hóa các hoa văn cổ, chọn ra những hoa văn tiêu biểu rồi từ đó biến chúng thành những hoa văn được số hóa.

Muốn hiểu về mỹ thuật truyền thống Việt, cả nhóm đều phải mày mò với vô vàn công sức. Thông tin nhóm Hoa văn Đại Việt là những người đầu tiên làm ra một kho dữ liệu về hoa văn truyền thống khiến người ta nửa buồn, nửa vui. Vui vì thế hệ 9x đã quan tâm đến văn hóa truyền thống. Nhưng một lần nữa, người ta thấy buồn nhiều hơn. Buồn vì nền mỹ thuật dày dặn mấy nghìn năm, cái kho dữ liệu ấy đáng ra thuộc trách nhiệm của người lớn và được làm từ lâu rồi mới phải lẽ.

Hai câu chuyện tưởng khác xa nhau nhưng có điểm chung là đều liên quan đến hình tượng, mô-típ trong trang trí mỹ thuật. Diễn biến hai câu chuyện cũng theo những hướng rất khác nhau, song còn một điểm chung khác: Đó là khoảng trống mênh mông trong kế thừa nền mỹ thuật truyền thống. Nó trống đến nỗi phải trông cậy vào một "đám trẻ" nhóm Đại Việt Cổ Phong, mà "đám trẻ" này còn phải tự mày mò làm, tự trang trải kinh phí để nghiên cứu.

Vẫn có những ý kiến cho rằng chưa ai từng thấy con rồng thật thế nào. Rồng là do tưởng tượng, và những người công nhân ở Hải Phòng có quyền tưởng tượng. Tuy nhiên, người ta quên mất một điều hình tượng con rồng đẹp đẽ (chủ yếu phong cách thời Lê và Nguyễn) đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt, qua những hình ảnh mà ai cũng thấy ở đình, đền, chùa. Sản phẩm rồng trang trí ở Hải Phòng là dành cho cộng đồng. Và cộng đồng khó chấp nhận, nếu nói đến rồng mà không có ít nhiều sự kế thừa nét đẹp của hình tượng rồng trong trang trí mỹ thuật truyền thống.

Sự kiện trang trí rồng ở Hải Phòng làm nhiều người nhớ đến cũng thời điểm này năm ngoái, Hà Nội dựng lên một số đài hoa ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục rồi vội vàng phải dỡ đi. Và chúng ta có cả một kho tàng phong phú những hình tượng mỹ thuật. Chúng ta có một kho mỹ thuật cổ truyền giàu có, nhưng mỹ thuật ứng dụng, trong đó có trang trí những không gian công cộng, lại không có tính kế thừa, chưa tạo nên bản sắc.

Nhìn vào tình cảnh của mỹ thuật đương đại, sẽ không ngạc nhiên nếu câu chuyện "rồng pikachu" tái diễn. Thậm chí là rất nhanh sau đây.