Làm sáng lên kinh tế đêm bằng văn hóa

|

Những kinh nghiệm thành công và chưa thành công của các tour đêm và tham khảo kinh nghiệm từ những nước chung quanh trong việc phát triển kinh tế ban đêm. Việc này sẽ cho chúng ta định hình rõ hơn hướng đi của một loại hình kinh tế mới dựa trên nền văn hóa.

Nhìn từ một “cú huých” chưa đủ sức mạnh

Tour đêm ở di tích được nhìn nhận có thể tạo “cú huých” khởi động cả quá trình kích cầu du lịch với lịch trình mở đầu là tour du lịch văn hóa hấp dẫn trải nghiệm trên di tích. Sau đó du khách sẽ tiếp tục tự tìm hiểu văn hóa ẩm thực, có thể đi mua sắm và cùng nhau tận hưởng không khí đêm Hà Nội thanh bình và lãng mạn... Với hướng nhìn đó, Hà Nội đã có tour đêm ở Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu-Quốc Tử Giám, gần đây là trình diễn thực cảnh ở hồ Gươm.

Đến với tour đêm Văn Miếu những ngày mới mở, có điểm nhấn là trình chiếu bằng công nghệ mới 3D mapping, Trương Thụy Vi, sinh viên Khoa Nhân học, Trường đại học KHXH&NV Hà Nội khá hào hứng: “Em đã thăm Văn Miếu ban ngày nên em thấy tour đêm đã cho khách tham quan trải nghiệm mới, đặc biệt phù hợp với thị hiếu của giới trẻ: Thích sự sáng tạo, thích trải nghiệm và chiêm ngưỡng, đặc biệt là có thể check in bất cứ lúc nào, nơi nào trong tour”…

Tuy nhiên, sau thời gian đầu khởi động, tạo được sự quan tâm của công chúng “đua trend”, đến nay trừ ở Nhà tù Hỏa Lò đã làm tốt từ khâu truyền thông, dựng kịch bản, đến khâu chăm sóc khách hàng nên vẫn còn sức hấp dẫn, các tour đêm kể trên đang “chững lại”. Mô hình tour đêm ở Hoàng thành Thăng Long đầu tư nghiên cứu chưa “chín” nên chỉ là những màn diễn sân khấu hóa sơ sài thiếu hấp dẫn. Tour đêm ở Văn Miếu quá thiên về ứng dụng công nghệ ánh sáng mới mà kịch bản nội dung chưa được đầu tư chỉn chu, chưa truyền tải đúng tinh thần cốt lõi của di tích hàng đầu của nền giáo dục quốc gia. Thực cảnh hồ Gươm có đạo diễn chuyên nghiệp nhưng lại có bất cập khác. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết: Thực cảnh hồ Gươm thu hút đông người xem nhưng vì diễn trước không gian mở ở phố đi bộ cuối tuần nên phần lớn khách không vào khu vực có thu vé mà chủ yếu xem ở bên ngoài khiến thu không đủ bù chi. Cả ba tour đêm nêu trên đều đã vội vã áp dụng công nghệ mới với hy vọng sự hiếu kỳ sẽ hấp dẫn khách mà chưa “chín” về nội dung và các điều kiện hỗ trợ kèm theo.

Hướng phát triển kinh tế ban đêm trên nền văn hóa

Phát triển kinh tế ban đêm luôn gắn chặt với du lịch. Tại khu vực châu Á, những nước hàng đầu về hút khách du lịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thailand… đều phát triển mạnh kinh tế ban đêm. Chỉ sau hơn 10 năm phát triển, đầu tiên ở Busan, đến nay Hàn Quốc đã nổi tiếng với hàng trăm khu chợ đêm ở khắp các điểm du lịch. Malaysia là quốc gia Hồi giáo cũng đã thành công khi phát triển kinh tế ban đêm với những thế mạnh về văn hóa đặc sắc mà không xâm phạm những quy định tôn giáo. Chỉ riêng thủ đô Kuala Lumpur của nước này đã có 130 chợ đêm - đó là một con số gây ngạc nhiên.

Tại Việt Nam, từ tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QÐ-TTg “Phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Hoạt động kinh tế ban đêm trước đó cũng đã được mở tại nhiều đia phương có thế mạnh du lịch với các mô hình như: Tạo không gian đi bộ, biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm (chợ đêm) ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Huế, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc... Cả đảo nhỏ Cô Tô (Quảng Ninh) cũng dành riêng một phố cho đi bộ và ẩm thực… Những hoạt động này góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thu hút khách du lịch, nhưng quy mô và sự bài bản chưa tương xứng tiềm năng. Các mô hình kinh tế ban đêm vẫn chỉ có những hoạt động đơn điệu: Các không gian đi bộ mới dừng lại ở việc quây rào một số tuyến phố mà chưa có đầu tư một cách bài bản, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật không đặc sắc, không thường xuyên, công nghiệp văn hóa chưa tạo ra các mặt hàng độc đáo kích thích mua sắm, mới chỉ có ẩm thực đường phố tự phát mà chưa có những thương hiệu lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm còn đang bỏ ngỏ… Tất cả những bất cập đó đang cần được thúc đẩy tháo gỡ.

Tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, Ðề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã gợi ý các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm với các địa phương có thế mạnh như: Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm… Những thành phố Việt Nam trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Hà Nội - thiết kế, Đà Lạt - âm nhạc, Hội An - thủ công và nghệ thuật dân gian) hoàn toàn có thể tích hợp công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế ban đêm để trở nên cuốn hút hơn. Bên cạnh đó còn cần những sản phẩm văn hóa đương đại được đầu tư, dàn dựng công phu, góp phần tạo nên thương hiệu văn hóa cho điểm đến như cách các vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Hà Nội, “Ký ức Hội An” tại Hội An đã làm được…

Du lịch Thailand từ lâu đã nổi tiếng các hoạt động về đêm với các loại hình dịch vụ ăn - uống và biểu diễn. Những năm gần đây, Thailand phát triển văn hóa sáng tạo ở các khu kinh tế ban đêm: các trưng bày nghệ thuật, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên nền truyền thống… làm cho du lịch ở đây càng trở nên hấp dẫn.