Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tết Trung thu đang đến gần và trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán trực tuyến, cộng đồng các khu dân cư... để bán bánh trung thu với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Tuy nhiên, việc mua, bán thực phẩm trực tuyến nói trên tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại bánh trung thu nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Theo các chuyên gia y tế, bánh trung thu không rõ nguồn gốc nói riêng, bánh kẹo nhập lậu nói chung thường không bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng. Chưa kể, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại phẩm mầu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng. Nếu ăn phải các loại bánh này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân nên chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản; sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; sản phẩm phải không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách, không có mầu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website này phải cung cấp đầy đủ các thông tin như thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dùng nên tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những địa chỉ trang web không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn hoặc chỉ bán hàng trực tuyến chứ không có cửa hàng cụ thể...