Phải nhắc thêm, văn phong của Hoàng My với lối viết quá đỗi tự nhiên, hoàn toàn không dụng công nhưng đủ sức cuốn hút bởi nét chân thành không giấu giếm, hiển hiện lên như “người nhà” đang thủ thỉ tâm tình cùng bạn (đọc).
“Nhà lúc đông lúc vắng” viết về những câu chuyện đời thường, dung dị mà thấm thía, có sức chạm tới tâm tư nỗi niềm của những “người nhà” - đôi khi khiến họ giật mình, bùi ngùi nhìn lại, nhớ về những mối tình thâm cận kề, nhưng ta chưa biết mở lòng mà sống với nhau. Trong khi ta đối với người thân thường “thật” đến nỗi vô tâm, cáu gắt, đành hanh… còn những “tạo nét” như lịch sự, nhẹ nhàng, ân cần… ta lại đem đối đãi với người dưng - nghịch lý đó dễ hiểu đến nhói lòng. Vô tình mà hữu ý, trang sách lại khiến người đọc phải khựng lại mà tự vấn, nhìn nhận bản thân đã đặt/sống đúng với tư cách, nhân cách trong những mối tình thâm?
“Nhà lúc đông lúc vắng” còn mang đến cho bạn đọc những dòng suy tư khác có thể giải tỏa những nỗi niềm, tìm ra những giải pháp sẻ chia giữa “người nhà” với nhau. Khi nhà có người già, họ vốn có “một đời rất vội” nên ta cần nhẫn nại mà quan tâm lẫn cảm thông từ ngay hôm nay. Nhà có con cái vốn là “bản sao của tình yêu” nên hãy ân cần nuôi dạy bảo ban, đủ bao dung với chúng. Nhà có vợ có chồng, vốn là đàn bà - đàn ông, nếu ai “gì cũng biết” thì nên “biết chuyện” để có sự nhìn nhận, trân trọng lẫn nhau…
Ngôi nhà sinh ra cần có con người hiện diện trong nó. Song sự hiện diện của con người luôn cần đến những kết nối người tại một tụ điểm - nơi khởi sinh suối nguồn tình yêu thương từ chính trái tim con người - ta gọi dấu chỉ đó là “nhà”, và dĩ nhiên đó là nhà của những người sống vì tình thâm, mỗi người cũng chỉ có một nhà mà thôi. Nhà - không nên so sánh hay phải hổ ngươi e dè khi nhắc về, dẫu chung quanh còn biết bao “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhà - chỉ cần ta thấu hiểu thì sẽ thương sâu cho cả những bất toàn, lo toan, lẫn niềm vui nước mắt, được mất… của nơi ấy, dù ta có đi tới bao nơi, làm được bao điều.
Nhan đề “Nhà lúc đông lúc vắng” như một điệp khúc vọng vang trong tâm trí mỗi người: “nhà lúc vắng” là khi ta hào hứng ra đi đi tìm ý nghĩa lý tưởng cuộc đời, “nhà lúc đông” là khi ta trở về để tiếp thêm động lực hướng tới tương lai, rồi “nhà lúc vắng”, và sau khi ra đã trải qua những cung bậc thăng trầm ta được ngồi lại bên nhau dưới một mái nhà, là khi “nhà lúc đông”.
Đọc “Nhà lúc đông lúc vắng” cũng là dịp mở lòng mà chiêm nghiệm, tìm về và ở lại với thứ duy nhất trong đời ta là mái nhà lẫn người nhà, bằng khối tình thâm như thế nào?