Truyền thống cổ động nam tại Nhật Bản

|

Những cổ động viên nam ướt đẫm mồ hôi, tay đỏ rát vì vỗ tay nhiều và giọng khàn đi do la hét, hình ảnh đó thể hiện nét văn hóa độc đáo kéo dài hàng thập kỷ qua của Nhật Bản.

Mặc những bộ đồng phục trường học kiểu cũ, các nhóm hoạt náo truyền thống Nhật Bản tập trung thành một khối tại các trận đấu bóng chày và hô vang những khẩu hiệu, đánh trống taiko, múa những động tác võ thuật truyền thống. Taisuke Ono, 21 tuổi, thành viên của đội cổ động nam Trường đại học Waseda ở Tokyo cho biết: “Chúng tôi cổ động hết mình đến mức lố bịch, đó là điều khiến hoạt náo truyền thống trở nên tuyệt vời và đáng nhớ”. Các đội như của Taisuke Ono thường biểu diễn cùng ban nhạc kèn đồng và các hoạt náo viên nữ kiểu Mỹ - một bộ ba được gọi là “ōendan”.

Tuy từng có một thời hưng thịnh, các nhóm cổ động này đang chứng kiến ​​sự suy thoái nhanh chóng, khi khoảng vài chục nhóm dần tan rã chỉ trong 15 năm. Các lệnh cấm la hét và hạn chế tụ tập đông người trong thời buổi đại dịch Covid-19 cũng khiến các loại hình cổ động truyền thống dần mất chỗ đứng.

Trước tình hình này, hàng chục nhóm hoạt náo truyền thống ōendan tại các trường đại học đã hợp lực vào năm ngoái, trong một chiến dịch giành danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể”. Danh hiệu này được Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản trao tặng cho các hoạt động đặc biệt quan trọng, như thư pháp hay ủ rượu sake truyền thống. Các nhà vận động cho biết, sự công nhận này sẽ nâng cao uy tín của các đội ōendan, khuyến khích những thành viên mới gia nhập và thậm chí giúp các nhóm hoạt náo truyền thống nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

Theo The Japan Times, những đội hoạt náo nam là một truyền thống nổi tiếng đã có từ lâu tại Nhật Bản. Xuất hiện từ thời Minh Trị (1868-1912), loại hình nghệ thuật cổ động này đã được các binh sĩ xuất ngũ sau Chiến tranh thế giới thứ hai truyền cho tác phong quân đội. Hiroshi Imazu, 76 tuổi, sinh viên tốt nghiệp năm 1970 của Trường đại học Chuo ở Tokyo cho biết: “Chúng tôi giúp khuếch trương danh tiếng của trường đại học trong các sự kiện đặc biệt”. Việc cổ vũ quá khích đôi khi dẫn đến những va chạm cùng các nhóm hoạt náo viên từ các trường đại học đối thủ, từ đó đã tạo ra “nhận định tiêu cực” dai dẳng về các đội ōendan.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các nhóm ōendan đều đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, với bạo lực bị cấm hoàn toàn và thành viên nữ được tuyển cho đội cổ động truyền thống. Ngày nay, các sinh viên nữ mặc đồng phục mầu đen (được gọi là gakuran) biểu diễn cổ động cùng các đồng đội nam, đôi khi với tư cách là trưởng nhóm. “Tôi muốn xem mình có thể tiến xa đến đâu trong cộng đồng lấy nam giới làm trung tâm này”, Kazuha Nagahara, 22 tuổi, đến từ Đại học Tokai nói. Cô cũng cho rằng, chính giới nữ đã “thổi một luồng sinh khí mới” vào các đội ōendan đang gặp khó khăn: “Chính sự thay đổi này đang mở ra một con đường mới cho sự sống còn của họ”.

Tại Trường đại học Meiji ở Tokyo, các tân hoạt náo viên vẫn dành rất nhiều giờ luyện tập để hoàn thiện tiếng vỗ tay của mình, và đôi khi ra về với lòng bàn tay rớm máu. Việc huấn luyện cũng được giám sát bởi những “bậc tiền bối” với thái độ nghiêm khắc. Yasunori Sugaya, 50 tuổi, cựu thành viên quân đội và hiện là huấn luyện viên của nhóm cho biết, các nhóm ōendan hoạt động trên tinh thần “quên bản thân, vì người khác”.

Đội trưởng hiện tại của ōendan Meiji là Motomichi Tanaka, 21 tuổi, chia sẻ: “Không giống các môn thể thao khác mà vóc dáng và tài năng thiên bẩm là yếu tố quan trọng, với nghệ thuật cổ động truyền thống, bất cứ ai cố gắng hết sức đều có thể trở thành một phần của ōendan”. Vì vậy, tuy có khó khăn và vất vả, Tanaka vẫn rất yêu thích và quyết tâm gắn bó với truyền thống văn hóa này: “Tôi tự hào với những gì mình đã và đang làm cho ōendan”.