Lấy lại danh tiếng chợ xưa

|

Chợ Đông Ba được xem như một trong những biểu tượng xứ Huế, vừa thông báo khiến giới kinh doanh, du khách khắp nơi trầm trồ: “Treo thưởng cho ai phát hiện tiểu thương trong chợ “chặt chém”. Đó là giải pháp lấy lại hình ảnh từng ít nhiều bị mất đi vì nạn nói thách, hét giá; là cách để Ban quản lý chợ “tuyên chiến” với những “con sâu làm rầu nồi canh”. Xa hơn, vừa bảo vệ những tiểu thương chân chính vừa lan tỏa những giá trị đẹp trong lòng du khách về ngôi chợ truyền thống.

Thưởng, phạt rõ ràng

Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn, thông tin treo thưởng cho những ai phát hiện tình trạng “chặt chém”, hét giá ở chợ Đông Ba lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hoài nghi. Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba xác nhận đó là thông tin chính xác và số tiền thưởng cho những ai phát hiện là 500 nghìn đồng.

Theo bà Thanh, mọi người có thể cung cấp chứng cứ cho Ban quản lý chợ để nhân viên làm việc trực tiếp với tiểu thương, xác minh thông tin. Người phản ánh đúng sẽ được thưởng, tiểu thương bị “tố” làm sai sẽ bị đình chỉ hoạt động tại chợ bảy ngày kèm tiền phạt theo quy định.

“Hy vọng với biện pháp này, môi trường kinh doanh, buôn bán ở chợ Đông Ba sẽ trong sạch, lành mạnh. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh công bằng mà còn tạo được sự thoải mái cho du khách cũng như lan tỏa được hình ảnh đẹp của ngôi chợ gần 125 tuổi nổi tiếng vùng đất Cố đô”, người đứng đầu Ban quản lý chợ Đông Ba kỳ vọng.

Những năm qua, Ban quản lý chợ đã có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh tình trạng nói thách, hét giá, “chặt chém”. Trong đó, bắt buộc các tiểu thương phải niêm yết giá rõ ràng cho từng mặt hàng, kể cả những mặt hàng nhỏ nhất như chiếc bật lửa, gói tăm bông hay gói kẹo. Thời gian qua, nạn “chặt chém” tuy giảm nhưng vẫn không dứt điểm. Vẫn có tình trạng tiểu thương lén lút không niêm yết giá, hét giá khiến không ít du khách phiền lòng. Phương án treo thưởng cho người phát hiện, xử phạt người bán giá sai lần này được xem là mạnh tay nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của phần đông tiểu thương buôn bán bên trong chợ.

Gây dựng “tiếng lành đồn xa”

Chị Hoàng Trang, chủ gian hàng nón lá rất vui khi nghe thông báo này từ Ban quản lý chợ. “Có như thế mới thu hút được du khách dạo chợ, thúc đẩy việc buôn bán và người có lợi nhất vẫn chính là các hộ kinh doanh như tui chứ không ai khác”, chị nói.

Ở tâm thế khách hàng, những người thường xuyên ghé chợ Đông Ba, thông tin này đối với chị Mai Hoa như một thông điệp tạo dựng sự yên tâm cho những người mua hàng. “Vậy là từ nay tui không phải e dè trả giá vì nói thách và bị la nữa. Quy định này rất văn minh”, chị Hoa cho biết.

Nhiều hướng dẫn viên kể, mỗi khi dẫn khách vào chợ họ thường rất ngại. Phần sợ trộm cắp, phần vì bị hét giá vô tội vạ khiến khách bỏ đi, còn hướng dẫn viên bị chủ shop mắng. “Ngày hôm qua tôi dẫn đoàn khách Cần Thơ vào chợ, thấy tiểu thương tươi cười niềm nở, giá cả niêm yết rõ ràng, thuận mua vừa bán rất dễ chịu. Nhờ sự chấn chỉnh này mà Đông Ba sẽ không chỉ lấy lại được hình ảnh đẹp từ ngôi chợ văn minh cho đến tiểu thương dễ mến, hàng hóa giá cả rõ ràng mà tiếng lành ấy được đồn xa hơn. Nhờ vậy mà trong đoàn khách tôi có người ghé chợ mua sắm hai ngày liền”, anh Phan Tú, hướng dẫn viên mảng du lịch nội địa, chia sẻ.

Trước khi về quản lý ngôi chợ lớn nhất Huế vào năm 2021, bà Hoàng Thị Như Thanh (SN 1980) là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Huế. Bà Thanh đã vận động hàng nghìn tiểu thương xây dựng văn hóa “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”, gắn liền với phong trào “3 không, 2 có” (Không mời “mì xưa” (từ địa phương tức mở hàng), Không nói thách, Không chèo kéo và Có uy tín, Có chất lượng). Bà Thanh từng được vinh danh là “Công dân tiêu biểu” của tỉnh Thừa Thiên Huế và mới đây nhất, đầu tháng 11/2023, bà là một trong sáu điển hình của toàn quốc báo cáo thành tích tại Hà Nội.