“Nửa đêm vẫn còn đi giao hàng”
Anh Tuấn, một chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị điện trên đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trong đợt lạnh vừa qua, các mặt hàng sưởi ấm như máy sưởi, bóng sưởi được người dân chọn mua nhiều nhất. “Đầu mùa tưởng ế nhưng nay lại đắt như tôm tươi”, chủ hàng này cho biết.
Mặt hàng sưởi ấm năm nay, theo anh Tuấn đánh giá, đa dạng mẫu mã và công năng sử dụng. Trong đó, thiết bị đèn sưởi halogen được nhiều khách hàng tìm mua nhất. Đây là loại thiết bị sưởi có cấu tạo từ 3 - 5 bóng sưởi ấm, điện năng được chuyển thành nhiệt năng khi bóng đèn bật sáng, kiểu dáng nhỏ gọn, giá từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/sản phẩm. Máy sưởi dầu cũng bán chạy nhờ có hơi nóng tỏa ra chậm, đều, không gây nóng cục bộ. Tuy nhiên, giá cao từ 600 nghìn đến 5 triệu đồng/sản phẩm.
Bên cạnh quạt sưởi, máy sưởi, một số sản phẩm như chăn sưởi, đệm sưởi, điều hòa hai chiều... cũng được nhiều khách hàng tìm mua. Tùy vào nhu cầu, điều kiện và ví tiền, chủ cửa hàng sẽ tư vấn loại máy phù hợp. Với giá bình dân có thể sử dụng loại sưởi đèn, giá từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/chiếc. Các gia đình có điều kiện kinh tế thì có nhiều lựa chọn với nhiều thiết bị sưởi có thương hiệu, giá thành cao hơn. Tại nhiều siêu thị điện máy ở quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy…, các thiết bị sưởi ấm như máy sưởi, đèn sưởi nhà tắm, quạt sưởi của các thương hiệu Panasonic, Kangaroo, Sunhouse... được bày bán ngay tại lối ra vào để khách hàng dễ lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Dung, một chủ cửa hàng điện máy trên đường Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, nhiều người năm nay chủ quan, cho rằng mùa đông không lạnh, nên khi đợt lạnh gắt về mới bắt đầu đổ xô đi mua các thiết bị sưởi ấm. “Mấy ngày rét đầu tiên, lượng khách hàng tìm mua thiết bị sưởi ấm cao đột biến. Nhân viên giao hàng chạy gần cả ngày không nghỉ mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”. Chị Dung tư vấn, nên chọn những dòng thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác tiết kiệm năng lượng.
Đề phòng nguy cơ cháy nổ
Để phòng nguy cơ cháy nổ, tai nạn ngạt khí có thể xảy ra, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân lưu ý thực hiện các biện pháp, quy định để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Cụ thể, người dân không để bếp than tổ ong, than củi trong nhà, dưới lòng đường, cột điện, gốc cây, xe máy hay những khu vực dễ gây cháy nổ. Tắt thiết bị sưởi ấm khi không sử dụng. Cần tính toán không để thiết bị hoạt động liên tục nhiều giờ dẫn đến quá tải. Sử dụng đúng loại nhiên liệu và kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sưởi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo: Quá trình tiếp nhiên liệu cho thiết bị cần phải ở nơi không có tia lửa điện, thuốc lá… tránh hơi xăng, dầu bay ra gặp nguồn nhiệt gây cháy. Nên tắt máy móc, các thiết bị sưởi sau đó để nguội trước khi tiếp nhiên liệu vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể gây cháy. Người dân lắp đặt thiết bị sưởi ấm trong phòng tắm phải đúng kỹ thuật. Trong đó, việc đầu tiên phải đặt tại vị trí không bị bắn nước vào sẽ dễ gây cháy, nổ. Trong trường hợp hạn chế về không gian nhưng vẫn lắp đèn sưởi, cần có tấm kính hoặc giá đỡ đủ để các mảnh vụn bị vỡ không bắn vào người. Ngoài ra, cần kiểm tra, vệ sinh đèn sưởi thường xuyên. Nếu sử dụng chăn điện cần mua nơi uy tín, khi đủ ấm cần tắt nguồn, không để qua đêm. Không cho trẻ em, người già tự sử dụng chăn điện sưởi ấm mà không có người lớn quan sát, theo dõi. Không để trẻ nhỏ tự ý bật bình nóng - lạnh. Không bật bình nhiều giờ tránh quá tải, tắt bình nóng - lạnh trước khi đi ngủ, trước khi ra khỏi nhà.
Đối với các thiết bị điện sưởi ấm, cần lựa chọn các thiết bị sưởi ấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các cửa hàng có uy tín. Để thiết bị sưởi ấm bảo đảm khoảng cách với các vật dụng dễ cháy và bảo đảm khoảng cách an toàn cho trẻ em, người già. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi là khoảng từ 1 - 2 m và tốt nhất nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người.
Hành vi đốt lửa, than, củi trên vỉa hè, lòng đường để giữ ấm là trái pháp luật và có thể bị phạt hành chính, thậm chí phạt tù.