Người phụ nữ tật nguyền góp phần gìn giữ trang phục dân tộc

|

NDO - NDĐT - Từ TP Bắc Cạn, vượt qua con đường đất nhiều “ổ gà, ổ trâu”, lổn nhổn sỏi đá dài gần 10 km, chúng tôi đến đầu xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông, Bắc Cạn), không khó hỏi thăm nhà người phụ nữ dân tộc Dao Sằm Thị So. Chị So không chỉ được biết đến là một tấm gương vượt lên số phận, mà còn là một người đang góp phần gìn giữ những nét đẹp trang phục người Dao đỏ, người Nùng.

Chị So chia sẻ: “Năm 1976, tôi 12 tuổi thì bất hạnh ập đến. Một buổi trưa ngủ dậy, thấy toàn thân đau nhức, đôi chân tê dại không sao đi lại được. Cha mẹ nhiều lần cõng đến bệnh viện chữa trị, thuốc thang nhiều nơi mà không khỏi. Tôi chịu số phận tật nguyền, không đi lại bình thường được từ đó”.

Tám năm liền nằm liệt một chỗ, làm khổ người thân, tủi thân, chị So từng nghĩ cuộc đời đã khép lại với mình. Nằm nghe đài, đọc báo, thấy rất nhiều tấm gương thương binh bị mất chân, mất tay, mù mắt, người bị tật nguyền không cam chịu số phận mà vươn lên có ích cho đời, cho người thân. Chị So cố gắng, hằng ngày kiên trì tập luyện và tự đứng dậy, chống gậy dò dẫm đi lại được loanh quanh trong nhà, ngoài sân.

Suy nghĩ phải làm việc phù hợp với bản thân để tự nuôi sống mình, ban đầu chị So mần mò học thêu, đan, sử dụng máy khâu để sửa chữa quần áo cho cho bà con trong thôn. Với chút kinh nghiệm có sẵn, chị So mượn trang phục của người già dân tộc Dao đỏ, dân tộc Nùng về tìm hiểu hoa văn, hoạ tiết. Từ đó, chị So cắt may rồi thêu hoạ tiết, văn hoa, đường nét lên váy, áo, khăn của người dân tộc Dao đỏ, người Nùng.

Bên cạnh đó, chị cũng mượn tài liệu nghiên cứu về văn hoá dân tộc Dao đỏ, dân tộc Nùng. Chị So cho biết: “Mỗi dân tộc đều có truyền thống, nét văn hoá riêng được hình thành từ nhiều thế hệ, trong đó biểu hiện nổi bật ở trang phục riêng của từng dân tộc”.

Trong các dịp Tết, lễ hội, cưới hỏi, đồng bào dân tộc Dao đỏ, Nùng thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn rất ít người biết cắt may, thêu thùa trang phục truyền thống của mình. Với nghị lực vượt lên số phận, đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo, chị So đã làm được công việc ý nghĩa.

“Tiếng lành” đồn xa, thời gian qua, không chỉ ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, mà nhiều người dân tộc Dao đỏ, dân tộc Nùng ở các tỉnh lân cận tìm đến đặt chị So may, thêu trang phục truyền thống.

Bằng sự ưa thích, say mê bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc một cách tự nhiên, ngày nào chị So cũng cần mẫn, tỉ mẩn cắt may, thêu thùa nên những bộ trang phục dân tộc Dao đỏ, Nùng với hoa văn, đường nét hài hoà, tinh tế, vừa lòng khách hàng. Với đóng góp này, chị So được UBND huyện Bạch Thông tặng giấy khen vì đã góp phần tích cực bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc.