Hướng tới môi trường xây dựng bền vững

|

Việc chuyển đổi từ mô hình phát triển kinh tế tuyến tính sang phát triển kinh tế tuần hoàn trong hoạt động xây dựng có thể đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu, đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm lượng khí thải CO2.

Chất thải xây dựng là tài nguyên

Một ước tính của Reuters cho thấy, đến năm 2050, khoảng 60% dân số toàn cầu sẽ sống tại các thành phố. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho lượng dân số như vậy, trung bình mỗi năm trên toàn cầu cần phải xây dựng các công trình mới có diện tích tương đương thành phố New York của Mỹ. Theo ước tính, ngành xây dựng “đóng góp” hơn một phần tư lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và 100 tỷ chất thải mỗi năm. Tuy nhiên, xây dựng cũng là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 13% sản lượng kinh tế thế giới và tạo công ăn việc làm cho 7% dân số toàn cầu. Vì vậy, ngành này đứng trước yêu cầu bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang xây dựng bền vững.

Trong kinh tế tuyến tính, chất thải từ hoạt động xây dựng và phá dỡ công trình được cho là không có giá trị, nên hầu hết được đưa tới các bãi chôn lấp. Gần đây, với việc nhận thức về tính bền vững và quản lý hiệu quả tài nguyên ngày càng tăng, nhiều nước bắt đầu tìm kiếm các mô hình mới nhằm giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên vốn hữu hạn nhưng lại đang bị sử dụng quá mức. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải xây dựng đối với môi trường.

Ông Dennis Kottmann, người đứng đầu bộ phận tiếp thị tại Công ty Surplex chuyên mua bán máy móc và thiết bị công nghiệp đã qua sử dụng, có trụ sở tại Đức nhận định, cần nhận thức rõ rằng chất thải xây dựng chính là một nguồn tài nguyên thay vì chỉ mang đi đổ bỏ và xử lý. Việc tái sử dụng vật liệu phế thải có thể giúp giảm lượng năng lượng và tài nguyên cần thiết để sản xuất vật liệu mới và cũng có thể giúp giảm tổng chi phí của các dự án vì vật liệu tái chế thường rẻ hơn vật liệu hoàn toàn mới. “Vật liệu tái chế có thể được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng và chất thải có thể được đốt để tạo ra nhiệt và điện”, ông Kottamann nêu thí dụ.

Trong nghiên cứu chung do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Công ty tư vấn McKinsey thực hiện có tên “Tính tuần hoàn trong môi trường xây dựng: Tối đa hóa cơ hội kinh doanh và giảm thiểu CO2”, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 6 loại vật liệu xây dựng có lượng khí thải carbon và mức tiêu thụ tài nguyên lớn nhất là xi-măng, thép, nhôm, nhựa, thủy tinh và thạch cao. Kết quả cho thấy, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong môi trường xây dựng vừa có thể giúp giảm 75% lượng khí thải phát sinh, lên tới 4 tỷ tấn CO2, đồng thời tăng thêm 360 tỷ USD lợi nhuận ròng hằng năm vào năm 2050.

Trong số đó, xi-măng là loại vật liệu thải ra nhiều carbon nhất, chiếm tới 30% lượng phát thải liên quan vật liệu xây dựng và 7% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Việc khử carbon rất khó khăn do năng lượng cần thiết cho sản xuất và lượng CO2 thải ra trong quá trình khai thác, chế biến và sản xuất đều lớn. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, bằng cách áp dụng các hoạt động kinh tế tuần hoàn như sử dụng cốt liệu nghiền thông minh, trong đó bê-tông cũ đã được nghiền nát sẽ được sử dụng làm chất độn cho bê-tông mới, có thể giảm 96% lượng khí thải CO2 từ xi-măng và tạo ra lợi nhuận ròng 122 tỷ USD vào năm 2050.

Ngoài ra, các hoạt động như tái tuần hoàn các khoáng chất và vật liệu đã qua sử dụng có thể giúp giảm khoảng 26% lượng CO2. Hay việc thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon cũng có thể hạn chế đáng kể lượng phát thải CO2. Việc áp dụng quy trình tuần hoàn trong môi trường xây dựng còn có thể thúc đẩy tính bền vững trong các lĩnh vực khác, thí dụ như thông qua việc cách hấp thụ và tái sử dụng rác thải nhựa trên thế giới.

Về tiềm năng kinh tế, theo ước tính của nhóm nghiên cứu của WEF và Công ty tư vấn McKinsey, việc tăng gấp đôi hoạt động tái chế vật liệu xây dựng, như tăng hàm lượng tuần hoàn trong thép xây dựng hoặc kính phẳng, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế lên tới 214 tỷ USD vào năm 2050. Các hoạt động kinh tế tuần hoàn khác cũng có thể giúp giữ lại giá trị tài nguyên ở mức cao hơn, chẳng hạn như việc tái sử dụng toàn bộ module xây dựng bằng thép hoặc tấm nhựa có thể đóng góp tới 96 tỷ USD giá trị ròng cho các loại vật liệu này.

Các hoạt động xây dựng phát thải nhiều CO2 và rác thải. Ảnh: AFP

Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi

Tại Mỹ, theo báo cáo mang tên “Nâng cao hiệu quả quản lý vật liệu bền vững” do Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) công bố cho thấy, việc giảm lượng chất thải xây dựng được xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt vừa giúp giảm thiểu tác động môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác, tiêu thụ tài nguyên thô và sản xuất vật liệu mới, giảm lượng rác thải phải xử lý, ngăn chặn việc thải các chất có hại vào môi trường, vừa tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực tái chế. Một báo cáo của LHQ cũng cho hay, việc tái chế các loại phế thải xây dựng có thể giảm 46% thiệt hại về môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến nay ngành xây dựng phần lớn vẫn mang tính tuyến tính. Một phần nguyên nhân được xác định là do chưa có hệ sinh thái vật liệu tích hợp cần thiết để đạt được tính tuần hoàn trong hoạt động xây dựng. Thêm vào đó, các tiêu chuẩn của nền kinh tế tuần hoàn, những yêu cầu và nhu cầu về vật liệu tuần hoàn ở các nước cũng đang còn có sự khác biệt, cản trở việc tuần hoàn tất cả các nguồn tài nguyên trên phạm vi toàn cầu. Giới hạn công nghệ và các chi phí liên quan việc triển khai mô hình tuần hoàn cũng đang đặt ra những rào cản đáng kể.

Tín hiệu đáng mừng là tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới, xu hướng tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động xây dựng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Anh đã có các cơ chế khuyến khích các đơn vị xây dựng tái sử dụng các loại phế thải xây dựng, phát triển vật liệu tái chế và thúc đẩy quá trình tái sử dụng và tái chế các vật liệu, qua đó không chỉ giảm chất thải mà còn cắt giảm lượng khí thải nhà kính do hoạt động xây dựng gây nên. Liên đoàn các nhà thầu phá dỡ quốc gia tại Anh cũng đã yêu cầu các thành viên của tổ chức này chuyển sang sử dụng nhiên liệu dầu thực vật hydro hóa thân thiện môi trường hơn, giúp giảm lượng khí thải carbon tới 90% so nhiên liệu thông thường.

Tại Mỹ, EPA đã xây dựng các hướng dẫn tự nguyện để quản lý bền vững chất thải xây dựng thông qua việc khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng và xử lý chất thải đúng cách. Còn tại châu Âu, Hướng dẫn về sản phẩm xây dựng của Liên minh châu Âu (EU) hiện yêu cầu các sản phẩm xây dựng không được gây ra những tác động môi trường không thể chấp nhận được trong suốt vòng đời của chúng. Với việc ngày càng có thêm nhiều quy định và sự hỗ trợ, các công ty trong lĩnh vực xây dựng cũng tích cực đổi mới quy trình và công nghệ nhằm giảm lượng chất thải và khí thải tạo ra, hướng tới một hành tinh xanh hơn.