Mặc dù nằm sâu dưới đất trong một thời gian vô cùng dài, nhưng chiếc vòng vẫn không mất đi vẻ lấp lánh vốn có. Các nhà khoa học tin rằng chiếc vòng được làm do người tiền sử, người Denisovan sinh sống tại vùng đất này. Người Denisovan là một nhánh của người tiền sử tồn tại ở Altai ở khoảng giữa của thời kỳ người Neanderthal và người hiện đại.
TS Anatoly Derevyanko, Giám đốc Viện Khảo cổ và Dân tộc học ở Novosibirsk, chi nhánh tại Siberia của Viện Hàn lâm khoa học Nga nói: “Chiếc vòng vẫn sáng bóng, phản chiếu ánh sáng mặt trời vào ban ngày và màu xanh sẫm của nó trở nên sâu hơn vào ban đêm". Chiếc vòng làm từ chlorite, được phát hiện tại tầng địa chất có những di vật khảo cổ của người tiền sử, vì thế các nhà khoa học tin rằng họ là chủ nhân của chiếc vòng. Chất liệu chlorite vốn không có ở vùng này, mà chỉ được phát hiện cách đó khoảng 200km, chứng tỏ giá trị quý của chiếc vòng.
Điều làm các nhà khảo cổ ngạc nhiên là kỹ thuật làm chiếc vòng có vẻ như phổ biến hơn ở thời kỳ sau đó, chẳng hạn như thời kỳ Neolithic. Trên thực tế, không rõ người Denisovan làm thế nào để tạo ra chiếc vòng với kỹ thuật như vậy.
TS Derevyanko cho biết: “Di vật phát hiện gồm hai miếng của một chiếc vòng rộng khoảng 2,7cm và dày khoảng 0,9cm. Ước tính đường kính của chiếc vòng khoảng 7cm. Gần vết gãy có một lỗ tròn nhỏ đường kính khoảng 0,8cm. Nghiên cứu những dấu vết này, các nhà khoa học nhận ra rằng mũi khoan khá nhỏ và có tốc độ khá cao, thường chỉ có ở thời gian sau này”.
Chiếc vòng độc đáo này được chuyển đến lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa của nhân dân Siberia và Viễn đông tại Novosibirk.
Với những nghiên cứu này, các nhà khoa học Nga cho rằng đây là món đồ trang sức bằng đá cổ nhất được phát hiện cho đến nay.