“Chạm tay vào cánh chim trời” không đi sâu vào khảo cứu, hoặc lấy bối cảnh phố cũ, phố xưa của vùng lõi Thủ đô Hà Nội. Điều này nhiều nhà văn đã làm. Nguyễn Văn Học đã đi riêng một đường, dẫn dụ người đọc khám phá vùng ngoại ô Hà Nội, với chất văn đẹp, nhiều vốn sống. Cuốn sách không chỉ viết riêng về thiên nhiên, chim trời, cỏ cây, hoa lá mà vẽ ra cả một bức tranh khá rộng lớn về vùng quê ngoại thành trong cuộc giao thoa thời đại, cái mất rất nhiều nhưng cái còn cũng vẫn đủ để người ta hy vọng.
Như một cuốn sách hướng dẫn du lịch, “Chạm tay vào cánh chim trời” đưa người đọc qua những cuộc hành trình đến ngoại ô Hà Nội với quá khứ và hiện tại đan xen. Nhưng anh khai thác kỹ sức sống của làng xã, của những vẻ đẹp hôm nay nhiều hơn. Qua hiện tại hôm nay để nói về quá khứ và tương lai.
Đó là xứ Đoài, Hà Nội mở rộng, vùng ven đô thị lõi với những ngôi làng cổ còn sót lại, những sinh hoạt văn hóa truyền thống, những vùng đất “đặc sệt” chất quê với đồng lúa xanh bát ngát, những dòng sông đang chảy trong cơn biến động của thời đại. Theo hành trình này, người đọc sẽ được đến đích xác từng địa điểm: làng Bối Khê ở Thanh Oai có ngôi chùa Đại Bi còn bảo tồn được loài sen đất; về Phượng Vũ (Phú Xuyên) để chiêm ngưỡng những di tích lịch sử; hoặc về Thường Tín để tìm hiểu về một mảnh đất của những nghệ nhân…
Theo những địa danh, người nơi xa đến có thể hình dung về sự phong phú của vùng đất này, đến đâu cũng có những điều thú vị để khám phá còn người sinh thành trên từng địa danh ấy, nhất là các bạn trẻ có cơ hội được hiểu hơn về nơi mình sinh ra, lớn lên mà thêm yêu quê và có ý thức hơn trong việc giữ gìn những giá trị còn hiện hữu.
Điều đặc biệt quan tâm trong cuốn sách chính là những trăn trở của Nguyễn Văn Học về những điều đang diễn ra trên vùng đất bao quanh Hà Nội này. Vùng đất cổ xưa trong sự chuyển mình của đất nước, không ngăn được những mất mát, thay đổi. Sự biến mất của những cánh đồng, những dòng sông; sự thu hẹp của những ngôi làng cổ, giao tranh tân cổ trong những ngôi nhà cũ. Còn đâu làng Tả Thanh Oai thanh bình thuở trước, bây giờ “những chiếc cổng rêu phong cũ kỹ trầm mặc đứng chen chân với những ngôi nhà cao tầng, những chiếc cổng sắt nặng trịch…”. Trong nỗi buồn của tác giả có nỗi day dứt của rất nhiều người khi nghĩ đến một ngày “tìm nét cổ kính làng quê chỉ có thể xem lại ở những bộ phim đã quay”.
Nguyễn Văn Học đã không giấu diếm nỗi thất vọng khi mỗi lần trở về lại thấy những sự thay đổi nhưng với anh, điều đáng sợ nhất có lẽ là sự thay đổi của con người. Những đứa trẻ hờ hững với cái Tết cổ truyền, về quê nghỉ Tết cũng chỉ cắm cúi vào điện thoại, thích gọi đồ ăn sẵn hơn là sửa soạn gói bánh chưng cùng cha mẹ, ông bà để cùng khơi lại không khí Tết. Không còn nhiều những phong tục tốt đẹp trong ứng xử giữa con người với con người, mọi người trở nên xa cách lạnh lùng với truyền thống, với mọi người chung quanh trong hiện tại.
Trong những sự thay đổi của con người, nhà văn lo ngại nhất có lẽ là trong mối quan hệ, ứng xử của con người với thiên nhiên. Những day dứt của anh khi chạm vào cái run rẩy, sợ hãi của con vật nhỏ bé lúc nó đã bị vặt trụi lông trong khu chợ bán chim trời, hay cảm giác bất lực khi nhìn đâu cũng thấy những biển hiệu “đặc sản chim trời”… Con người tàn phá thiên nhiên, con người đang tách dần khỏi mối quan hệ cộng sinh, đối xử với môi sinh bằng sự tàn ác, tôi nghĩ Nguyễn Văn Học không chỉ nhìn thấy, không chỉ đau vì thế mà còn cả những chất chứa âu lo về cái mai sau không xa của con người.
Như một người quan sát, trải nghiệm nhưng cũng như một người biết đi gieo hy vọng cho mọi người và cho chính mình, trong tập tạp văn này, Nguyễn Văn Học viết khá nhiều về những điều tốt đẹp. Không phải chỉ là những hoài niệm quá khứ, không phải chỉ là những khám phá về di tích dưới góc nhìn một nhà báo, mà là ở điều quan trọng nhất khiến người ta có niềm tin vào việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp ở những ngôi làng ven đô hay là ở bất cứ vùng quê Việt Nam nào khác. Đó là con người, với những thế hệ nối tiếp nhau. Những cụ già ở xứ Đoài, ở làng cổ Đường Lâm, Bá Giang, Cổ Đô và toàn vùng Hà Nội mở rộng… vẫn quyết tâm giữ lại từng nếp nhà cổ, giữ nghề truyền thống, giữ gìn nền nếp gia phong. Thế hệ sau, tiếp tục những con người tha thiết với giá trị cổ truyền và bảo vệ thiên nhiên như chủ của những khu du lịch sinh thái, như nỗi niềm của chính người viết sách và còn rất nhiều những bạn trẻ khác, đến với thiên nhiên không phải chỉ để “săn hình”…
Không cầu kỳ câu chữ, nhưng “chạm tay” vào cuốn sách này, người đọc có thể chạm được tới một điều cốt lõi nhất của cuộc đời, đó là tình yêu thiết tha với thiên nhiên, quê hương và văn hóa cổ truyền của Hà thành.