Nông dân lao đao
Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Lắc, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 ha sắn vụ hè thu của bà con nông dân thuộc bảy huyện bị mắc bệnh khảm lá và bệnh đang ngày càng lây lan nhanh khiến nông dân hết sức lo lắng. Trong số diện tích sắn bị nhiễm bệnh, diện tích bị bệnh nặng tỷ lệ hơn 70% là hơn 164 ha; từ 30 đến 70% hơn 1.150 ha... tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Súp, Krông Bông và Buôn Đôn. Theo người dân địa phương, nhiều năm nay cây sắn trên địa bàn không bị mắc bệnh này, nhưng năm nay bệnh lại bùng phát mạnh và lây lan nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Qua theo dõi, hầu hết những diện tích bị nhiễm bệnh đều được nông dân mua cây giống trôi nổi trên thị trường.
Bà Hoàng Thị Phượng, ở buôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn trồng được hơn 2,5 ha sắn cho biết: Thời điểm đầu vụ, gia đình tôi thấy thương lái chở hom giống đi bán dạo dọc đường, họ nói đây là giống sắn Tây Ninh HL S11 cho năng suất cao, nên tôi đã mua về trồng. Khi cây được một - hai tháng tuổi vẫn sinh trưởng bình thường, đến nay được ba - bốn tháng tuổi thì lá bị đốm vàng, cây không phát triển được, ảnh hưởng lớn việc phát triển của củ sắn. Tôi cũng như nhiều hộ dân mua đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, đành bó tay nhìn rẫy sắn chết dần. Vụ này, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở địa phương trồng sắn là chính. Nay rẫy sắn bị bệnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất, thậm chí nhiều diện tích bị bệnh nặng mất trắng, không biết gia đình phải xoay xở thế nào.
Còn chị Lý Mùi Chài ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn trồng được hơn một ha sắn chia sẻ: Đầu vụ vừa rồi, có rất nhiều người chở cây sắn giống đi bán dạo ở địa phương. Họ thông tin rằng, cây sắn giống mua ở Tây Ninh cho năng suất rất cao, nếu trồng không bị bệnh trung bình một ha đạt năng suất 30 tấn củ. Tin lời những đối tượng này, tôi cũng như nhiều bà con trong thôn mua giống sắn này về trồng thì nay rẫy sắn đều bị bệnh. Vụ này gia đình không có thu hoạch, mất luôn cả vốn lẫn lời.
Ông Huỳnh Đức, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Buôn Đôn cho biết: Qua thống kê sơ bộ, đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 15 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của người dân địa phương nên khi cây sắn bị bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì vậy, trong thời gian qua, trạm đã tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, ngăn chặn không để bệnh lây lan ra diện rộng. Đối với những diện tích bị bệnh nặng hơn 70% thì vận động người dân nhổ bỏ, tiêu hủy sắn bị bệnh và không tiếp tục trồng sắn trên diện tích này ít nhất một vụ.
Về huyện vùng sâu Krông Bông trong những ngày này, nông dân các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao... đang tất bật chạy ngược, chạy xuôi mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun cứu rẫy sắn bị bệnh khảm lá. Tại xã Cư Pui, chúng tôi gặp ông Y Phuôn Niê đang trên đường chở nước và thuốc bảo vệ thực vật ra rẫy phun thuốc cứu rẫy sắn của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Y Phuôn cho biết: Vụ hè thu năm nay, gia đình ông trồng được hơn hai ha sắn. Thời gian đầu cây phát triển bình thường, nhưng khoảng từ cuối tháng 9 đến nay, rẫy sắn tự nhiên phát bệnh, lá bị khảm vàng loang lổ, cây không phát triển mà cứ lụi dần. Trước tình trạng diện tích bị bệnh ngày càng lan rộng, trong những ngày qua, theo hướng dẫn của cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện, tôi đã mua nhiều loại thuốc về phun để ngăn chặn bệnh lây lan. Đến nay, bệnh có đỡ hơn nhưng chưa hết hẳn, nhiều diện tích bị bệnh nặng, cháy hết lá đành phải nhổ bỏ. Đây là vụ trồng sắn chính trong năm nhưng nay lại bị bệnh khảm lá gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, không biết đến cuối vụ thu có đủ vốn hay không?
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Bệnh khảm lá sắn là loại bệnh mới xuất hiện trên địa bàn, trong khi đó phần lớn nông dân của xã là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa nắm bắt được kỹ thuật phòng, chống. Vì vậy, đến nay đã có hàng chục ha sắn nhiễm bệnh nặng có nguy cơ phải nhổ bỏ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Vấn đề khẩn cấp hiện nay là các ngành chức năng của tỉnh, huyện cần có những giải pháp, hướng dẫn cụ thể giúp nhân dân phòng trừ, ngăn chặn hiệu quả bệnh khảm lá trên cây sắn để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông, trong vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn huyện trồng được hơn 4.100 ha sắn; trong đó nhiều diện tích được nông dân mua các giống sắn trôi nổi trên thị trường về trồng nên hiện nay dịch bệnh trên cây sắn đang bùng phát mạnh. Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện đã có hơn 120 ha sắn của bà con nông dân bị bệnh, tập trung chủ yếu ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Trong những ngày gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh và huyện, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện ngày đêm bám sát địa bàn hướng dẫn nhân dân khoanh vùng và triển khai các biện pháp xử lý, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, không để bệnh lây lan ra diện rộng.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống
Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đác Lắc Vũ Thị Thanh Bình cho biết: Trong vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh trồng được 33.122 ha sắn, tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Ea H’Leo, Ea Súp và huyện Krông Bông. Đây là vụ sản xuất sắn chính trong năm. Hiện nay cây sắn đang trong giai đoạn phát triển thân, lá, củ thì bị bệnh khảm lá và đang lây lan trên diện rộng, ảnh hướng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu của các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn.
Trước tình hình dịch bệnh khảm lá sắn lan rộng, Sở NN&PTNT tỉnh Đác Lắc đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố và đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn, không để bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng sắn trong vụ hè thu năm nay và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Sở cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát, nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển, trao đổi các hom giống như HL-S11, KM419, KM140... từ các tỉnh đang bị nhiễm bệnh nặng về địa bàn tỉnh. Đối với vùng đã bị bệnh khảm lá sắn, người dân cần áp dụng các biện pháp luân canh cây trồng, tuyệt đối không trồng sắn ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.
Bà Vũ Thị Thanh Bình khuyến cáo: Bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic virus gây ra, bệnh lây truyền qua hom giống và môi giới truyền bệnh từ bọ phấn trắng. Cây sắn bị nhiễm bệnh có triệu chứng khảm vàng loang lổ trên lá. Đây là lần đầu cây sắn trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh này nên người dân chưa có kinh nghiệm phòng, chống. Vì vậy, đối với những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh, người dân cần phun ướt toàn bộ lá sắn và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Pymetrozine, Sagometro 50WG, Schezgold 500WG… để phun trên lá phòng trừ bọ phấn trắng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện diện tích sắn bị nhiễm bệnh, tổ chức khoanh vùng, nhổ bỏ, thu gom tiêu hủy đối với diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, ngăn chặn lây mầm bệnh. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng cần ngăn chặn việc vận chuyển hom giống từ các tỉnh có nguồn bệnh vào tỉnh và hướng dẫn người dân luân canh cây trồng trên đất trồng sắn đã bị nhiễm bệnh để cắt nguồn bệnh, không để tái phát những năm sau.