Nhà thơ Trúc Thông: “Ngọn đèn xanh” sẽ tiếp tục thắp sáng

|

Chỉ mới hơn tháng trước đây thôi, tôi và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cùng nhà thơ trẻ Đỗ Anh Vũ vừa trò chuyện về nhà thơ Trúc Thông.

Về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình và cả về người vợ tảo tần, thủy chung, yêu thương ông hết mực; cùng hai cô con gái nhỏ giỏi giang, chăm ngoan, thành đạt của ông. Một đời người, một đời thơ kể như thế cũng là hạnh phúc, cũng đã trân trọng biết bao.

Nhà thơ Trúc Thông sinh năm 1940, tuổi Canh Thìn, trong một gia đình có gia phong ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mồ côi cả cha từ nhỏ, ông ở với mẹ và chị gái, nhọc nhằn đi qua những tháng ngày thương khó thời bao cấp túng nghèo. Tuổi thơ chật vật đã tôi đúc ông trở thành một người có nghị lực sống kiên cường, khả năng thích nghi và đối đầu với thách thức gian nan, nuôi dưỡng, vun xới cho tâm hồn ông một tình yêu thơ ca say đắm, vô bờ.

Đến với thơ ca từ rất sớm, nhưng Trúc Thông thành danh muộn màng so với thế hệ các nhà thơ cùng trang lứa. Con đường thơ ca nhọc nhằn, đầy gian nan thách thức như chính cuộc đời thi sĩ của ông. Đó là con đường: Tiếng chim rơi tịch mịch/ Nỗi người đi muôn trùng. Nhưng bằng niềm tin và tình yêu tha thiết cuộc sống, yêu con người, yêu cái đẹp, nên ở ông có một Trúc Thông khác biệt và độc đáo. Một thi sĩ đích thực, luôn nhỏ nhẹ, biết lắng nghe, không khuất phục cũ mòn, một mình trên con đường ma-ra-tông thơ: Mới, khác, nghiêm cẩn với mình, nghiêm cẩn với thơ, nghiêm cẩn với cuộc đời, nhân văn và sâu sắc.

Bằng vào bản năng thiên bẩm nhạy cảm và tinh tế, một bản lĩnh thơ ca vững vàng, luôn khao khát tìm tòi cái mới, ông đã cho ra đời năm tập thơ và hai tập tiểu luận phê bình thơ quan trọng, đóng góp một phần đáng kể vào nền thơ ca dân tộc. Mỗi tập thơ của ông là một lời tâm tình, một ý chí sắt đá không thỏa hiệp, là sự chắt lọc tới từng con chữ đến quyết liệt: Xuyên những bức tường/ Ta đã phải tấn công/ Từ ngữ những núi cao vỏ đạn. Nhưng ẩn đằng sau đó chính là sự dịu dàng giấu kín nơi thẳm sâu trái tim thi sĩ thấm đẫm tình người, tình đời của ông.

Những bài thơ “Hy vọng phố mình”, “Đường lưng đèo gió”, “Đêm mùa thu”, “Bờ sông vẫn gió”, “Chầm chậm”, “Khúc trẻ thơ”… của ông thật sự chinh phục bạn đọc và ngay cả các nhà thơ khó tính cùng thời với ông cũng đều thừa nhận. Những bài thơ ấy vừa dịu dàng trong sáng vừa có cái gì ngấm ngầm kiêu hãnh của sự tươi mới, trẻ lạ. Bởi thế ông xứng đáng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập “Một ngọn đèn xanh” (2000) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật (2016).

Với tư cách một nhà thơ đàn anh, thế hệ đi trước, Trúc Thông có trái tim bao dung và lòng vị tha cao cả với các thế hệ thơ sau mình. Ông trân trọng họ, cởi mở gần gũi, động viên khích lệ nhiều cây bút trẻ có khao khát tìm tòi đổi mới. Từng phụ trách Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, là người tổ chức chuyên mục tiếng thơ và chương trình đọc truyện đêm khuya, nên ông rốt ráo giới thiệu nhiều cây bút trẻ trên các chương trình văn nghệ của đài.

