Hài cốt 13 nghìn năm ở Sahara chứng minh cuộc chiến tranh đầu tiên của loài người

|

NDO - NDĐT – Một phân tích dựa trên những gì còn lại của các bộ hài cốt người ước tính có niên đại khoảng 13 nghìn năm được tìm thấy ở bờ đông sông Nile về phía bắc Sudan cho thấy, có thể đây là những nạn nhân của cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử hình thành loài người.

Các nhà khoa học đã phân tích và đưa ra giả thuyết đây là những người tiền sử có mặt trong cuộc chiến tranh có vũ trang đầu tiên của loài người.

Các phần còn lại của những bộ hài cốt này được khai quật từ năm 1964, do nhà khảo cổ người Mỹ Fred Wendorf tiến hành tại khu nghĩa địa tiền sử ở vị trí mà ngày nay là Jebel Sahaba, Sudan. Cuộc khai quật sau đó được mở rộng nhờ vào kinh phí của UNESCO nhằm tìm kiếm những điểm khảo cổ từng bị ngập sau khi con đập Aswan được xây dựng. Phát hiện về khu nghĩa địa này có ý nghĩa lớn đối với khảo cổ thế giới và đây là một trong những địa điểm cổ xưa nhất từng được khai quật tại vùng thung lũng sông Nile.

Một số bộ hài cốt ở khu vực Jebel Sahaba.

Đây là phần còn lại của khoảng 60 người, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con, một số đã được gửi tới Bảo tàng Anh để giữ gìn. Hiện nay một đội ngũ các nhà khoa học từ ĐH Bordeaux đang hợp tác với Bảo tàng Anh để nghiên cứu những mẫu vật này. Phân tích của họ đã phát hiện ra một số dấu vết do mũi tên để lại trên hộp sọ hay xương của các nạn nhân, cho thấy họ chết do vũ khí (cụ thể là cung tên) của đối thủ trong các cuộc tấn công. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng chứng minh rằng cuộc tấn công này có thể kéo dài từ hàng tháng đến hàng năm.

Một nghiên cứu khác được tiến hành song song do ĐH John Moore, ĐH Alaska và ĐH Tulane của New Orleans thực hiện cũng chỉ ra rằng các nạn nhân này thuộc dân số vùng tiểu Sahara, tổ tiên của người da đen ở châu Phi ngày nay. Trong khi đó, các đối thủ còn lại trong cuộc chiến thuộc nhóm dân Bắc Phi/Levantine/châu Âu, và hài cốt của họ được phát hiện ra ở gần Jebel Sahaba.

Sự khác biệt về chủng tộc giữa hai nhóm người này có thể nhận thấy rõ ràng qua các đặc điểm riêng. Thí dụ, dân tiểu vùng Sahara có chân tay dài, trán tròn, mũi rộng, thân ngắn…, trong khi người Bắc Phi/Levantine/châu Âu có tứ chi ngắn hơn, thân mình dài, khuôn mặt phẳng hơn.

Trong suốt quá trình diễn ra cuộc chiến, vùng đất phía bắc Sudan là ranh giới giữa hai chủng người nói trên. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng, thời gian đó, khí hậu khắc nghiệt khiến nguồn nước khô cạn là nguyên nhân xảy ra cuộc chiến khi các tộc người tranh giành khu vực ven bờ sông Nile.