Vượt khó, lao động, sáng tạo văn hóa
Thanh Hóa có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và tỉnh sớm thành lập, duy trì hoạt động nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Trong xu thế hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhân dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật. Các đơn vị trực thuộc Ngành văn hóa-thể thao và du lịch Thanh Hóa tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, rà soát chức năng nhiệm vụ, tỉnh Thanh Hóa sáp nhập các đoàn nghệ thuật: Chèo, Tuồng, Cải Lương, thành lập Nhà hát nghệ thuật truyền thống; sắp xếp, kiện toàn Nhà hát ca-múa-kịch Lam Sơn.
Tin liên quanThanh Hóa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với khai thác du lịch
Sau tiếp nhận thêm đoàn dân ca dân vũ, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Nhà hát ca-múa-kịch Lam Sơn xây dựng các chương trình sân khấu, thu hút học sinh, thiếu nhi trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và một số huyện lân cận đến xem.
Ban Tuyên giáo, Ủy ban nhân dân thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia xây dựng chương trình có nội dung giáo dục phù hợp với lứa tuổi học sinh, thiếu niên, nhi đồng. Nhà hát ca-múa-kịch Lam Sơn còn phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa thực hiện đề án Sân khấu truyền hình, truyền tải các vở sân khấu trên kênh phát thanh, truyền hình, hạ tầng số. Với 69 biên chế, đơn vị phải hợp đồng công việc với 15 cộng tác viên.
Nghệ sĩ ưu tú, Giám đốc Nhà hát ca-múa-kịch Lam Sơn Vũ Trọng Huỳnh cho hay: Hai năm sau dịch Covid-19, đơn vị mới thanh toán hết khoản nợ lương lao động hợp đồng. Gần đây đơn vị được tham gia biểu diễn tại các khu, điểm du lịch và thành phố “đặt hàng” kích cầu du lịch phố đi bộ mới khai trương. Hoạt động, lao động nghệ thuật cần “thầy già, con hát trẻ” nhưng nhiều năm qua đơn vị không tuyển thêm diễn viên và trường đại học trong tỉnh cũng không được giao chỉ tiêu đào tạo trung cấp văn hóa nghệ thuật.
Các nghệ sĩ tái hiện cảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao áo hoàng bào cho tướng quân Lê Hoàn cầm quân chống giặc ngoại xâm. |
Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cũng nỗ lực vượt khó, bảo đảm số lượng con người, đạo cụ, trang thiết bị dàn dựng kịch bản sân khấu quy mô lớn. Chương trình nghệ thuật công diễn tại các lễ hội: Lê Hoàn, Lam Kinh, Lê Văn Hưu, Mai An Tiêm… được công chúng ghi nhận và tập thể đơn vị, mỗi cá nhân năng động tiếp cận, phục vụ các sự kiện, sân khấu nhỏ, ứng dụng công nghệ, lan tỏa các chương trình, tiểu phẩm trên mạng xã hội.
Tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc mấy năm gần đây, tập thể, diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đoạt thành tích cao, giành nhiều huy chương; vở chèo “Đất liền và biển cả” đoạt giải vở diễn xuất sắc nhất và vở cải lương “Điều còn lại” đoạt Huy chương Vàng. Từng sơ tuyển “năng khiếu”, được đào tạo, tuyển dụng, rồi say mê lao động, sáng tạo, gắn bó với nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân Hàn Hải bộc bạch: Cần đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào sân khấu học đường nhằm bảo tồn, chấn hưng văn hóa dân tộc. Qua đó ươm mầm, phát hiện năng khiếu để bồi dưỡng tài năng, tạo nhân tố nòng cốt cho phong trào nghệ thuật quần chúng, chuyên nghiệp.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động xây dựng đề án, triển khai sáp nhập Đài phát thanh-truyền hình, Trung tâm văn hóa, thể thao thành Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch cấp huyện. Theo đó, giảm gần 30 đơn vị sự nghiệp cấp huyện cùng chức danh lãnh đạo, nhân viên văn phòng, kế toán; cơ cấu, sắp xếp đội ngũ theo hướng tinh gọn, phát huy năng lực, hiệu quả công tác.
Thanh niên rèn luyện võ thuật tại Nhà tập luyện, thi đấu thể thao thành phố Sầm Sơn. |
Thành phố Sầm Sơn chủ động rà soát, sáp nhập ba đơn vị sự nghiệp, thành lập Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch. Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn Dương Đức Hưng, đơn vị chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch, tổ chức khoảng 30 sự kiện văn hóa, thể thao; phối hợp tổ chức các sự kiện, liên hoan văn hóa các dân tộc, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP, ẩm thực cấp tỉnh và toàn quốc, kích cầu du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các phường, xã tổ chức khoảng 50 sự kiện văn hóa, giải thể thao trong năm. Được giao thêm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững rừng đặc dụng ở Sầm Sơn nhưng đơn vị không tăng thêm biên chế, tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên.
Huyện Hà Trung cũng sớm sáp nhập hai đơn vị sự nghiệp, thành lập Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện. Các cán bộ, viên chức được bố trí theo vị trí việc làm và kiêm nhiều việc, tích cực học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, định hình thói quen làm việc theo nhóm; quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, cung ứng dịch vụ công. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Trung Hoàng Văn Long ghi nhận: Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập giảm đầu mối, chức danh lãnh đạo, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư tập trung, đồng bộ hơn, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ công, khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao chất lượng văn hóa, xây dựng con người Thanh Hóa.
Theo báo cáo, từ 2021 đến nay cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sắp xếp, kiện toàn từ 16 đơn vị, giảm 7 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 43,75% số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, vượt chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Tiết mục chèo ngợi ca quê hương tươi đẹp tại lễ hội cầu Phúc thường niên. |
Sau sắp xếp, kiện toàn, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp từng bước được nâng lên, phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị và năng lực của đội ngũ viên chức hiện có, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được cơ cấu lại theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ đào tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, nâng cao chất lượng; công tác tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm... cán bộ, công chức, viên chức thực đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Cấp huyện cũng đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn, thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch, một số Ban quản lý di tích trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm, hướng về cơ sở, tổ chức đa dạng các hoạt động từ cơ sở, tạo cơ hội cho nhân dân tham gia, thụ hưởng, sáng tạo văn hóa. Hằng năm, Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm, thông tin lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, nhân dân các huyện miền núi, hải đảo; xây dựng phim, phóng sự, in, lồng tiếng dân tộc, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được chú trọng đầu tư, đổi mới trong tổ chức và dàn dựng; nhiều chương trình nghệ thuật đầu tư công phu, tham gia hội thi, hội diễn đạt kết quả cao; nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội quy mô cấp tỉnh được tổ chức trang trọng, bài bản, chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Lễ hội “Hương sắc vùng cao”- nơi thụ hưởng, tham gia, sáng tạo văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa. |
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới để các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xác định đầy đủ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong nâng cao chất lượng văn hoá; phát huy vai trò của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa; huy động, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng trao đổi: Ngành chủ quản tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, con người; xây dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch, đưa du lịch văn hóa thành thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tháng 7/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 17 cùng chương trình hành động tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Dân ca, dân vũ được bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng ở Thanh Hóa. |
Xác định văn hóa, con người Thanh Hóa là nền tảng vật chất, tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh; các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xác định xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, gắn bó mật thiết với nhau. Thanh Hóa huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Cung văn hóa thiếu nhi, Công viên văn hóa xứ Thanh tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp xu thế thời đại, chú trọng phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh trong các vở diễn, chương trình nghệ thuật, xây dựng mô hình, đưa sân khấu truyền thống vào học đường. Tăng cường tổ chức các các hoạt động nghệ thuật quần chúng, lưu động chiếu phim, triển lãm, thông tin cổ động về văn hóa, con người Thanh Hóa ở các địa phương, vùng, miền trong tỉnh, nhất là tác động mạnh mẽ tới thanh, thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, người lao động trong các khu công nghiệp.