Hướng đi mới của phế liệu dệt may

|

Gần đây, nhiều quốc gia châu Phi đã phải “kêu cứu” trước những hậu quả môi trường nặng nề sau khi tiếp nhận lượng quần áo cũ khổng lồ từ các nơi trên thế giới. Nhiều sáng kiến xử lý quần áo cũ và tồn kho tại chỗ đã được triển khai thời gian qua, giúp các nước thu về hàng chục triệu USD mỗi năm.

Những bãi rác thời trang nhanh

Với sự phát triển của thời trang nhanh hiện nay, mỗi cá nhân sẽ liên tục mua quần áo mới. Bởi thông thường, chất lượng của các sản phẩm thời trang nhanh không được tốt nên sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm của mọi người. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, số lượng quần áo người Mỹ mua đã tăng gấp năm lần trong vòng ba thập kỷ qua. Trong khi đó, mỗi món đồ chỉ được sử dụng trung bình bảy lần. Việc mua quần áo mới tăng đồng nghĩa quần áo cũ cũng bị vứt bỏ ngày một nhiều hơn. Ở một số quốc gia, một người mỗi năm thậm chí có thể vứt bỏ tới gần 40 kg quần áo cũ. WB dự đoán từ nay cho đến năm 2050, mỗi năm thế giới thải ra 3,4 tỷ tấn rác thời trang.

Theo Le Monde, hầu hết quần áo cũ và các phế liệu dệt may đều được đưa đến các quốc gia châu Phi và Chile. Báo cáo năm 2022 của Or Foundation, một tổ chức phi chính phủ chuyên khảo sát về các vấn đề môi trường cho hay, mỗi ngày Ghana tiếp nhận 160 tấn phế liệu dệt may. Những bao tải quần áo lớn được vận chuyển từ các nước phương Tây và phân phối đến chợ Kantamanto ở thành phố Accra, khiến khu chợ này và nhiều khu vực khác của Ghana đang dần trở thành bãi rác quần áo cũ. Dù các công nhân làm việc chăm chỉ song với số lượng quần áo phế thải khổng lồ, Ghana thời gian gần đây đã không còn khả năng xử lý. Ông Solomon Noi, Giám đốc Cơ quan quản lý rác thải của Accra cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, 10 bãi rác hợp pháp của thành phố đã quá tải và phải đóng cửa.

Nhà chức trách Accra hiện phải vận chuyển phế liệu dệt may từ khu chợ tới bãi rác Adepa, cách chợ Kantamanto khoảng 50 km. Tuy vậy, chỉ 30% rác được xử lý, 70% còn lại được chất đống bên các kênh, rạch, chất nhuộm vải chảy vào các con sông và đổ ra biển, trong khi quần áo cũ vương vãi khắp các bãi biển gần Kantamanto. “Ngày càng có nhiều rác trong đại dương khiến loài rùa không thể bơi vào bờ biển, san hô chết dần, ngư dân không còn cá để đánh bắt. Một thảm họa môi trường đang xảy ra tại đây”, ông Noi nhấn mạnh.

Tình hình cũng tương tự tại Chile, khi nước này năm 2022 là nơi tập kết 44 triệu tấn rác thải thời trang. Những đống quần áo khổng lồ bị vứt bỏ với nhãn mác từ khắp nơi trên thế giới, đã trải dài ngút tầm mắt ở sa mạc ngoại ô Alto Hospicio, một thành phố chật chội với 130.000 cư dân của Chile.

Đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải thời trang, các quốc gia nói trên đã liên tục “kêu cứu” và cho rằng các nước phát triển, nơi được cho là thải ra nhiều đồ dệt may cũ nhất, phải chịu một phần trách nhiệm, như hỗ trợ họ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý rác thải hoặc tự tìm cách xử lý phế thải dệt may. “Phần lớn thuế của quốc gia được dùng cho giáo dục, y tế, không còn nhiều để đối phó rác may mặc. Do đó, các nước phát triển cần chung tay để giải quyết vấn đề này”, ông Noi khẳng định. Ngày 24/8 vừa qua, Chính phủ Uganda đã ra lệnh cấm nhập khẩu quần áo cũ.

