Trồng xương rồng giúp bảo vệ đất

|

Chứng kiến thảm thực vật ở Caatinga, phía đông bắc Brazil đang biến mất với tốc độ nhanh chóng, người dân khu vực này đã quyết định hành động nhằm cải thiện tình hình.

Quần thể sinh vật Caatinga trải dài khắp 10 bang phía đông bắc Brazil, là khu vực độc đáo với thảm thực vật cây bụi gai và thực vật mọng nước, những loài thích nghi với điều kiện môi trường bán khô hạn. Đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu CO2, song thảm thực vật Caatinga đang biến mất với tốc độ nhanh chóng. Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ MapBiomas, Caatinga đã mất gần 40% diện tích bề mặt do các hoạt động nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng trang trại điện gió. Một nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra, 9 trong số 10 loài động vật và thực vật đặc trưng của Caatinga có thể biến mất vào năm 2060.

Trước nguy cơ sa mạc hóa của khu vực, cộng đồng người bản địa ở bang Bahia đã nảy ra ý tưởng trồng những cây xương rồng khổng lồ có tên mandacaru để bảo vệ đất đai canh tác. Theo AFP, xương rồng chịu hạn nói trên có chiều cao tới 6 m, có thể bảo vệ đất khỏi khí hậu khắc nghiệt, ngoài ra còn cho quả làm thức ăn cho người và vật nuôi. Không chỉ vậy, gai của mandacaru giúp đẩy lùi thú săn mồi, do vậy thường được trồng chung quanh các loại cây trồng khác. Ngoài ra, loài cây này cũng được một thương hiệu mỹ phẩm Pháp sử dụng để làm kem và xà-phòng.

Ông Alcides Peixinho Nascimento, 70 tuổi, là một trong những cư dân của quần thể sinh vật Caatinga độc đáo của Brazil, người đang thực hiện sứ mệnh trồng thực vật bản địa trong nỗ lực ngăn chặn sa mạc hóa. Ông Nascimento cho biết: "Khi chính phủ chưa có chính sách cụ thể cho vấn đề này, chúng tôi phải hành động. Bảo tồn Caatinga nghĩa là giữ cho đất sống".

Trong khi đó, ông Luiz Almeida Santos, thuộc tổ chức phi chính phủ nông nghiệp địa phương IRPAA nhấn mạnh, thảm thực vật Caatinga đang được bảo tồn ở những khu vực có "cộng đồng truyền thống sinh sống", những người áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. "Họ là những người bảo vệ Caatinga", ông Santos khẳng định.