Giữ văn hóa ở Hồng Công

|

Là một trung tâm tài chính, vận tải biển và thương mại bậc nhất quốc tế, người dân có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 60 nghìn USD/năm nhưng Hồng Công (Trung Quốc) vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

1/Hướng dẫn viên của một công ty du lịch Hồng Công có tên Việt là Nguyễn Hồng Nhi (quê gốc Cát Hải, Hải Phòng), chị sang đây đã 35 năm và có chồng là người Hồng Công.

Dọc đường đi chị giới thiệu: Hồng Công vốn là một làng chài cổ xưa nằm trên đảo Lan Tau. Từ thế kỷ 12-13, người dân ở các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến di dân đến Lan Tau rồi Cửu Long và sống chủ yếu bằng nghề làm muối, khai thác ngọc trai và đánh bắt hải sản. Hồng Công trở thành thuộc địa của đế quốc Anh sau cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất kết thúc vào giữa thế kỷ 19; tiếp theo là người Anh thực hiện ý đồ “thuê” Hồng Công thêm 99 năm.

Đến năm 1997, Hồng Công được bàn giao về cho Trung Quốc. Hơn 150 năm dưới quyền kiểm soát của Vương quốc Anh, qua các đợt cải cách kinh tế với mức thuế thấp, Hồng Công đã có những bứt phá mạnh mẽ để đến những năm 80 - 90 của thế kỷ 20 trở thành một trong bốn “con rồng” của châu Á. Diện tích tự nhiên của Hồng Công chỉ hơn 2.750 km2 (tương đương tỉnh Bình Dương), đất ở và sản xuất chỉ khoảng 1.100 km2, trong khi dân số gần 8 triệu người, chưa kể hàng trăm tổ chức tài chính và tập đoàn sản xuất lớn quốc tế có mặt. Cho nên người ta tận dụng mọi không gian (kể cả trên núi cao) để xây các công trình dân sinh. Xe đưa chúng tôi lên đỉnh núi Thái Bình hay còn gọi là đỉnh Victoria Peak, ngọn núi có độ cao hơn 550 m so mặt nước biển. Từ đây du khách có thể nhìn bao quát gần như toàn bộ trung tâm Hồng Công, phía dưới là Vịnh Victoria, bến cảng và bán đảo Cửu Long. Theo hướng dẫn viên đỉnh núi Thái Bình được mệnh danh là “nóc nhà Hồng Công “ cho nên tại đây có không ít công trình độc đáo. Bên cạnh các đài quan sát mà tâm điểm là Sky Terrace 428 Hong Kong có view 3600 giúp khách du lịch ngắm nhìn toàn bộ “xứ cảng thơm”, là các con đường như Harlech và Lugard cho khách thả bộ hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên rừng núi và hít hà gió biển trong lành.

Thu hút du khách trên đỉnh Thái Bình còn là bảo tàng Madame Tussauds (bảo tàng sáp). Vào trong tham quan ta được bắt gặp khá nhiều nhân vật nổi tiếng được làm bằng sáp giống hệt người thật như Tổng thống Mỹ Obama, Marilyn Monroe, Dương Tử Quỳnh, Lý Tiểu Long... Giữ vị trí “đắc địa” nên đất ở khu vực núi Thái Bình cũng đắt nhất Hồng Công, chỉ các nhà tỷ phú, “đại gia” của đặc khu mới có nhà ở nơi này.

Khách du lịch Việt Nam vãn cảnh chùa Chí Liên.

2/ Hồng Công là trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ náo nhiệt bậc nhất của châu Á và thế giới, nhưng người dân nơi đây hơn 90% theo Phật giáo nên người ta xây dựng hệ thống chùa chiền, công trình tâm linh khá nhiều. Không có điều kiện để ghé thăm các công trình nổi tiếng như: Khu văn hóa Tây Cửu Long, tu viện Polin, đền Lam Yuk Mo, tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới (phải leo 268 bậc) mà người Hồng Công gọi là Thiên Đàm, chúng tôi tìm đến chùa Chí Liên - chốn thanh tịnh có một không hai ở “xứ cảng thơm”. Ngôi chùa tọa lạc trên đồi Kim Cương thuộc bán đảo Cửu Long được xây dựng vào giữa những năm 30 của thế kỷ trước. Đến những năm 80 được trùng tu, tôn tạo lại theo kiến trúc đời Đường. Mấy khối nhà liền được chạm khắc rất nhiều hoa văn tinh xảo nhưng những người thợ tài ba không hề dùng một chiếc đinh nào nhằm tránh tổn hại đến tính lịch sử và văn hóa lâu đời của công trình tâm linh. Điểm độc đáo của chùa Chí Liên là được kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ với ba lối vào và mỗi cánh cửa đều mang ý nghĩa riêng. Đó là, cánh cửa thứ nhất tượng trưng cho tình yêu thương, tấm lòng từ bi hỷ xả của con người ở cõi trần gian; cánh cửa thứ hai biểu đạt cho tài trí khôn ngoan của con người trong cuộc sống; cánh cửa thứ ba biểu lộ sự khéo léo, tế nhị trong cách hành xử của con người đối với đồng loại cũng như thiên nhiên tạo vật.

