Theo đó, cùng với những cách thức cũ đã được cơ quan chức năng cảnh báo tới từng địa bàn, từng khu vực, thủ đoạn đang được tội phạm thực hiện là sử dụng liên hoàn nhiều cuộc gọi. Cuộc gọi đầu tiên, người nhận sẽ dễ dàng tin tưởng khi được đầu dây bên kia gọi đúng họ tên, nơi cư trú đồng thời chỉ yêu cầu hợp tác với cơ quan cấp trên để hoàn thành nhiệm vụ. Sau cuộc gọi này, hầu hết những người tiếp nhận điện thoại bắt đầu tin tưởng rằng chẳng hề có sự lừa đảo nào vì không thấy có yêu cầu gì cụ thể hoặc yêu cầu đáng ngờ kiểu như cung cấp mã hoặc cài đặt một ứng dụng nào đó có khả năng gây nguy hại.
Tiếp đến, ở cuộc gọi thứ hai ngay sau đó, sẽ là cuộc gọi của “cán bộ cấp trên” đề nghị người nghe hỗ trợ cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng chống lừa đảo trên mạng. Ở cuộc gọi này, vị “cán bộ ảo” sẽ thể hiện sự quan tâm từ phía cơ quan chức năng nhằm giúp đỡ người dân không bị tội phạm đe dọa. Chính sự “ân cần” ấy đã khiến cho nhiều nạn nhân… “đồng ý với tội phạm” một cách vô tình. Từ đó tiếp sức cho chúng thực hiện các hành vi xâm nhập dữ liệu cá nhân của chính mình, dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.
Trước đây, tội phạm tấn công vào người bị hại bằng các hình thức khủng bố tinh thần theo kiểu: báo tin người nhà (vợ, chồng, con cái…) bị tai nạn, hoặc đe dọa trực tiếp bằng cách dọa bắt, bỏ tù nhằm ức chế tinh thần người bị hại, khiến họ ngay trong lúc đang khủng hoảng tinh thần, phải tuân theo các hướng dẫn xâm nhập để cho tội phạm lợi dụng. Thì tới thời điểm này, tội phạm lại có xu hướng tìm cách hòa nhập để tạo niềm tin, từ đó thực hiện hành vi xâm nhập dữ liệu. Như vậy, từ việc đánh vào lòng tham, sự hoang mang của nạn nhân thì trong thời điểm hiện tại, chúng đã có những thủ đoạn biến hóa tinh vi hơn nhiều.
Đã có nhiều cảnh báo về các thủ đoạn ngày càng tinh vi như trên. Tuy nhiên, với những chiêu trò được nghiên cứu kỹ lưỡng, thay đổi liên tục theo chu kỳ ngắn để tránh bị phát hiện thì việc phát hiện và đối phó với các chiêu thức ấy là thật sự khó khăn với nhiều người dân. Đặc biệt khi bà con vốn luôn có niềm tin vào sự hỗ trợ của chính quyền, thì chính thủ đoạn giả danh chính quyền của kẻ xấu lại là một “đòn tâm lý” rất xảo quyệt.
Như vậy, việc giữ gìn mối liên hệ trực tiếp với chính quyền cơ sở cần được tiếp tục đẩy mạnh thông qua những hình thức kết nối giữa người dân và cán bộ, lực lượng an ninh cơ sở. Khi nhận bất cứ cuộc gọi, sự liên lạc nào ban đầu được cho là từ phía cơ quan chức năng, người dân cần “kiểm tra chéo” bằng cách liên hệ với chính quyền cơ sở, tổ dân phố, thậm chí gặp trực tiếp cán bộ địa phương để làm rõ vấn đề. Như thế mới bảo đảm một “thế trận” ở cơ sở, ứng phó hiệu quả nhất với những đối tượng không từ một thủ đoạn xấu xa nào để trục lợi.