Nâng cao trách nhiệm kiểm toán

|

Thông thường, báo cáo tài chính được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần sẽ là chỗ dựa về độ tin cậy cho người dân, nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu có sự “bắt tay” giữa đơn vị kiểm toán và doanh nghiệp, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề, mất rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định đình chỉ bốn kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Danh sách kiểm toán viên bị đình chỉ bao gồm hai Phó giám đốc là ông Hoàng Đình Hải và ông Nguyễn Minh Hùng, hai kiểm toán viên gồm ông Trần Hồng Giang, bà Phạm Thị Ngọc Thơ. Thời gian bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12/2024.

Thông báo của UBCKNN gửi Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (mã chứng khoán:AAT), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (mã chứng khoán: VC2), Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã chứng khoán: DAG) cho biết, hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2023 do UHY thực hiện và được chịu trách nhiệm bởi bốn người trên đều “không đạt yêu cầu”.

Vi phạm chuẩn mực kế toán

Lý do được xác định là các kiểm toán viên không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán theo quy định và chưa thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán đúng đắn.

Các chỉ tiêu như tài sản cố định, giá vốn, lợi nhuận trước và sau thuế không khớp với số liệu thực tế, gây ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán và niềm tin của nhà đầu tư. Công ty cần khắc phục để bảo đảm tính chính xác cho các báo cáo tài chính trong tương lai.

Thực tế, BCTC được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, tạo sự tin cậy cho các đối tượng sử dụng thông tin, trong đó có các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và có thể giúp doanh nghiệp được xếp loại vào nhóm khách hàng có tín nhiệm cao. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hình ảnh của các công ty kiểm toán ngày càng trở nên tiêu cực.

Trước đó, trong vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.030 tỷ đồng của ba công ty con (Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông) đã diễn ra suôn sẻ nhờ sự hỗ trợ của hai công ty kiểm toán độc lập: Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty CPA Hà Nội.

Trong vụ án, 4 bị can bao gồm Bùi Thị Ngọc Lân, Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt; Lê Văn Dò, Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội; Phan Anh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội chi nhánh Sài Gòn và Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội, đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khi ký và chấp nhận báo cáo tài chính đã chỉnh sửa của ba công ty này mà không kiểm tra, đối chiếu.

Đáng chú ý, trong vụ án này, cơ quan điều tra còn chỉ ra, các kiểm toán viên được "đặt hàng" để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với các báo cáo tài chính và các bút toán ghi nhận doanh thu khống, giúp ba công ty con của Tân Hoàng Minh từ tình trạng thua lỗ chuyển sang có lãi, đủ điều kiện phát hành trái phiếu trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, trong xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan chức năng cũng chỉ ra những sai phạm liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cáo trạng xác định bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề ra chủ trương phát hành 24 mã trái phiếu khống thông qua 4 công ty gồm: Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TP Hồ Chí Minh (Setra Corp), huy động gần 31.000 tỷ đồng.

Cùng phương thức như vụ án Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C điều chỉnh kết quả kiểm toán để Setra Corp đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định.

Khó ngăn chặn tất cả các vi phạm

Liên quan vấn đề xử lý vi phạm chất lượng dịch vụ kiểm toán, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2013 đến nay đã có 114 kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán do vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán hoặc không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hằng năm theo quy định.

Cũng trong giai đoạn này, có ba doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ do vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kế toán, ba doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận do không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, từ năm 2015 đến nay, có 67 doanh nghiệp kiểm toán và 8 kiểm toán viên bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp kiểm toán được chọn để kiểm tra hằng năm vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp rủi ro cao, dư luận phản ánh, doanh thu cao, ảnh hưởng đến lợi ích công chúng. Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ kiểm toán được chọn kiểm tra cũng còn ít.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nhà đầu tư đặt niềm tin vào BCTC đã được kiểm toán, song cuối cùng dẫn đến tình trạng “tất cả đều bị lừa”. Những sự việc này ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng thị trường chứng khoán, gây đổ vỡ lòng tin của người dân và nhà đầu tư. Họ không chỉ mất tài sản, tiền bạc, mà những người dân dính dáng đến những vụ án này đều rất mệt mỏi, thấp thỏm vì phải theo đuổi hành trình xử án.

Chị Quản Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) - một nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh cho biết, vụ việc diễn ra bao nhiêu lâu là bấy nhiêu thời gian “ăn không ngon, ngủ không yên”. Dù đến nay đã lấy lại được tiền đầu tư từ cơ quan thi hành án, nhưng chị Trang vẫn chưa yên tâm đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng.

Lý giải nguyên nhân khiến hoạt động kiểm toán sai sót, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, với hoạt động kiểm toán, quan trọng hàng đầu là thông tin đầu vào, tài liệu được cung cấp. Bên cạnh hành vi thông đồng thì đôi khi kiểm toán cũng không phát hiện ra gian lận do thông tin, tài liệu làm giả tinh vi, không chính xác, đơn vị kiểm toán cũng không phải cơ quan điều tra, thanh tra. Hơn nữa, năng lực kiểm toán viên có hạn với những chuyên ngành chuyên sâu nên rất khó phát hiện ra.

Đồng tình, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Viện Kiểm toán viên nội bộ Việt Nam (IIA Việt Nam) cho biết, ý kiến kiểm toán viên trên báo cáo tài chính có sai sót do nhiều lý do: một là, có thể do kiểm toán viên non kém về nghiệp vụ; hai là, doanh nghiệp làm hồ sơ giấy tờ kín kẽ đến mức kiểm toán viên không thể phát hiện; ba là, trường hợp kiểm toán viên biết nhưng thông đồng nên bỏ qua.

Tuy nhiên, nguyên nhân ẩn giấu bên trong thế nào, có hành vi thông đồng hay dấu hiệu hình sự hay không đều phải dựa vào cơ quan điều tra. Thông thường, kiểm toán độc lập dùng xét đoán chuyên môn để xem xét có chấp nhận những số liệu doanh nghiệp đưa ra hay không, có những trường hợp bắt buộc phải kết luận ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc đưa ra lưu ý.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghề kiểm toán phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức nghề nghiệp. Dù kiểm toán viên có năng lực giỏi, nhưng nếu vi phạm đạo đức, thiếu tính độc lập và hành động vì lợi ích cá nhân, họ sẽ để lại những sai phạm gây hậu quả nặng nề mà rất nhiều thành phần trong xã hội phải gánh chịu.