Có phải là du lịch thông minh?
Fanpage của Tổng Cục Du lịch (TCDL) Việt Nam, đối tượng chính là các du khách quốc tế, có hơn 19.000 lượt like (thích), chỉ có 44 đánh giá, 26 lượt check-in. Bài viết gần đây nhất ngày 29-5 chia sẻ một đường link từ trang web www.vietnamtourism.vn có 8 like. Trong khi đó, fanpage của Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam có hơn 124.000 lượt like, con số tương tự người theo dõi, 1 video đăng tải ngày 26-5 có 10.000 lượt xem, có hơn 300 lượt like và 11 lượt chia sẻ. Trong khi xét về tiềm năng tự nhiên và văn hóa, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017, chúng ta không hề kém cạnh.
TCDL hiện sử dụng sản phẩm “made in Vietnam” Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội trong việc định vị thương hiệu. Một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong du lịch cũng đã áp dụng ở một vài địa điểm như thẻ du lịch thông minh ở Cần Thơ. Hay Hà Nội cũng đang có động thái thúc đẩy nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố du lịch thông minh vào năm 2030.
Tuy nhiên, nếu so về mức độ phổ biến của du lịch thông minh, có thể thấy Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia ngay trong khu vực. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT, cho rằng những kết quả mà TCDL nhắc đến như một thành quả của du lịch thông minh, thực chất… không phải là du lịch thông minh mà “chỉ là ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch”. Ông Trung đưa ra thí dụ, Việt Nam thuộc nhóm sẵn sàng sử dụng công nghệ thông tin trong du lịch, nhưng đó là do chúng ta sử dụng điện thoại thông minh nhiều, hòa mạng 3G tiện lợi, giá rẻ chứ thực ra tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả thì lại giảm. “Năm 2017, so Thái-lan thì hiệu quả còn kém hơn”, ông Trung nhận xét.
Đây là một thực tế không thể phủ nhận vì dù đã số hóa khá nhiều tiện ích, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chỉ là có gì mang ra nấy, chứ chưa nắm bắt được nhu cầu du khách. Ông Trung cho rằng: “Cốt lõi là người ta cần gì mình phải mang đến cái đó. Chỉ một địa danh Sơn Đoòng nhưng nhu cầu mỗi du khách là khác nhau. Vậy thì cần phải mang thông tin đến cho du khách, để với nhu cầu nào người ta cũng được đáp ứng. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải thu thập, tích hợp đủ cơ sở dữ liệu, mà điều này chúng ta còn thiếu”.
Quan trọng vẫn là nội dung
Ông Lê Quốc Vinh - Tập đoàn Le Bros thì cho rằng: “TCDL đang dùng tất cả các kênh truyền thông số để quảng bá du lịch, từ Facebook, YouTube, Twitter… Tìm kênh truyền thông có sức hút với công chúng không khó. Nhưng đưa gì lên những kênh đó thì là điều cần nói”. Những video đăng tải trên kênh Youtube của TCDL hầu như chỉ nhận được vài chục lượt view (lượt xem), con số quá khiêm tốn cho một trang của ngành. Video quảng bá chính thức dài 30 giây là video nhiều view nhất (hơn 4.800 views). Ông Vinh cũng đưa ra một clip cá nhân của một nhóm bạn hát nhạc chế về món ăn Hà Nội thì hiện có tới hơn 600.000 view. Rõ ràng khi nhìn du lịch dưới góc độ các bạn trẻ này, nội dung đã thu hút du khách hơn hẳn. Giữ mãi một cách làm của những clip đã quá nhàm chán bởi hình ảnh long lanh quen thuộc khiến Việt Nam chỉ đẹp mà chưa đủ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, dù TCDL đã có sự thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác như Agoda, Booking, Expedia… nhưng chỉ dừng ở mức ký kết. Ông Vinh tỏ ra tiếc nuối bởi vì: “Chúng ta có ký thỏa thuận với các đơn vị đó hẳn hoi nhưng hiệu quả thì ít, hầu như không có các hoạt động tương tác”.
Nhưng làm gì, khi mà vào website của TCDL, vẫn thấy giao diện đơn điệu cùng những bài viết giới thiệu sáo mòn?
Dự báo trong gần hai năm tới, thị phần đặt dịch vụ trực tuyến sẽ bùng nổ, từ 9% lên đến 33%. Có tới 88% số khách du lịch tra cứu thông tin du lịch qua internet, trong đó có tới 35% thường xuyên sử dụng internet tra cứu thông tin… Các ứng dụng trên điện thoại như tìm địa điểm, phương tiện đi lại, dịch vụ giải trí đang dần thay thế các chức năng của bộ phận hướng dẫn khách hàng tại khách sạn…” (Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch).