Nghi lễ cung đình đón mùa xuân an lành thịnh vượng

|

NDO - Lễ Tiến xuân ngưu mang ý nghĩa tiễn mùa đông lạnh lẽo, chào đón mùa xuân ấm áp, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân an vui, sung túc. Ngày lập xuân, triều đình làm lễ tế thần mùa xuân, tiến xuân ngưu lên vua và ban xuân ngưu cho các quan. 

Trước đó, Bộ Công chuẩn bị tượng trâu đất và tượng thần Câu mang - là vị thần trong hình tượng một cậu bé chăn trâu tay cầm roi bằng cành dương liễu, tượng trưng cho mùa xuân ấm áp, cây lá tốt tươi - để làm lễ tế. 

Đây là một nghi lễ lớn được triều đình tổ chức ở kinh thành Thăng Long trong thời Lê Trung Hưng.

Nhân dân và quan quân hai bên đường đốt pháo chào đoàn rước xuân ngưu.
Tượng trâu đất tô năm màu vàng, đen, trắng, đỏ, xanh ứng với ngũ hành cao bốn thước tượng trưng cho bốn mùa, dài tám thước tượng trưng cho tám tiết, đuôi trâu dài một thước hai tấc tượng trưng cho 12 tháng.

Đón xuân mới Tân Sửu 2021, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã cùng với Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên tổ chức thể nghiệm tái hiện Lễ Tiến xuân ngưu tại khu Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Bộ Công cũng làm 1.250 tượng xuân ngưu nhỏ để ban cho các quan.
Trong lễ tiến xuân ngưu có phép “đả xuân ngưu” - dùng cành dâu đánh nhẹ vào tượng trâu đất, có ý nghĩa trừ tà, bỏ đi những điều không may mắn. “Các quan” làm phép “đả xuân ngưu” trước. 
Sau đó mọi người cùng tham gia “đả xuân ngưu” - trừ rủi, cầu may.
Một em bé hào hứng khi được xem lễ tiến xuân ngưu được tái dựng ở Hoàng thành. 
Lễ Tiến xuân ngưu được nghiên cứu thể nghiệm, góp phần mang đến cơ hội tìm hiểu thêm về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, các nghi thức cung đình được thực hiện trong Hoàng thành Thăng Long.