- Thưa ông, cùng với những đề xuất, kiến nghị về giải pháp hỗ trợ cho sự vực dậy của lĩnh vực du lịch sau đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành du lịch Việt theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn?
- Ðại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng lên ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam đã tương đối an toàn, việc kích cầu du lịch nội địa là giải pháp giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi ít nhiều, chứ chưa thể nói là phục hồi hoàn toàn.
Cũng cần nhìn nhận, sự hồi phục của ngành du lịch nội địa sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác, vì bản thân ngành du lịch đã là một ngành kinh tế tổng hợp, nó liên quan đến hàng không, thương mại, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải… Ngoài ra, việc kích cầu du lịch nội địa mang lại nhiều ý nghĩa xã hội khác, như tạo công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động; du lịch nội địa cũng góp phần làm tăng thêm niềm tự hào của người Việt - thế giới cũng biết đến Việt Nam là một điểm đến an toàn; mang lại các giá trị trải nghiệm giao lưu văn hóa vùng miền…
- Vậy là, sự "xoay trục" này được thực hiện như một giải pháp tình thế, nhưng thực tế lại là một xu hướng tích cực và có ý nghĩa lâu dài?
- Trước đây chúng ta có phần quá xem trọng du lịch quốc tế, và đúng là du lịch quốc tế là một hợp phần rất quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, nhưng cũng chủ yếu về mặt số lượng chứ chưa chú trọng mặt chất lượng, tức là chúng ta xem trọng số lượng khách vào, trong khi, mức chi tiêu của khách nước ngoài tại Việt Nam ở mức thấp, chỉ khoảng 96 USD/ngày, trong khi ở Thái-lan khoảng 163 USD/ngày, Xin-ga-po khoảng 325 USD/ ngày…
Kích hoạt lại du lịch nội địa ở thời điểm này, dù chưa có một đánh giá chính xác và tổng thể về mức chi tiêu của người Việt, nhưng với số lượng đông, gấp từ bốn đến năm lần so với lượng khách quốc tế thì thu nhập từ khách nội địa cũng lớn hơn rất nhiều so cán cân nguồn thu từ khách quốc tế. Tất nhiên, phát triển khách quốc tế còn mang lại nhiều ý nghĩa khác như hội nhập khu vực và quốc tế, mang nguồn ngoại tệ về cho đất nước, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước… nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải thúc đẩy du lịch nội địa.
Covid-19 đã đem đến nhiều bài học cho ngành du lịch của tất cả các nước, chứ không riêng gì Việt Nam. Ðó là bài học về sự cân bằng giữa thị trường du lịch trong nước và quốc tế; bài học về việc mở rộng, đa dạng thị trường; bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng; bài học về biến thách thức thành cơ hội...
Ngành du lịch của chúng ta nên có tư duy mở để tiếp thu và học hỏi những cách làm hay của các nước bạn. Như ở Thái-lan, nhân dịp vắng khách này họ đang phát động một chiến dịch rất lớn cho cả ngành: vệ sinh môi trường cho các điểm đến. Ðó cũng là một bài học mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Chúng ta đang bàn về câu chuyện phát triển du lịch bền vững, mà một trong những hệ lụy rất tiêu cực mà du lịch gây ra là sự xuống cấp của môi trường. Thời gian này, có lẽ cũng nên triển khai các chiến dịch bảo vệ môi trường - du lịch xanh.
- Cùng với các giải pháp kích cầu nội địa trong mùa cao điểm du lịch hiện tại, từ góc nhìn của ông, trong thời gian tới, ngành du lịch nên tập trung vào những mục tiêu gì?
- Du lịch Việt Nam, phải đến tháng 10 - khi mùa du lịch nội địa hết rồi, thì mới có thể đánh giá đúng về năng lực tồn tại của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Ðó là câu chuyện rất nan giải.
Ðại dịch này cho chúng ta nhìn nhận nhiều bài học, như bài học về xây dựng những quỹ phòng, chống khủng hoảng. Thường các doanh nghiệp ít để ý điều này. Ở nước ngoài, các quỹ phòng, chống rủi ro là bắt buộc, như ở Nhật Bản chẳng hạn. Trong Luật Du lịch Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2017 có hẳn một mục về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng chúng ta chưa triển khai sát sao trên thực tế. Nhân dịp này, có lẽ cần có những chính sách cụ thể hơn.
Sau Covid-19, các liên minh du lịch đã hình thành khá nhiều, cả trong nước và quốc tế, và đã có những động thái gắn kết có thể nói là chưa từng có, khá chặt chẽ, như chương trình kích cầu du lịch bằng tàu hỏa từ Hà Nội đi Quảng Bình, hay chương trình Vòng cung Ðông Bắc, kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố… Lúc này, các hiệp hội đóng vai trò khá quan trọng, là cầu nối để các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng xây dựng sản phẩm, hỗ trợ các thành viên phục hồi, và định hướng phát triển thị trường khách…
Cùng với việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, chúng ta cũng cần chú trọng tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ. Giảm giá để kích cầu du lịch, nhưng dịch vụ vẫn phải bảo đảm. Ngoài ra công tác đào tạo để có nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam sau khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường. Việc xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện cũng cần được quan tâm hơn.
Xa hơn một chút, chúng ta cần chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm, để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, trong đó, một vấn đề mà tôi vẫn luôn nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay: đó là phát triển kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách. Khi đã tạo dựng được sự phát triển bền vững, đa dạng, thì ngành du lịch sẽ có khả năng thích ứng tốt và chống chịu được những rủi ro bất thường.
- Xin cảm ơn ông.