Ngành xử lý phế thải dệt may “lên ngôi”

Sau lời từ chối tiếp nhận quần áo cũ của các nước châu Phi, nhiều quốc gia, thương hiệu thời trang đã phải tự tìm hướng đi mới cho mình. Trước đây, một số hãng thời trang lớn đã chọn cách cực đoan đó là tiêu hủy những thiết kế lỗi mốt của họ nhằm duy trì tính độc quyền. Dù vậy, cách thức này đã bị nhiều người lên án vì lãng phí khi các sản phẩm có giá trị lên tới cả triệu USD và gây hại tới môi trường. Một số quốc gia như Pháp hồi đầu năm 2020 đã ra lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho và những cuộn vải thừa. Tháng 3 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cũng đã đưa ra dự thảo về Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) nhằm khuyến khích tái chế và tái sử dụng các sản phẩm tiêu dùng trên toàn khối.

Nhiều thương hiệu lớn sau đó đã triển khai những sáng kiến nhằm xử lý các thiết kế không còn được sử dụng nữa của họ. Theo đó, một số sẽ được chuyển đến tổ chức phi lợi nhuận nhằm thu gom quần áo dư thừa cho những người cần, một số đi vào thị trường cho thuê và số khác được đưa đi tái chế thành sợi vải mới. Không chỉ vậy, theo The Guardian, các “ông lớn” thời trang như Kering, LVMH, đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm xử lý các loại phế thải dệt may của mình. Helene Valade, Giám đốc Phát triển môi trường ở Tập đoàn LVMH cho biết: “Nhờ công nghệ, chúng tôi biết rõ những gì có trong kho và quản lý chúng đến từng milimet”. Nhờ các chính sách này, các hãng thời trang lớn tiết kiệm tới hàng chục triệu USD/ năm.

Trong khi đó, tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), những chiếc hòm thu gom quần áo cũ ngày càng trở thành vật dụng phổ biến. Đồ trong hòm này sẽ được đưa đến các khu xử lý phế thải dệt may sau khi được lấp đầy. Hands Industries ở Sharjah là một trong những nhà tái chế hàng dệt may đã qua sử dụng đầu tiên của UAE. Trong khu nhà xưởng rộng 9.000 m2, mỗi ngày hơn 200 công nhân làm việc luôn tay xử lý lượng quần áo cũ lên tới khoảng 70 tấn.

Ông Nawaz Khan, Giám đốc cơ sở xử lý quần áo cũ Hands Industries cho biết: “Vòng đời nói chung của quần áo là khoảng 2-3 năm, nhưng ở một số nước, đang có những người không muốn mặc một bộ quần áo quá một lần. Ước tính 40% số quần áo bị vứt bỏ khi còn mới nguyên. Xu thế thời trang lại đang thay đổi theo tuần, thậm chí từng ngày, điều này đã tạo cho ngành nghề của chúng tôi không ít cơ hội”.

Công ty của ông Khan mua hàng dệt may từ hơn tám quốc gia trước khi tái chế và bán lại cho khách hàng ở các nước đang phát triển. Theo ông chủ của Hands Industries, công ty chỉ mất gần 1 USD để xử lý mỗi kg quần áo cũ, sau đó họ tái chế và bán lại cho khách hàng ở các nước khác. Thông thường, khoảng 10 tấn các mặt hàng thời trang được cho là không thể mặc được nữa sẽ được gửi đến xưởng cắt để biến thành giẻ lau chùi công nghiệp. Mỗi tháng, công ty này xuất khẩu khoảng 200 tấn vải vụn theo yêu cầu. Ông Khan cho biết: “Vải vụn đang là nguyên liệu không thể thiếu để làm gối, ghế xe ô-tô, nhồi đồ chơi, chăn, thảm... Điều này đang tạo ra một ngành công nghiệp khổng lồ”. Những cơ sở như Hands Industries đang “mọc lên” ngày càng nhiều ở UAE và mang về cho quốc gia này ước tính khoảng 60 triệu USD mỗi năm.

Ngành công nghiệp xử lý phế thải dệt may đang thật sự bùng nổ thời gian qua. Các quốc gia ở EU đã đề ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành này. Không chỉ giúp giảm các nguy cơ ô nhiễm môi trường, lĩnh vực này còn trở thành một ngành kinh tế đem lại lợi nhuận lớn cho quốc gia.