Những người giữ hồn nhạc cụ Chăm ở Ninh Thuận

|

NDO - NDĐT - Các nghệ nhân Phú Bình Đồn, Lai Lầu... là những người giữ ngọn lửa trong việc bảo tồn và gìn giữ nhạc cụ Chăm qua bao đời nay. Họ cũng là những người truyền dạy và thắp lên ngọn lửa tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc mình cho nhiều lớp thế hệ trẻ người Chăm.

Ninh Thuận có hơn 66 nghìn đồng bào dân tộc Chăm. Bao đời qua, trong các lễ hội truyền thống của người Chăm nơi đây, không thể thiếu tiếng trống Ghi-năng; Paranưng, tiếng kèn Saranai… cùng tấu nhạc, hòa quyện nhịp nhàng với các điệu múa của những vũ nữ Chăm thu hút hàng triệu lượt du khách khi đặt chân đến Ninh Thuận.

Nhiều năm qua, người dân các làng Chăm ở Ninh Thuận luôn chú trọng truyền dạy thế hệ trẻ bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống và phát huy văn hóa đặc sắc của cộng đồng mình. Nghệ nhân Phú Bình Đồn ở thôn Vụ Bổn, huyện Thuận Nam, hiện là một trong số ít người biết chế tác và biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm. Ông còn dạy cho chín người con biểu diễn thành thạo trống Ghi-năng, trống Paranưng, kèn Saranai... Gia đình ông đã thành lập “Đội nhạc gia đình” đi biểu diễn nhiều nơi và là địa chỉ thân thuộc của những người đam mê âm nhạc Chăm tìm đến nghiên cứu, học tập. Từ những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn văn hóa Chăm, ông Phú Bình Đồn đã được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Phú Bình Đồn chia sẻ, nhạc cụ truyền thống chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của đồng bào Chăm, do đó, phải tâm huyết, phải đam mê âm nhạc thì khi biểu diễn, nghệ sĩ mới tạo nên cái “hồn” trong từng giai điệu của từng nhạc cụ để cuốn hút người nghe. Bộ ba trống Paranưng, Ghi-năng và kèn Saranai không thể tách rời nhau trong các lễ hội. Mỗi chiếc trống, chiếc kèn được ví như những phần “hồn” của con người. Kèn Saranai tượng trưng cho cái đầu và bảy lỗ tương ứng với hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng; trống Paranưng tượng trưng cho thân người, 12 cái chốt tang trống tượng trưng cho 12 con giáp; đôi trống Ghi-năng tượng trưng cho hai chân, 2 cái dùi trống ghi năng tượng trưng cho hai cánh tay, tang của trống có 16 dây ở hai đầu tương ứng cho 32 cái răng.

Ngay từ lúc nhỏ, ông được cha là nghệ nhân Phú Lộc dẫn đi theo lên rừng tìm kiếm vật liệu làm trống, làm kèn; được cha cùng một vài người thầy ở làng khác truyền dạy cách chơi, cách làm nhạc cụ. Cứ thế, việc chế tác và biểu diễn nhạc cụ Chăm đã gắn chặt với cuộc đời ông. Chất liệu chủ yếu để làm nhạc cụ là từ cây lim, cây cẩm liên và cây cóc da đá. Để làm ra một cặp trống Ghi-năng dài khoảng 75 cm, đường kính 35 cm, hai đầu bịt da trâu, phải mất hơn một tháng mới thành. Trống Paranưng với đường kính hai mặt đều nhau là 45 cm, cao 15 cm, hai đầu bịt bằng da dê đực, cũng hơn tuần lễ. Kèn Saranai dài khoảng 40-50 cm, vật liệu chủ yếu là làm từ sừng trâu và lõi cây me, để làm xong mất khoảng ba ngày.

Hiện tại, ông đã truyền dạy cho nhiều thanh nhiên trong làng biết chơi thành thạo ít nhất một loại nhạc cụ. Trước đây, gia đình nghệ nhân Thiên Sanh Thềm ở Hữu Đức có năm người con trai chơi các nhạc cụ, nay gia đình ông Phú Bình Đồn có đến chín người con biễu diễn thành thạo các loại nhạc cụ. Họ là những nghệ nhân chính khi biểu diễn trong các lễ hội hằng năm của đồng bào Chăm.

Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở ghi lại bài bản, nên nghệ nhân Phú Bình Đồn dạy cho các con mình thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương. Cách đây vài năm, “Đội nhạc gia đình” đã từng đoạt huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tại thành phố Vũng Tàu.

Nhờ làm tốc công tác truyền dạy, nên việc bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận luôn được duy trì qua nhiều thế hệ.

Tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, nghệ nhân Lai Lầu, đã có gần nửa thế kỷ biểu diễn và làm trống Ghi-năng. Ông kể: “Mười tuổi, đã mê đánh trống ghi-năng nhưng mấy ông già trong làng nói tôi là con nít nên không truyền dạy. Mỗi khi làng có lễ hội, tôi luôn ngồi chầu rìa nghe mấy ông già tấu nhạc. Nghe riết rồi nhập tâm. Hễ mấy ổng nghỉ tay là tôi sáp vô tập đánh trống Ghi-năng. Sau này, được nghệ nhân Lai Xuân Điểm truyền dạy, nên tôi là thế hệ nối tiếp”.

Ông bộc bạch: “Trống Ghi-năng có tới 50 bài đánh căn bản theo ông bà xưa truyền lại. Tuỳ theo tài năng của mỗi nghệ sĩ biểu diễn biến tấu sao cho có hồn, thu hút lòng người. Lòng người đánh có thanh thản rộng mở thì tiếng trống mới trong sáng, rộn ràng. Nếu người đánh mà bụng dạ hẹp hòi thì tiếng trống không thể “sống” được”.

Hỏi về chuyện chế tác trống Ghi-năng, ông cho biết, bây giờ hết gỗ quý rồi, phải dùng gỗ cây keo gai để thay thế. Kiếm được cây keo có đường kính rộng ba tấc, dài tám tấc thì làm được cái trống.

Ngoài việc làm trống, nghệ nhân Lai Lầu đã dốc hết tâm trí để dạy cách vỗ trống ghi-năng cho nhiều thanh niên trong làng. Giáo án là chi chít những ký hiệu thanh âm của nhịp trống theo từng bài bản cổ truyền được viết trên những vỏ bao xi-măng. Theo đó, học trò ôm trống vỗ theo những ký hiệu thanh âm, từ điệu “Thôn la” vui tươi đến “Pằng kì nà” đậm tính tráng ca. Những học trò sáng dạ thì sau ba tháng có thể vỗ được những bài bản đơn giản. Muốn hay hơn, người nghệ sĩ phải đeo đuổi cả đời người.

Gần mười năm qua, cứ mỗi buổi chiều, đồng bào Chăm ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, lại nghe những âm thanh đặc trưng của các loại nhạc cụ truyền thống Chăm vang ngân từ lớp dạy nhạc do ông Vạn Sổ dạy miễn phí cho những người trong làng, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm nơi đây.

Các nghệ nhân biểu diễn hòa tấu trống Gi-năng và kèn Sa-ra-nai , nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm trong lễ hội Ka-Tê.

Các học viên mang theo nhạc cụ mình yêu thích và tề tựu tại Nhà văn hóa xã Phước Hậu. Những âm thanh độc đáo hòa quyện nhau và du dương trong không gian rất nhẹ nhàng như cuộc sống giản dị của người dân nơi đây và có sức hút khá mãnh liệt với những ai yêu quý văn hóa Chăm truyền thống.

Nhiều người nói, đây là lớp học đặc biệt, vì không có sách vở, thầy giáo truyền dạy kiến thức và kỹ năng cho học viên bằng chính sự cảm thụ của bản thân và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm. Anh Thuận Na cho hay, từ chỗ không biết thổi kèn Saranai, kéo đàn Ka-nhi, đánh trống Paranưng, trống Ghi-năng, giờ đây, nhiều học viên đã chơi thành thạo các loại nhạc cụ này. Khi đã điêu luyện, họ tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội của đồng bào Chăm, không chỉ để thỏa mãn sự yêu thích nhạc cụ truyền thống, mà còn khơi dậy niềm đam mê cho nhiều thanh niên trong cộng đồng cùng chung tay bảo tồn văn hóa Chăm.

Theo ông Vạn Sổ, trong văn hóa Chăm, âm nhạc là sự kết nối thiêng liêng giữa con người với thần linh và vũ trụ bao la. Với cuộc sống của người Chăm hôm nay, những thanh âm réo rắt, huyền bí này còn là sự nối kết những người đang nặng lòng với văn hóa truyền thống Chăm xích lại gần nhau hơn, cùng hòa chung với những nền văn hóa của các dân tộc anh em.