Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 tại Quảng Nam đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Văn bản số 7168/VPCP-KGVX ngày 11-9-2015. Theo đó, vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam thuộc địa bàn bảy xã của huyện Nam Trà My (Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng). Diện tích quy hoạch là 15 nghìn héc-ta đất rừng có các tầng mùn dưới các thảm mục dày, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 665,4 ha. Đến năm 2025 trồng thêm 2.000 ha, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch. Hằng năm, khai thác bình quân 200 đến 300 ha sâm và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Nếu như trước đây, khi chưa có quy hoạch, sâm Ngọc Linh do người dân trồng, chưa có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư thì hiện nay đã thu hút sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Có hai doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm và bốn doanh nghiệp đang thực hiện việc xác lập hồ sơ đầu tư với tổng diện tích đăng ký gần 100 ha. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sâm. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ hơn trước. Năm 2014, có 110 hộ trồng sâm ở xã Trà Linh - nơi phát hiện nguồn gốc sinh sống lâu đời của cây sâm Ngọc Linh, hiện đã có 900 hộ tại bảy xã nằm trong quy hoạch, đăng ký trồng trên diện tích 1.200 ha. Nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, biết giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng trồng sâm nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, các kết quả đạt được như trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương cùng triển khai quy hoạch. Tháng 8-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh. Bộ Khoa học và Công nghệ dành nguồn kinh phí để địa phương triển khai hai đề tài: Nghiên cứu bảo tồn và xây dựng nguồn giống gốc cây sâm Ngọc Linh; nghiên cứu ứng dụng in-tơ-nét vạn vật để quản lý vùng sâm gốc và khu bảo tồn giống cây sâm núi Ngọc Linh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thống nhất với địa phương tập trung phát triển cây sâm. Tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Trà My đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư. Qua công tác tuyên truyền, giá trị của cây sâm cũng dần được nhiều người biết đến. Giá cây sâm giống và giá sâm củ tăng, tạo cho người dân có đời sống ổn định, nhiều hộ từ hộ nghèo vươn lên hộ khá, giàu; nhiều doanh nghiệp quan tâm, dự kiến đầu tư. Theo tính toán của các chuyên gia dược liệu, mỗi héc-ta trồng sâm, sau 5 năm có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng.
Để tăng nhanh diện tích trồng sâm, thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ sớm công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia để bảo hộ quyền lợi cho người trồng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm. Khi triển khai trồng, chế biến sâm theo chương trình sản phầm quốc gia sẽ ứng dụng` công nghệ mới thay cho canh tác truyền thống nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo ra vùng sâm tập trung và các nhà máy chế biến quy mô lớn. Do vùng quy hoạch có nhiều diện tích đất rừng đặc dụng (rừng nguyên sinh) nhưng hiện nay, chưa có cơ chế cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh Quang Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu, có cơ chế đặc thù để giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để trồng sâm. Đáng chú ý, mặc dù sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế, có tác dụng to lớn đối với sức khỏe con người nhưng tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì cây sâm Ngọc Linh được xếp vào danh mục thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Vì vậy, để cây sâm phát triển rộng rãi và trở thành sản phẩm hàng hóa, Chính phủ cần xem xét đưa loại cây này ra khỏi danh mục nêu trên.
Trong khi nguồn lực đất đai dồi dào nhưng số lượng cây giống để phát triển trồng mới còn rất thiếu. Việc tạo cây giống hiện chủ yếu do người dân thu hoạch hạt, tự nhân giống theo kinh nghiệm, nhiều khi không bảo đảm số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, là nguy cơ các loại giống sâm khác xâm nhập, di thực vào vùng sâm Ngọc Linh. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam kiến nghị cần có đơn vị chịu trách nhiệm tạo giống chuẩn, số lượng lớn, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Tại hội nghị phát triển dược liệu mới đây do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển. Đây là cơ hội thuận lợi cho cây sâm Ngọc Linh sớm đạt các mục tiêu trong quy hoạch, phát huy tối đa lợi thế cây dược liệu đặc hữu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.