Trong suốt cuộc đời dấn thân cho thơ ca và văn học, ông trở thành người anh, người bạn đồng hành gắn bó mật thiết với nhiều nhà thơ trẻ thành danh và bạn đọc cả nước. Ông đã truyền đi cảm hứng, khát vọng cống hiến, niềm đam mê sáng tạo, phụng sự vẻ đẹp thanh khiết của thơ ca.

Với tôi, nhà thơ Trúc Thông là một mẫu mực về sự cống hiến cho thơ ca. Sự đam mê trong sáng, nguồn cội của bản tính thiên lương ở ông đã làm nảy sinh trong ông niềm khoái cảm sáng tạo bất tận. Sự tinh tế và nhân bản trong thơ ông chạm đến trái tim của nhiều bạn đọc và đồng nghiệp. Mỗi bài thơ là mỗi khoảnh khắc của đời người. Nó được chiêm nghiệm và chắt lọc qua thời gian, làm cho người yêu thơ sau khi thưởng thức không dễ quên nguôi. Nó thôi thúc con người yêu cuộc sống hơn, sống có khát vọng và có mục đích hơn. Nó đối lập với cái xấu, cái vô cảm. Đề cao niềm tin vào sự thật, vào lẽ phải và phẩm giá con người. Nó khuyến khích con người vượt lên nỗi sợ hãi, nỗi buồn và cả sự bi quan bế tắc để: Trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc/ cười rung gió cây, hướng tới những điều đẹp đẽ cao thượng.

Vĩnh biệt ông một trái tim đa cảm tinh khôi nhưng luôn bình yên, kiên định. Hơn mười năm mắc bạo bệnh, dù trong lúc đau đớn, bế tắc do những căn bệnh quái ác hành hạ, dù bầm giập trước sự sống và cái chết, ông vẫn luôn tin vào con người, tin vào cái đẹp và sự chiến thắng của thơ. Vẫn không ngừng đốt lên tia sáng hy vọng. Khơi dậy ý chí và nguồn cảm hứng sáng tạo cho người yêu thơ, cho bạn đọc. Rằng cuộc sống có ý nghĩa hơn khi cái đẹp chiến thắng. Tình yêu thương, sự tử tế, lòng bao dung trung thực được tôn vinh.

Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tài năng văn chương, một nhân cách sống có mục đích chân chính, có lý tưởng nghệ thuật, dâng hiến trọn vẹn mình cho vẻ đẹp của thơ ca, vượt lên mọi nỗi đau, nỗi u uất trần thế bằng trái tim nóng, nụ cười hồn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ ân tình, xiết bao ấm áp.

Vĩnh biệt ông, một tâm hồn thơ thuần khiết, trong sáng, rạo rực niềm tin và khát vọng, một lòng đưa thơ ca đến chân trời mới mẻ của cái đẹp. Một trái tim vừa mong manh vừa vững chãi, đầy ắp nhiệt huyết-Một ngọn đèn xanh-Trúc Thông luôn ấm nóng và tỏa sáng: Trời xanh rót xuống tràn ánh sáng/ chị em bé xíu khoác vai nhau.

Tôi biết, trong thẳm sâu con người ông còn chất chứa bao điều trăn trở, bao dự định và khát vọng cống hiến. Nhưng thôi, tất cả đã dừng lại. Nhà thơ Trúc Thông ơi! Gia đình ông, bạn bè, những bạn đọc yêu thơ ông sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn đèn xanh trong ông. Đó là ngọn đèn soi sáng sự nhân hậu thủy chung, trọng thơ ca, trọng con người, trọng cuộc đời của ông. Vẻ đẹp và lòng bao dung trong thơ ông vẫn còn đó: Bông hoa trắng đời anh ngát mãi.

Vĩnh biệt thi sĩ Trúc Thông-Một người anh, một người bạn, một người đồng nghiệp yêu quý. Rồi đây: Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về, nhưng những vần thơ tinh tế, trong vắt, tài hoa và cháy khát đến thắt lòng của ông vẫn không ngừng chảy.

Đêm 26/12/2021 ■