Với không gian rộng hơn 3 ha, nằm bên cạnh vườn Nam Liên rộn rã tiếng các loại chim, du khách được chiêm ngưỡng những hàng cây bonsai hình thù kỳ lạ. Có những cây có tuổi đời hàng trăm năm và trị giá 30 - 50 tỷ đồng. Bước vào chính điện, khách tham quan không khỏi trầm trồ bởi gần 30 cột gỗ to bằng cỡ một người ôm, ngày đêm nâng đỡ trần nhà và 5 pho tượng Phật mạ vàng, tạo cảm giác cung kính, thiêng liêng.

Nhìn ra cảng Victoria, đại lộ Ngôi Sao nằm ven bờ sông Tsim Sha Tsui của Hồng Công được mô phỏng theo Đại lộ Danh vọng Hollywood ở Los Angeles (Mỹ) cũng là một điểm thu hút du khách. Đại lộ dài khoảng 700 m, tại đây ngoài bức tượng Lý Tiểu Long bằng đồng có kích thước như thật được tạo hình giống trong phim “Long tranh hổ đấu” còn có hình ảnh hơn 100 ngôi sao điện ảnh và dấu bàn tay của họ. Đại lộ là công trình vinh danh những nhân vật nổi tiếng đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Công trong thời kỳ đương đại.

3/Sang Hồng Công lần này, tôi được dự lễ thành hôn của cháu trai (con cô em). Cháu sang học đại học ở New Zealand và gặp bạn gái (người Hồng Công) rồi nên vợ nên chồng. Ở nhà cứ nghĩ, hơn 100 năm Hồng Công thuộc Vương quốc Anh thì chuyện cưới hỏi sẽ rất hiện đại “Âu hóa”, nhưng không phải. Dẫu bao năm nay, đời sống văn hóa của người dân Hồng Công có sự pha trộn văn hóa phương Tây, trong các siêu thị trên khắp đường phố cơ man các hãng thời trang nổi tiếng Chanel, Dior, Louis Vuition, Gucci... nhưng các cô gái Hồng Công trước khi xuất giá về nhà chồng vẫn giữ các tập tục truyền thống, đó là chải tóc.

Cháu dâu tôi là Monica, kể: tối hôm trước cháu phải ngồi trước gương chải tóc ba lần. Lần chải đầu tiên gọi là “Một chải chải đến đuôi” mang ý nghĩa cuộc sống có đầu có đuôi, hanh thông mọi thứ. Lần chải thứ hai gọi là “Hai chải đầu bạc răng long”, hàm ý cô dâu, chú rể sau hôn nhân trọn đời bên nhau. Lần chải thứ ba gọi là “Ba chải con cháu đầy đàn” thể hiện mong muốn lấy chồng rồi thì sớm có con cái, càng đông vui càng phấn khởi.

Một phong tục nữa không thể bỏ qua là lễ dâng trà. Lễ này diễn ra tại nhà cô dâu trước khi ra phòng cưới chính thức (có mặt cả bố mẹ chồng chứng kiến). Trước hết là cô dâu, sau đó chú rể dâng trà ngon mời ông, bà ngoại, bậc song thân và bề trên thưởng trà. Sau đó tương tự chú rể và cô dâu dâng trà mời bố mẹ chồng; thủ tục này diễn ra trong khoảng 15-20 phút. Trong quá trình thưởng trà, ông bà, bố mẹ hai bên và người thân, họ hàng có thể trao quà mừng cho cô dâu, chú rể. Phong tục dâng trà trong lễ thành hôn của người Hồng Công đã có hơn 1.000 năm, nhưng trong thời đại công nghiệp 4.0 vẫn được duy trì, nó thể hiện sự tôn trọng và lòng hiếu đễ của con cháu đối với các đấng sinh thành... Bố mẹ cô dâu thuộc hàng “đại gia” ở “xứ cảng thơm” nhưng khách mời dự đám cưới con gái chỉ vỏn vẹn 10 mâm (mỗi mâm 10 suất).

Tôi lân la hỏi một ông bác của cô cháu dâu thì ông bảo, bên này cũng có những đám cưới con trai làm linh đình nhưng chúng tôi cưới con gái nên muốn làm gọn nhẹ cho đỡ mệt; hơn nữa điều quan trọng là cuộc sống hạnh phúc của các cháu có lâu bền không thôi...

Công trình tâm linh ở Hồng Công hết sức phong phú nhưng theo quy định ở mỗi đền, chùa chỉ được đặt một hòm công đức (tùy tâm). Dịp cuối tháng, Hội đồng thập tự của địa phương kết hợp nhà chùa kiểm kê hòm công đức, được bao nhiêu thì thông báo cho cộng đồng biết và số tiền này được sử dụng vào hoạt động từ thiện.