Sân khấu truyền thống vẫn loay hoay tìm hướng đi

|

Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, đã mang đến nhiều đột phá và những cung bậc cảm xúc đẹp cho người xem. Bên cạnh đó, cũng giúp nhìn nhận lại những hạn chế của sân khấu truyền thống thời gian qua.

Cuộc thi có 17 vở diễn (mười tác phẩm tuồng, bảy tác phẩm dân ca kịch) của 11 đơn vị nghệ thuật dự thi, đã thể hiện những đặc trưng cơ bản của tuồng, dân ca kịch truyền thống, khi khẳng định giá trị của những anh hùng thời xưa, thanh minh cho nỗi oan khiên của các nhân vật lịch sử, đồng thời phê phán thói hư, tật xấu, tham vọng ích kỷ trong xã hội hiện tại… Dù dựng theo nhiều mảng đề tài (chín vở đề tài lịch sử, một vở đề tài dân gian, hai vở đề tài chiến tranh cách mạng, năm vở đề tài hiện đại) và các kết cấu hình thức khác nhau, các vở diễn vẫn theo những kết thúc có hậu, tạo được niềm tin chiến thắng trong lòng người xem. Đây cũng là thị hiếu thẩm mỹ vốn có của tuồng và dân ca kịch truyền thống.

Nhìn vào danh sách đạo diễn năm nay, có thể thấy những gương mặt tài năng đã quen thuộc với làng tuồng, dân ca kịch, như: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Trần Ngọc Giầu, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Nguyễn Đình Dũng, NSƯT La Thanh Hùng… Bởi thế, đa phần các tác phẩm đều thể hiện được tính chuyên nghiệp, với cách sử dụng những mảng miếng ước lệ, cách điệu, tượng trưng phù hợp thể loại, cách xử lý thời gian, không gian có nghề. Một số đạo diễn đã sáng tạo được những miếng trò hay, mang đến sự hấp dẫn thú vị cho sân khấu truyền thống. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ: Đến với cuộc thi năm nay, hầu hết các đơn vị đều đầu tư khá kỹ từ kịch bản, đạo diễn, âm thanh tới trang phục, diễn xuất…, mang đến những tác phẩm chất lượng ở cả loại hình tuồng và dân ca kịch. Nét mới của cuộc thi năm nay chủ yếu nằm ở hình thức thể hiện tác phẩm. Kịch dân ca đã được kết hợp với ca, múa, nhạc hiện đại nên gần gũi và phù hợp hơi thở đương đại hơn. Còn ở tuồng, là sự xuất hiện của thể loại tuồng đồ, được xây dựng trên cảm hứng hài kịch, thiên về châm biếm, đả kích. Cuộc thi cũng ghi dấu sự xuất hiện của dàn diễn viên trẻ tài năng, lực lượng kế cận giúp bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cuộc thi cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. PGS,TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: Nhìn lại 17 tác phẩm dự thi, thấy rất ít vở diễn có chủ đề mới và mang tầm triết lý cao, phần lớn vẫn là mô-típ cũ, quen thuộc với sự phản ánh mang tính thời sự. Hầu như chưa có vở nào có cốt truyện hay, mới, độc đáo; một số vở diễn có kết cấu lỏng lẻo, lớp thừa, lớp thiếu. Đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng các vở diễn đề cập vẫn làm xúc động khán giả, nhưng cần chú ý tới hiện thực cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế nhiều hơn. Ngoài ra, tại cuộc thi có không ít vở, nhiều diễn viên, nhiều nhân vật, nhưng tính cách, hình tượng còn mờ nhạt; tức sân khấu cuộc thi còn yếu về tính hình tượng, thiếu về tính cách, thường chỉ là những hình ảnh minh họa cho ý tưởng. Hội đồng giám khảo cũng thẳng thắn chỉ ra những vở diễn đã xa rời hình thức tự sự truyền thống, dàn dựng vở diễn thiên về tả thực, gần với kịch nói nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến một vài đạo diễn bỏ qua cấu trúc mảnh trò mà chỉ tập trung tới những thủ pháp minh họa lịch sử theo phong cách tự sự kịch nói cùng những lỗi thuộc về kỹ thuật, biểu diễn, như khi hát còn chênh, phô; tiếng nhạc át lời ca, sử dụng đạo cụ chưa thuần thục…

Như vậy, có thể thấy, từ quy mô của một cuộc thi cấp quốc gia đã phần nào phản ánh khá chân thực diện mạo cũng như những vấn đề còn tồn đọng của loại hình sân khấu tuồng, dân ca kịch trong đời sống hôm nay. Đây cũng là cơ sở để những nhà quản lý, giới chuyên môn nhận diện thực trạng và đưa ra những chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy “ngón nghề” của cha ông với hàng loạt vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để có những kịch bản hay, mới, đáp ứng nhu cầu công chúng; làm thế nào để những tác phẩm sân khấu truyền thống xứng đáng là “nhân chứng thời đại” và vở diễn phải như thế nào để thu hút, nuôi dưỡng những tài năng trẻ…? Đây là những câu hỏi trăn trở của giới nghiên cứu và người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống!

Tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016, Ban tổ chức trao ba huy chương vàng cho các vở: Thầy và trò (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ), Nước non cửa Phật (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Chuyện bịa của làng Vồm (vở Ao làng - Nhà hát Tuồng Việt Nam); bốn huy chương bạc cho các vở: Dòng sông Đỏ (Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế), Phúc Thần Thoại Ngọc Hầu (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Chuyện tình bên tháp cổ (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Vụ án Lệ Chi Viên (Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế); 32 Huy chương vàng, 49 Huy chương bạc cho các diễn viên. Giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn - NSND Hoài Huệ (vở Vụ án Lệ Chi Viên - Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế).