Hành trình ý nghĩa
Buổi talkshow “Đi cùng Long, hành trình ý nghĩa của tuổi trẻ” do Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng (UFLS) tổ chức là dịp để các bạn sinh viên hiểu hơn về vùng đất Tây Bắc thông qua những câu chuyện trải nghiệm của anh Phi Long. Đó là mong ước giản dị được bỏ phố lên rừng hay đơn giản là những phút giây lắng đọng khi hòa mình vào cuộc sống với đồng bào vùng cao.
Vùng đất Tây Bắc là niềm tự hào của nhiều bạn trẻ khi có dịp đặt chân đến, trong đó có anh Phi Long. Khi quyết định bỏ phố về rừng, anh không xem đó là việc trốn tránh những áp lực của cuộc sống. Thay vào đó, muốn làm những việc có ích cho tuổi thanh xuân là điều quan trọng nhất với anh Long.
“Sau chuyến đi, điều tôi tự hào nhất là có thể kể về hành trình mà bản thân đã vượt qua. Từ đó, mọi người chung quanh dần mở rộng thế giới quan của họ về cuộc sống này. Nơi tôi từng đến, từng ở, hiện nay, chính quyền và người dân đang cùng xây dựng, thúc đẩy kinh tế từ du lịch cộng đồng”, anh Long chia sẻ.
Sống giữa không gian hoang sơ, đa sắc mầu của vùng núi rừng Tây Bắc, anh Long thường dành ra những phút chiêm nghiệm, tìm lối đi thích hợp nhằm phát triển đời sống cho bà con nơi đây. Từng chi tiết đó được anh Long góp nhặt, lưu giữ như một cuốn cẩm nang du lịch. Được sống hết mình ở bản Căn Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), từ điểm xuất phát là trao đi sức trẻ, anh Long đã nhận lại sự đồng cảm, tin tưởng từ người dân trong bản. Dưới căn nhà đánh số 23, anh sống như một người bản địa và xem đó như bước mở đầu cho hành trình đồng hành với bà con trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Truyền cảm hứng cho người trẻ
Trước khi chuyển về xuôi, anh Long chuyển toàn bộ vườn ươm cây cỏ nhung và cây thất diệp nhất chi hoa về bản Căn Tỷ 2 để nhờ bà con chăm sóc. “Tôi vẫn nhớ như in nụ cười, cái bắt tay của từng người ngày rời xa. Mỗi năm vào thăm lại bản, ai nấy đều chào đón rất nhiệt tình. Bà con đã làm và đạt được một phần mục tiêu phát triển kinh tế. Cái tình đó thôi thúc bản thân tôi sẽ còn tiếp tục đồng hành với nơi đây”, anh Long cho biết.
Thông qua những trải nghiệm của nhiếp ảnh gia Võ Văn Phi Long, nhiều sinh viên Trường UFLS đã hình thành những cảm nhận về Tây Bắc theo cách riêng. Bạn Khánh Linh, sinh viên khoa tiếng Pháp cho rằng, hành trình đi và khám phá Tây Bắc của bản thân cách đây không lâu tương đồng với anh Long ở một vài điểm. Theo đó, điều Khánh Linh tâm đắc nhất về vùng đất này là nét trong veo, yên bình giữa vẻ đẹp giản dị. Một Tây Bắc không có quá nhiều sự hối hả, gấp gáp, thay vào đó là những thử thách khi vượt qua các cung đường đèo, những con đường dốc đá. Chính điều đó đã giữ trọn vẹn ý nghĩa chuyến đi của tuổi trẻ cho Linh và nhiều bạn trẻ khác.
Trong suốt buổi nói chuyện, nhiều bạn trẻ đồng tình với ý kiến cho rằng, Tây Bắc là địa bàn có nhiều điểm phát triển du lịch cộng đồng bởi sự hội tụ, bảo tồn và lưu giữ tinh hoa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Điển hình như các phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trang trí, ẩm thực, các nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội ngày xuân, văn hóa chợ phiên, cưới hỏi, tang ma, lễ mừng cơm mới, lễ cúng rừng… Trong đó, ẩm thực truyền thống gắn với văn hóa bản địa của từng dân tộc đã và đang được gìn giữ, truyền lại trong đời sống văn hóa cũng như phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần làm nên bản sắc và nét riêng, khiến ai đến cũng đều cảm mến, muốn chung tay quảng bá đưa Tây Bắc đi xa.
Như một dòng chảy chung, đời sống nơi phố xá ngày càng dần giảm đi không gian xanh, tính thiên nhiên vốn có nên khi ngột ngạt nhiều người lại muốn tìm nơi vắng vẻ, núi rừng để đến. Hầu hết các bạn trẻ đều đồng cảm với câu chuyện kể của anh Phi Long khi chọn Tây Bắc là nơi dừng chân. Mảng xanh miền Tây Bắc bốn mùa sum suê hoa trái là điểm dễ chạm cảm xúc và lòng hiếu khách của cộng đồng vùng cao phù hợp với xu thế mong muốn tìm về nguyên sơ của mỗi người.