Sớm xử lý sai phạm để khơi thông nguồn lực

|

Những dự án “đắp chiếu” lâu năm không chỉ lãng phí nguồn lực lớn mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý và cơ chế vận hành cho các dự án này, theo hướng không hợp thức hóa sai phạm nhưng bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân, trở thành yêu cầu cấp thiết.

Những năm qua, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Bình Dương (những trung tâm phát triển mạnh về đô thị và bất động sản) ghi nhận hàng loạt dự án rơi vào cảnh “chết lâm sàng”. Các dự án này bị đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc kết luận thanh tra, kiểm toán, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả kinh tế.

Hàng loạt dự án “đắp chiếu" nhiều năm

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự lãng phí nguồn lực khi không thể triển khai. Dự án hơn

400 ha này được quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay vẫn chỉ là vùng đất trống do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.

Một số dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh như Lancaster Lincoln tại số 428 - 430 Nguyễn Tất Thành (Phường 18, Quận 4) do Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, thuộc Tập đoàn Trung Thủy, làm chủ đầu tư. Mặc dù được khởi công từ năm 2017 và đã hoàn thành phần ngầm, dự án vẫn rơi vào tình trạng “đứng yên” cho đến nay.

Tương tự, dự án D-One Sài Gòn tại số 12 Phan Văn Trị, Phường 7, quận Gò Vấp, do Công ty TNHH Một thành viên DHA làm chủ đầu tư, cũng chung số phận. Được phê duyệt chủ trương từ năm 2016, sau 8 năm, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống và chưa rõ thời điểm hoàn thiện.

Cách TP Hồ Chí Minh không xa, tại Bình Dương, tình trạng các dự án “đắp chiếu” kéo dài cũng không hiếm. Điển hình và “ồn ào” nhất phải kể đến Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4 ha) do Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư được Thanh tra Chính phủ kết luận không đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư/đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Nghị định 71/2010 của Chính phủ.

Đồng thời, Xe lửa Dĩ An đã triển khai dự án từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp gần 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, dẫn đến nguy cơ thất thu lớn. Ngoài ra, dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng công ty đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tương tự, tại khu nhà ở đường sắt mở rộng (4,8 ha), Công ty Xe lửa Dĩ An bị xác định vi phạm khi huy động vốn trái phép cho 290 nền đất. Dù đã chịu xử phạt hành chính từ UBND tỉnh Bình Dương, dự án vẫn chưa được khắc phục và tiếp tục rơi vào tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Một thí dụ khác tại Bình Dương là dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương, với quy mô 126 ha, do Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Tương tự, dự án Khu nhà ở Thương mại - Dịch vụ Contentment Plaza, nằm ngay cổng chào Bình Dương, khởi công từ năm 2017, dù gần hoàn thiện phần thô nhưng đã dừng thi công trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, dự án này dù chưa đủ điều kiện pháp lý, nhưng chủ đầu tư vẫn để đơn vị phân phối ký hợp đồng chuyển nhượng gần 1.100 căn hộ, gây ra nhiều vấn đề bất cập cho người mua.

Công bằng và minh bạch

Thực tế cho thấy, những dự án “đắp chiếu” không chỉ là gánh nặng kinh tế mà còn làm giảm niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, trên cơ sở minh bạch và công bằng, sẽ tạo động lực lớn để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách và bảo đảm lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Ngày 23/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2015 - 2023.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát thị trường bất động sản, nghiên cứu và dự báo để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phát triển bền vững, ngăn chặn thị trường phát triển nóng hoặc đóng băng.

Cùng với đó, tăng cường nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập người dân, giải quyết các vướng mắc pháp lý của dự án, và đưa giá bất động sản về giá trị thực tế. Đồng thời, cần giải quyết nhanh chóng các dự án gặp khó khăn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về thị trường bất động sản mới đây, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong rất nhiều thông báo, kết luận của các cấp bao giờ cũng có một câu “không hợp thức hóa sai phạm”, nhưng nếu chỉ nói chung chung và không diễn giải sẽ rất khó thực hiện.

“Sai phạm nào của doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, còn những gì thiếu sót của chính quyền thì phải xử lý ngay để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động”, ông An đề xuất.

Bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng khắc phục những sai phạm để được tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành nghĩa vụ với người mua nhà. Nhất là những khu đô thị đã có đông đảo người dân về sinh sống, cần ưu tiên giải quyết vướng mắc để bảo đảm an cư, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Đơn cử như trường hợp 2 dự án của Công ty Xe lửa Dĩ An, công ty đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thông báo nghĩa vụ tài chính để hoàn tất nộp số tiền 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Trong khi đó, tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4 ha) có hơn 200 căn nhà liên kế đã hoàn thiện, người dân đã sinh sống ổn định. Theo như kiến nghị của cơ quan thanh tra, nếu thu hồi dự án để đấu thầu/đấu giá lại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tại đây.

Đối với dự án tại khu đất gần 4,8 ha (dự án khu nhà ở đường sắt mở rộng), để thể hiện sự minh bạch và hợp tác chia sẻ với đối tác, ngay sau khi dự án bị dừng hoạt động, Công ty Xe lửa Dĩ An đã thực hiện hoàn trả tiền cho một số nhà đầu tư có nguyện vọng chấm dứt hợp tác.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn người dân khi đã “xuống tiền” tại dự án đều có mong muốn được nhận nhà. Vì vậy, tháng 10/2024, công ty và đại diện các nhà đầu tư đã họp bàn, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải cho phép tiếp tục thực hiện dự án để bảo đảm quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.

Theo bà Lê Thị Tuyết, một trong những người có đơn cho biết, gần 300 hộ dân đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng để mua đất, kỳ vọng dự án sớm hoàn thành và bàn giao nhưng trong suốt 6 năm qua đã phải chịu cảnh đình trệ. Vừa qua, dự án lại tiếp tục bị Thanh tra Chính phủ đề nghị chuyển hồ sơ dự án sang cơ quan điều tra, khiến người dân vô cùng bất an. Bởi nếu thủ tục kéo dài sẽ khiến nhiều người rơi vào cảnh “khó khăn chồng khó khăn”.

“Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng không hình sự hóa vụ việc mà tập trung tháo gỡ pháp lý, có giải pháp nhanh chóng và thỏa đáng để dự án được tiếp tục thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân là được nhận nhà và ổn định cuộc sống”, bà Tuyết chia sẻ.