Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng.
Song song đó, Bộ Tài chính cũng quy định đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.
Niềm vui của người vay tiền
Sau khi Thông tư 67 được ban hành, nhiều người dân, doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng khi từ nay về sau người đi vay không phải chịu thêm gánh nặng phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được vay tiền.
Theo chị Thu Huyền (Hải Phòng), thời điểm chị làm thủ tục vay tiền ngân hàng, dù đã có tài sản thế chấp đầy đủ, năng lực trả nợ đạt yêu cầu, nhưng vẫn bị các nhân viên ngân hàng đưa vào thế phải mua bảo hiểm nhân thọ. Tùy thuộc vào giá trị khoản vay, giá trị hợp đồng sẽ dao động từ 20 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng tiền phí/năm.
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Đức, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2022, công ty anh có nhu cầu vay 10 tỷ đồng, hầu hết các ngân hàng đều sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ cũng như chứng minh được năng lực, nhưng luôn có điều kiện đi kèm là một hợp đồng bảo hiểm.
“Trong số ba ngân hàng tôi ngỏ ý muốn vay tiền thì nơi thấp nhất cũng đưa ra mức phí là 1 tỷ đồng/năm, còn lại khoảng 2 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ, chưa kể đó là khoảng thời gian rất khó khăn của doanh nghiệp”, anh Đức cho biết.
Với quy định mới của Bộ Tài chính, anh Đức cho rằng, điều này là quá “dễ thở” cho những người, pháp nhân muốn nhận dòng vốn từ ngân hàng.
Bên cạnh việc cấm bán bảo hiểm đi kèm khoản vay, việc ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn cũng mang nhiều lợi ích cho khách hàng. Theo các chuyên gia, đại lý bảo hiểm sẽ khó nộp hợp đồng ảo, không tư vấn các khoản phí khách hàng phải mất, ngăn ngừa việc đánh tráo khái niệm, mập mờ trong quá trình tư vấn “hô biến” từ gửi tiết kiệm thành hình thức “tiết kiệm - đầu tư” nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trong trường hợp khách hàng mong muốn mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ bản thân, người có liên quan thì quy định mới tại Thông tư 67 cũng mang lại điểm thuận lợi. Thông tư 67 quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được thu tối đa tổng cộng 140% phí bảo hiểm cơ bản trong 5 năm đầu, thấp hơn mức phí 160 - 220% hiện nay. Điều này sẽ giúp khách hàng không bị trừ quá nhiều tiền vào chi phí ban đầu như hiện nay, dòng tiền hoàn lại cao hơn, hợp đồng được duy trì bảo vệ dài hơn.
Nhưng khó triệt
Quy định mới giúp cho người vay vốn của ngân hàng “trút được gánh nặng” nhưng cũng có nhiều khách hàng cho rằng, người có nhu cầu vay tiền thường phải “lụy” ngân hàng, nên khả năng “lách luật” là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Thậm chí, NHNN còn công bố đường dây nóng, email để khách hàng phản ánh đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng, bằng nhiều cách, các ngân hàng vẫn “bán bia kèm lạc” cho người vay tiền.
Dẫn thí dụ câu chuyện của bản thân, anh Lại Đức Anh (Hà Nội), năm 2021 mua một chiếc xe ô-tô, nhưng không đủ tiền và cần vay ngân hàng khoảng 700 triệu đồng. Sau khi làm việc với chuyên viên ngân hàng T, người này cũng đưa ra yêu cầu về một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá khoảng 20 triệu đồng.
“Lúc đó tôi có chia sẻ rằng, mình không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ thì bạn chuyên viên ngân hàng nói, theo quy định thì không bắt buộc nhưng nếu mua bảo hiểm thì sẽ tăng điểm tín dụng cho tôi, sếp mới duyệt giải ngân. Tôi đã từ chối vì bản thân đã cung cấp tất cả những chứng từ mà ngân hàng cần, khả năng trả nợ đầy đủ, lịch sử tín dụng của tôi cũng rất tốt, không hà cớ gì cần thêm một hợp đồng bảo hiểm để tăng điểm”, anh Đức Anh cho biết.
Câu chuyện của anh Đức Anh chỉ là một trường hợp hy hữu bởi nếu không vay được tiền của ngân hàng họ có thể vay người thân, bạn bè. Tuy nhiên, có những khách hàng việc vay tiền ngân hàng là “phao cứu sinh” thì việc “tăng điểm tín dụng” là rất cần thiết.
Đáng chú ý, Thông tư 67 của Bộ Tài chính chỉ cấm bán một loại bảo hiểm liên kết đầu tư, trong khi bảo hiểm nhân thọ còn có sáu loại hình cơ bản khác (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí). Như vậy, rủi ro bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay là vẫn còn.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam, việc ghi âm lại quá trình tư vấn bảo hiểm không có tác dụng gì lớn, mà lại bất khả thi. Bởi lẽ, quá trình tư vấn bảo hiểm nhân thọ là một quá trình dài, từ lúc bắt đầu cuộc hẹn với khách hàng, cho đến lúc khách hàng đồng ý tham gia có thể không chỉ một vài lần gặp gỡ. Dung lượng cần ghi âm và lưu trữ sẽ rất lớn.
Trong khi đó, hoạt động bán chéo bảo hiểm được xem là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng khi chiếm tới 50% số lượng hợp đồng, 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Hoa hồng mà mỗi hợp đồng bảo hiểm mang lại cho ngân hàng có thể lên tới 60%. Trước khoản lợi nhuận lớn như vậy, ngân hàng liệu có bỏ qua?