Thắm màu văn hóa Na Sang

|

Trong tháng tư lịch sử, dân tộc Lào cũng hân hoan chuẩn bị cho Tết truyền thống “Bun huột nặm” (té nước cầu mưa). Đầu bản Na Sang (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), những khoảng sân rộng rãi đã được bà con dọn dẹp tinh tươm làm nơi đỗ xe cho đại biểu, khách quý về.

Xã Núa Ngam có bản Na Sang 1 và Na Sang 2, chủ yếu dân tộc Lào sinh sống. Ngay cả những người già nhất các bản cũng không biết chính xác đồng bào mình định cư ở đây từ bao giờ, song, bản sắc Lào vẫn được lưu giữ qua phong tục, tập quán, trang phục dân tộc và cả nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lò Văn Thoong (sinh năm 1971), chị Lò Thị Viên (sinh năm 1975) - một hộ kinh doanh khá phát đạt và quản lý hợp tác xã dệt. Như bao phụ nữ nơi đây, chị Viên biết cán bông khi mới 8-9 tuổi rồi sau đó học dệt ở bà và mẹ. Hợp tác xã được thành lập tháng 8/2007, hiện có gần 20 người, thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, đã có nhiều lô hàng xuất sang Nhật Bản, Pháp... Chị Viên khoe chiếc khăn thổ cẩm có tuổi đời hơn 200 năm mới sưu tập được. Chị có hàng trăm tấm thổ cẩm cổ như thế. Thấy khách ngỡ ngàng trước mức giá ngót chục triệu đồng, chị giải thích: “Đó là bà con mình còn chưa biết hết giá trị, nếu biết chẳng ai nỡ bán đâu, dù đắt thế nào”. Chị Viên yêu thổ cẩm đồng bào mình, đến mức luôn cảm nhận những tấm khăn, tấm áo có hồn, có vía. Đôi mắt chị mơ màng, giọng dịu dàng kể lại giấc mơ thấy có những cụ ông, cụ bà ăn vận kiểu truyền thống, bước lên từng bậc sàn, chạm vào khăn. Phải cúng. Cụ Lò Văn On bố chồng chị là chiến sĩ Điện Biên, cả tuổi thanh xuân xả thân mình đấu tranh cho hòa bình độc lập. Trở về sau chiến tranh, cụ sống bình yên bên con cháu cho tới năm 73 tuổi.

Tạm biệt hợp tác xã dệt, chúng tôi được bà con chỉ dẫn vào thăm nhà Nghệ nhân Ưu tú Lường Thị May. Ở tuổi thất thập, bà vẫn khỏe mạnh, tươi tắn và say sưa bảo tồn, lan tỏa bản sắc văn hóa Lào. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Núa Ngam, tuổi thơ thấm đẫm lời hát ru của mẹ, đi học rồi làm giáo viên xóa mù chữ tại địa phương, chuyển sang công tác Hội Phụ nữ xã... nhiệt huyết vẫn tràn đầy. Nhiều chục năm qua, nghệ nhân đã vận động người trong bản khôi phục nghề dệt; ôn lại các bài hát ru, hát giao duyên, cưới hỏi, hát mừng bản, mừng mường… Nhiều lần, bà đại diện cho tỉnh tham dự các cuộc thi dân ca, dân vũ và đoạt giải cao. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, bà May càng say mê sưu tầm tài liệu về các bài cúng, các lễ hội như: Mừng cơm mới, lễ tạ ơn, mừng nhà mới, đưa dâu về nhà chồng, múa lăm vông… Sự lan tỏa của bà đã vượt khỏi thôn bản đến các xã, huyện khác trong tỉnh. Đến nay, bà truyền dạy văn hóa dân gian cho hơn 300 người, chú trọng học sinh, sinh viên. Những người trẻ được bà truyền dạy đến nay đều thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và công tác đoàn, hội trên địa bàn cư trú. Nhiều phụ nữ ở độ tuổi 50 của hai bản Na Sang đã có thể hát các bài tế lễ, căm bản căm mường… của dân tộc mình và truyền dạy lại cho con cháu trong nhà để chung tay lưu giữ.

Tỉnh Điện Biên có khoảng 10 cá nhân tiêu biểu đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Họ được ví như là những “di sản sống” mang linh hồn dân tộc. Việc gìn giữ, trao truyền văn hóa với thế hệ trước vừa như một thói quen thường nhật, vừa mang tính thiêng liêng mà mỗi lời ca, điệu múa đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, ước mơ khát vọng bình yên, gắn bó.