Người dân lo lắng
Tương tự thời điểm sau dịch Covid-19 mặt bằng giá cả tăng cao, chị Huyền Dịu (Long Biên, Hà Nội) lo lắng khi lương tăng, cuộc sống gia đình sẽ thêm khó khăn khi giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.
Chị Dịu bộc bạch, hiện giờ mỗi lần đi chợ, mức chi tiêu hằng ngày cho cả gia đình đã tăng lên đáng kể, bình quân khoảng 30 - 100% so với những năm dịch Covid-19. Chị dẫn chứng, thịt lợn giờ cũng lập mức giá mới, trung bình 130-150 nghìn đồng/kg, thay vì 80-90 nghìn đồng/kg vào 2 năm trước. Tăng nhiều nhất là hải sản, gấp đôi giá cũ - ngưỡng 200-350 nghìn đồng/kg mực, tôm, thậm chí tăng nhiều với những dòng hải sản cao cấp.
Ngay cả với các loại rau thông dụng, mức giá mới cũng tăng trông thấy. Rau muống từ mức giá 4.000-5.000 đồng/bó giờ lên 8.000-10.000 đồng/bó; rau ngót từ 6.000-8.000 đồng/bó lên 10.000-13.000 đồng/bó…
Với mặt bằng giá mới, chị Dịu lo lần tăng lương mới này hàng hóa sẽ tiếp tục kéo nhau tăng.
Lo lắng của chị Dịu cũng là nỗi niềm chung của nhiều người dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá cả dường như đã là quy luật “bất thành văn”, vì thế, cần phải có sự quản lý, kiểm soát từ cơ quan chức năng để niềm vui tăng lương của người dân được trọn vẹn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Công điện 61 yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp cụ thể để kiểm soát giá cả hàng hóa để không làm mất ý nghĩa tăng lương.
Cần kiểm soát chặt chẽ giá lương thực, thực phẩm trong thời gian tới. Ảnh: BẮC SƠN |
“Không có gì hay bằng cách đang tăng lương thì được giảm giá”
Đưa ra giải pháp kiểm soát giá cả hàng hóa, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế đánh giá, trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay từ khi vừa có chủ trương tăng lương.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc này không bị tác động nhiều nhờ các chính sách kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mỗi khi tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá sốc mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.
Vị chuyên gia dẫn chứng, tính từ năm 2009 đến nay, mức lương cơ sở tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 108%. Tức là, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI.
“Điều này cho thấy, việc kiểm soát giá đã được thực hiện tốt, làm cho việc tăng lương bảo đảm được ý nghĩa”, ông Lạng nói.
Lần này việc tăng lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công, có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%), song vị chuyên gia lo lắng, sẽ tạo tâm lý “chúng tôi tăng giá để công bằng” ở khối tư nhân khi đây là đối tượng không được áp dụng tăng lương.
Hơn nữa, việc tăng lương cũng là cơ sở để một số mặt hàng “mở van” điều chỉnh giá khi trong thời gian dài chịu tác động của hàng loạt chi phí tăng theo…
Do vậy, theo ông Nguyễn Thường Lạng, để ổn định giá trong điều kiện tăng lương, cần tiến hành đồng thời tăng nguồn cung hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguồn cung phải dồi dào để có thể đáp ứng ngay tại chỗ, ngay lập tức để ngăn việc tăng giá.
Đồng thời, phải phát huy vai trò của các chương trình khuyến mãi quốc gia ngay thời điểm này. Đây là thời điểm hợp lý nhất, bởi không có gì hay bằng cách “đang tăng lương thì được giảm giá”.
Chuyên gia này phân tích thêm, bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang muốn cạnh tranh, đang muốn vươn ra thị trường, nhưng tăng giá sẽ giảm năng lực cạnh tranh. Vì thế, nếu tăng lương dẫn đến tăng giá thì đó sẽ là một trong những điểm bất lợi cho doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp thông minh trong thời điểm này có thể ổn định giá, thậm chí là còn khuyến mãi, giảm giá chắc chắn sẽ chiếm lĩnh được thị trường”, ông Lạng nói.
Cần chính sách tài khóa
Bên cạnh các giải pháp trên, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho rằng, nên thực hiện đồng thời các giải pháp tài khóa. Bởi lẽ, sau khi tăng lương, lượng tiền tăng thêm ngoài thị trường lên tới gần 1 triệu tỷ đồng - đây là con số lớn, nên có thể tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do “vung” chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường.
Còn kiểm soát theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ công… theo ông Lạng, cần giữ bình ổn, vì đây là nhóm hàng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân và chi phí sản xuất, trực tiếp tác động giá thành sản phẩm.
Với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát. Nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng.
“Tất cả các giải pháp trên nếu tiến hành một cách đồng bộ, chắc chắn việc “té nước theo mưa” sẽ giảm”, vị chuyên gia khẳng định.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với giải pháp của chuyên gia Nguyễn Thường Lạng. Họ cho rằng, cần làm dứt điểm khi đây không phải tình trạng mới mà đã được nhắc đến hàng chục năm nay. Hơn nữa, các chuyên gia cũng mong muốn người tiêu dùng thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Chẳng hạn, nếu mức tăng ít cỡ vài nghìn đồng thì có thể chấp nhận, nhưng nếu tăng bất thường cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng để có hướng giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã họp thường xuyên và đưa ra các giải pháp kiểm soát nhằm tránh nỗi lo “té nước theo mưa” mỗi dịp tăng lương.
Nổi bật là bảo đảm nguồn cung, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện; thanh tra, kiểm tra thị trường, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…
Có lo lạm phát cuối năm?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, thực tế, cầu tiêu dùng yếu, áp lực tỷ giá đã đạt đỉnh, giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế, tín dụng tăng trưởng thấp, tác động tăng lương cơ sở không lớn. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,3%, chưa tính đến điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Việc tăng lương chỉ trong phạm vi nhỏ, không nên quá lo lắng về lạm phát trong thời gian tới nếu các mặt hàng Nhà nước định giá vẫn chưa điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng khó nói khi những tháng cuối năm đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá… Do đó, phải chuẩn bị từ bây giờ, phòng ngừa từ sớm, từ xa bằng các công cụ, giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để có biện pháp sẵn sàng.