Đằm thắm giọng ca làm “báo hát”

|

NSƯT Hạnh Ngân sinh ra ở mảnh đất chèo xứ Đoài. Sở hữu chất giọng trong, mượt, đượm hồn quê, với chị, chèo là cuộc sống, là tình yêu và tiếng lòng gửi tới người nghe. Đông đảo khán, thính giả biết tới chị với những tác phẩm chèo thu âm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

1/Hạnh Ngân lớn lên trên vùng đất cổ giàu truyền thống, cũng là chiếng chèo xứ Đoài của đất Hà Tây xưa, với người đi trước uy tín trong làng chèo như các nghệ sĩ Văn Vẻ, Phương Toàn, Mai Khanh, Thúy Cử, Khắc Tư, Lương Tử Đức…

Được tuyển về Đoàn Chèo Hà Tây trước kia, sau đó chị học tập bài bản tại Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội (Khoa Kịch hát dân tộc). NSND Văn Chương, Trưởng ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ về quãng thời gian cùng công tác với Hạnh Ngân khi ở chèo Hà Tây, chị đã sớm đảm nhận những vai chính như Súy Vân, Thị Kính, chị Ba đẹp và giành nhiều giải thưởng, trong đó có Huy chương vàng Liên hoan các trường Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2002) với trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”; Huy chương bạc Liên hoan tài năng trẻ toàn quốc năm 2007 với vai Súy Vân, trích đoạn “Xúy Vân giả dại”. “Hạnh Ngân có giọng hát chèo đằm thắm, một hơi hát dễ mến và có khuôn mặt rất hợp với diễn chèo truyền thống. Cô ấy chăm chút, chu đáo với công việc của mình. Tôi ấn tượng mãi vai Súy Vân của cô ấy, một vai diễn đòi hỏi kỹ thuật hát, kỹ năng biểu diễn, có sức khỏe mới diễn tả được mọi cung bậc cảm xúc…”, NSND Văn Chương nói.

2/Nếu như ngày xưa, cô bé Hạnh Ngân vừa đan nón, vừa nhẩm hát theo những làn điệu chèo trong chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền”, thì giờ đây, chính chị là người thể hiện những làn điệu chèo và gửi tới đông đảo thính giả cả nước khi trở thành một nghệ sĩ làm “báo nói” tại Đoàn Ca nhạc dân tộc, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam. “Dư âm của những buổi trưa đi học về, nghe tiếng đài cứ thấm dần trong tâm trí tôi. Tôi đã mơ ước có một ngày được hát, được đứng cùng các nghệ sĩ trên đài. Nếu trên sân khấu, người diễn viên được tiếp xúc với khán giả gần hơn, được bộc lộ nhiều hơn thì khi thu thanh tác phẩm để phát sóng, những câu hát, lời nói phải được tập thật kỹ, truyền tải đến người nghe cảm xúc một cách tinh tế hơn”, Hạnh Ngân nói.

Ngoài các bài ca cổ, thính giả yêu mến Hạnh Ngân với những làn điệu đặt lời mới như “Ký ức đồng quê”, “Hát về Trường Sa”, “Nơi biên cương gửi lời về quê mẹ”… “Khi hát những làn điệu chèo viết lời mới, các nghệ sĩ phải “bẻ làn nắn điệu”. Có những chỗ không đúng cao độ, nốt thấp, nốt cao hoặc có những từ khó hát thì phải làm sao để bẻ, vo cho rõ chữ. Mình hát làm sao cho thính giả nghe rõ lời, rõ văn và thể hiện được tình cảm. Có rất nhiều đề tài: đất nước, quê hương, Bác Hồ nhưng mình cảm thấy có nhiều cảm xúc hơn cả với những bài hát về mẹ”, NSƯT Hạnh Ngân tâm sự.

3/NSƯT Thúy My, đồng nghiệp của Hạnh Ngân nhận xét: Trong các tác phẩm thu thanh, Hạnh Ngân luôn thể hiện nét riêng, với chất giọng mượt mà, đằm thắm. Từng tham gia phối khí, thu âm nhiều tác phẩm dân ca do Hạnh Ngân thể hiện, Thúy My nhớ mãi những lần hai chị cùng nhau tập bài: “Có lần phối khí tác phẩm dân ca. Làn điệu đó khá là khó, hai chị em ngoài thời gian tập ở cơ quan mà còn gọi video cho nhau, trao đổi, hát 1-2 tiếng đồng hồ mà vẫn cảm thấy chưa đủ. Chúng tôi mong muốn làm thế nào để khi tác phẩm vang lên đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều khi chỉ là những cuộc gọi điện nhỏ nhưng làm cho mình vui, càng có trách nhiệm và sự nghiêm túc với nghề”, nghệ sĩ Thúy My kể.

Mặc dù không có lợi thế về sức khỏe nhưng Hạnh Ngân lại chắc kỹ thuật, cộng với tình cảm trong giọng hát. NSND Văn Chương cho rằng: tri thức nghề chứ không chỉ là năng khiếu mới có thể đưa NSƯT Hạnh Ngân “đi xa” hơn trên con đường nghệ thuật. “Ở ngoài sân khấu, có thể nghệ sĩ bị “lỡ” một cái gì đó trong tiêu chí nghệ thuật. Nhưng ở phòng thu thì chúng tôi không được phép như vậy, mà phải chuẩn cao độ, chuẩn làn điệu tuyệt đối, lại phải làm cho người nghe tưởng tượng với những bài vui thì cảm giác anh đang tưng bừng trên sân khấu, những bài buồn, nhớ nhung thì cũng phải đúng như đang gửi đến một địa chỉ nào đó, một người nào đó. Thí dụ khi hát bài miêu tả tâm trạng người hậu phương nhớ anh chiến sĩ, gửi vào đó tình yêu cho con trẻ, cánh đồng quê bát ngát… Vậy thì anh phải tả được những điều đó thông qua giọng hát. Hạnh Ngân đã làm được điều đó. Tôi cho đó là tri thức nghề mà trong bất cứ môi trường nào, cô ấy cũng chưa bao giờ thôi đam mê và sự chỉn chu cho công việc của mình”, NSND Văn Chương nói.