Con đường âm nhạc từ cây chổi
Con đường âm nhạc của Xuân Nghĩa bắt đầu từ... cây chổi ở góc nhà, vào năm 13 tuổi. Lúc đó, Xuân Nghĩa thích nghe nhạc nước ngoài (vì thị trường toàn nhạc vàng và nhạc hải ngoại), đặc biệt là nhạc Disco và Rock’n Roll. Thế là, Nghĩa thường cầm cây chổi tưởng tượng làm cây đàn rồi tự biểu diễn theo điệu nhạc say xưa.
Anh kể: Nhưng cây chổi vẫn là cây chổi, tôi muốn một cây chổi phải có âm thanh! Tôi để dành tiền lì xì mua được cây đàn guitar giá 16 nghìn đồng. Rồi mua những quyển sách bướm dạy nhạc bán lề đường Lê Lợi về tự học, rồi nhờ mấy anh hàng xóm hướng dẫn.
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa, ngoài cùng, bên trái, cùng bạn bè trong ban nhạc “The Student” một thời (Ảnh: website nhân vật).
Năm 1991, Xuân Nghĩa cùng bốn người bạn thân lập ban nhạc “The Student”, chơi cho các trường học, và đưa các sáng tạo mới theo ý thích vào phần phối khí và giảng tấu các tác phẩm nước ngoài bởi lúc bấy giờ nhạc trẻ Việt Nam chưa lên ngôi.
Riết rồi chơi nhạc nước ngoài mãi cũng chán, bao nhiêu sáng tạo cho sản phẩm của người ta trở thành phung phí, Xuân Nghĩa nghĩ đến việc viết bài hát riêng cho mình. Anh lần mò trong đại dương giai điệu và soạn ca khúc đầu tiên tựa đề “Lời đầu cho em” vào năm 1992.
Lúc đầu, Xuân Nghĩa cảm thấy ngượng lắm khi lần đầu giới thiệu ca khúc đầu tay của mình, nhất là khi cô MC đọc lanh lảnh: “ca khúc Lời đầu cho em, sáng tác: nhạc sĩ Xuân Nghĩa”. Thế rồi cũng xong. Bài hát viết ngô nghê rồi cũng được khen thưởng bằng những tràng pháo tay, và những chữ ký dễ thương của bạn bè. Chỉ có mặt Nghĩa là đỏ lên khi được gọi là nhạc sĩ ở tuổi 17.
Năm 1995, một phong trào sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh nở rộ qua cuộc thi có tên gọi Unplugged do Khoa Anh ngữ trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh ) tổ chức dành cho các sinh viên yêu thích môn Anh ngữ và có năng khiếu âm nhạc. Mỗi ban nhạc phải trình diễn trên nhạc cụ phi điện tử với một sáng tác bằng tiếng Anh, và một ca khúc tiếng Anh trên thế giới.
Chính vì sự thi đua của cuộc thi, Xuân Nghĩa cũng viết xong bài “Bye Goodnight” (Chúc ngủ ngon). “Và bây giờ giải nhất thuộc về…”, giọng MC ngừng lấp lửng, phía dưới khán giả, giọng ca được phát lại bài “Bye Goodnight”… Cả hội trường như vỡ tung, những người bạn thân chạy nhào lên sân khấu ôm lấy Xuân Nghĩa trong khi anh vẫn chưa tin rằng mình đã giành giải nhất.
Bài hát hun đúc tinh thần người Việt trẻ
Năm 2000, nhạc sĩ Trường Quang Tuấn (đã mất) giới thiệu Xuân Nghĩa vào sinh họat tại Câu lạc bộ sáng tác ca khúc quận 3. Ở đây, Nghĩa tiếp tục được các anh em bạn bè mách bảo, bên NVH Thanh niên TP Hồ Chí Minh có Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành Đoàn dành cho các bạn trẻ. Lò dò tìm sang Câu lạc bộ đó, và gặp lại những người bạn cũ nay là các nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, Hoài An, Quốc An… Xuân Nghĩa đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên quy tụ vào CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh.
Năm 2001, Xuân Nghĩa sáng tác ca khúc “Đến với con người Việt Nam tôi”. Và những giai điệu hùng hồn của bài hát và ý nghĩa trong nội dung của nó đã khiến nhiều bạn trẻ thuộc nằm lòng vì phù hợp với khí thế tình nguyện và có “gia vị” thực tế rất nhiều từ những chuyến đi của Xuân Nghĩa. Từ đó, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam được khơi gợi mạnh mẽ qua lời bài hát.
Anh cho biết, trong một chương trình giới thiệu ca khúc mới của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ chào mừng thành lập Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh vào năm 2001, bài hát “Đến với con người Việt Nam tôi” được đưa vào để kết chương trình. T ôi phải nhờ đến CLB Giai Điệu Xanh, do anh Hồng Phúc làm chủ nhiệm giúp đỡ. Đây chính là bước ngoặt đưa bài hát đến với công chúng. Chưa hề phát hành băng đĩa, chưa truyền hình, chưa phát thanh, chưa báo chí, chỉ có nhóm Giai Điệu Xanh hát cổ động trong các chương trình xung kích thanh niên, từ cấp thành xuống đến phường xã. Và bài hát đã thành công khi đến được với trái tim khán giả, được chọn sử dụng trong nhiều cuộc thi quần chúng, thanh niên.
Giờ đây, nhiều bạn du học sinh đã tự dịch để hát bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Trung Quốc, Pháp… để mong muốn truyền đạt nội dung bài hát đến với bạn bè năm châu.
1. Này bạn thân nơi năm châu bốn phương, Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào.
Ngày nào còn chìm trong khói bom, mà giờ đây cất cao lời ca vang.
Hà Nội thủ đô con tim dấu yêu.
Ngược xuôi phố xá đã vui thêm nhiều.
Tàu vào nam rộn vang tiếng ca.
Ngàn bàn tay vẫy nhau chào tương lai.
Sài Gòn hôm nay bao nhiêu đổi thay.
Hoà theo sức sống với bao công trình.
Từ bàn tay cùng nhau đắp xây, để giờ đây chúng tôi gọi mời.
Điệp khúc: Hãy đến với những con người Việt Nam tôi.
Đến với quê hương đất nước thanh bình.
Đến với Tết đón giao thừa ngày ba mươi.
Với những chiến công mùa xuân năm ấy.
Quê hương tôi đây đã sống hôm qua.
Quê hương tôi đây vẫn sáng hôm nay.
Quê hương tôi đây sẽ mãi mai sau.
Vang danh non sông trái tim Việt Nam.
2. Một ngày cha ông vang danh núi sông.
Một ngày đất nước đứng lên thanh bình.
Ngày dựng xây cùng bao cánh tay.
Ngày hôm nay bước lên cùng anh em.
Mảnh đạn năm xưa gieo trên đất nâu.
Giờ đây đã hoá những thân lúa vàng.
Gởi vào trong từng trang sách thơ, nhìn tương lai trái tim mỉm cười.
* Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa sinh ngày: 27-9-1975 tại Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh năm 1977, và lớn lên tại đây.
Anh hiện là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn của Nhà văn hóa Thanh niên, Ủy viên Ban thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VI (2009 - 2014)