Đăng ký kỷ lục để bảo vệ rùa biển

|

Mỗi chúng ta là một giọt nước, cùng nhau chúng ta là đại dương. Đây chính là thông điệp mà triển lãm “Phiêu” với 1.001 chú rùa biển bằng gốm của nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà muốn đưa tới công chúng.

Kỳ công 1.001 con rùa gốm

Cao Thanh Thà có duyên với rùa biển từ năm 2018 khi tham gia chương trình bảo tồn tại Côn Đảo của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Những ngày trải nghiệm cuộc sống hoang sơ trên đảo cùng các chú rùa, bé xinh non nớt nhưng dũng cảm với những nỗ lực khôn cùng vượt qua những trở ngại để hòa về biển đã chạm đến những xúc cảm sâu trong chị.

Từ đó, Thà mải mê theo dõi và biết được nhiều đặc tính thú vị của loài rùa. Như rùa non được sinh ra ở đâu thì sau này trưởng thành ở khoảng tuổi 30 sẽ quay về chính nơi đó để thực hiện thiên chức sinh sản, duy trì các thế hệ tiếp theo. Chị chia sẻ, không hiểu tạo hóa đã làm cách gì để loài rùa có khả năng đặc biệt như vậy. Tình yêu thương các chú rùa biển đã trở thành động lực để chị thực hiện cuộc triển lãm này chỉ trong vòng hai tháng, bắt đầu từ ngày 1/4 nhân một ý tưởng nhằm hưởng ứng Ngày rùa biển thế giới 16/6.

1.001 chú rùa gốm tại triển lãm với 1.000 chú rùa con và một chú rùa trưởng thành có kích thước 1,5m x 1,5m đang mang bầu và quay lại bãi biển để sinh nở là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, con số này không phải được tác giả lựa chọn để tạo ra kỷ lục mà sâu xa hơn nó bắt nguồn từ tỷ lệ sống rất thấp 1/1.000 của rùa biển, cũng như nguy cơ tuyệt chủng đáng báo động của loài động vật nằm trong Sách đỏ IUCN. Chị tâm sự, tôi đăng ký để được tổ chức Guiness ghi nhận về số lượng rùa gốm trong một triển lãm không phải để đề cao hay hướng tới một danh hiệu nào cho cá nhân. Chúng tôi muốn tạo tiếng vang lớn hơn, lan tỏa rộng hơn tiếng kêu cứu của rùa biển, của các loài động vật đang trên bờ tuyệt chủng và của cả đại dương nữa.

Mỗi chú rùa gốm mất khoảng 2 tiếng để tạo hình. Mỗi ngày, cá nhân chị cố gắng cũng chỉ làm được 7 con, nên để kịp hoàn thành trong thời gian ngắn là không thể. Chị đã kêu gọi mọi người cùng chung sức với mình. Các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, công chức hay các nhà hoạt động môi trường… người nam, kẻ bắc đã cùng nhau hoàn thành hơn 1.000 chú rùa biển bằng gốm chỉ trong vòng hai tháng.

Trẻ em trải nghiệm với không gian trưng bày rùa gốm tại triển lãm.

Tiếng kêu cứu cho rùa

Nghệ sĩ Cao Thanh Thà chia sẻ, tất cả tâm sức mình bỏ ra cho dự án này chỉ mong muốn mọi người cùng yêu và bảo vệ thiên nhiên hơn, đặc biệt là loài rùa biển. Bởi nếu chúng ta “bỏ quên” chúng thì sẽ không lâu nữa, thế giới sẽ không còn sự tồn tại của rùa biển. Theo thống kê của IUCN, những năm 80 của thế kỷ 20 có hơn 10 nghìn cá thể rùa biển lên đẻ trứng trên các bãi biển ở khắp Việt Nam, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 450 cá thể. Con số cho thấy sự giảm sút nghiêm trọng của loài rùa biển tại nước ta. Hiện tại, nhiều nguồn nước, không khí đã bị ô nhiễm, các loại thủy, hải sản đều có thể đã nhiễm vi nhựa cũng như các chất độc hại khác. Nếu không cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường thì con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống chứ chưa nói đến các loài động vật khác.

Nhà điêu khắc Phạm Sinh, người thầy của nghệ sĩ Cao Thanh Thà đánh giá, triển lãm của Thà tuy thực hiện chỉ mấy tháng nhưng ý tưởng đã được chuẩn bị khá kỹ càng về bảo vệ môi trường, động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ. Có thể khẳng định, đây là triển lãm đầu tiên trên thế giới về đề tài rùa biển bằng chất liệu gốm độc đáo với quy mô lớn như thế này. Tất cả, từ không gian sống đến quy trình phát triển của một loài động vật trong Sách đỏ đang được ưu tiên bảo vệ được thể hiện sinh động, cuốn hút tại các mảng trưng bày trong triển lãm và đưa lại cho công chúng một cái nhìn gần gũi, dễ hiểu nhưng thấm đậm, sâu sắc. Tôi đánh giá, sự kiện đã đạt hiệu quả cao về mặt giáo dục và nhận thức cho công chúng.

Điều thú vị nữa của triển lãm chính là tất cả các tác phẩm đều được làm bằng thủ công và đơn chiếc từ khi tạo hình cho đến lúc làm men, nung đốt. Khi mỗi tác phẩm ra lò đều chứa đựng sự ngẫu hứng của bàn tay nghệ sĩ, của chất men hỏa biến trong nhiệt lượng hơn 1.200 độ C tạo nên mầu sắc, hình thái riêng biệt cho từng chú rùa.

Với 6 cụm nghệ thuật sắp đặt với các tên gọi: “Đại dương tươi đẹp - Không gian thực tại - Tương lai”, “Dòng hải lưu”, “Xoáy ngầm”, “Bình minh - Hoàng hôn - Bóng đêm”, “Trở về” và những hoạt động trải nghiệm, tương tác thú vị, triển lãm kéo dài từ 15/6 đến 19/6 tại 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Từ năm 2018, Cao Thanh Thà đã tham gia nhiều dự án nghệ thuật trên khắp các vùng biển như: Dự án trại sáng tác nghệ thuật từ rác thải và phao xốp tại Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh năm 2018; Dự án “Đại dương nổi trên cạn” từ các loại rác thải trên đảo cho khu bảo tồn đảo Hòn Cau, Bình Thuận năm 2019; Dự án tại Nha Trang với chủ đề “Đại dương” sử dụng các vật liệu được tái chế từ rác thải nhựa và thân thiện với môi trường năm 2020; Dự án bảo tồn rùa biển và sáng tác nghệ thuật tại Côn Đảo năm 2021…