Mầm xanh mới sau những đau thương

|

Chỉ trong 12 ngày đêm chiếm đóng tại Ba Chúc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tập đoàn phản động Pôn Pốt Iêng-Xary đã thảm sát 3.157 dân thường... Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân An Giang cách đây vừa tròn 40 năm (7-1-1979 – 7-1-2019).

Ám ảnh khôn nguôi

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa, nhưng trong tâm trí người dân Ba Chúc những tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt Iêng-Xary vẫn còn ám ảnh, không hề phai mờ. Ngay thị trấn Ba Chúc ngày nay còn một nhà mồ lưu giữ hài cốt của các thường dân bị Pôn Pốt giết hại và nhiều chứng tích tội ác thảm sát của chúng ở nơi này. Những vết máu của nạn nhân, người dân Ba Chúc in đậm trên vách tường của hai ngôi chùa Tam Bửu và Phi Lai suốt 40 năm qua vẫn chưa phai nhạt.

Ông Nguyễn Văn My, Trung đội trưởng Du kích xã Ba Chúc, người trực tiếp cầm súng chiến đấu với bọn Pôn Pốt đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử. Pôn Pốt bắt đầu đánh rải rác vào một số địa phương vùng Tây Nam từ những năm 1972. Tuy nhiên đến những năm 1977, 1978 chúng tập trung nguồn lực đánh dữ dội vào địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang. Riêng tại An Giang, từ ngày 14-4-1978, hai sư đoàn quân Pôn Pốt xuất phát từ dãy núi Tượng, gần đường biên giới Việt Nam - Campuchia để đánh chiếm An Giang. Đến ngày 18-4-1978, Pôn Pốt dùng hai sư đoàn tiến công vào xã Ba Chúc, nay là thị trấn Ba Chúc và thực hiện hàng loạt vụ thảm sát dân thường, tàn phá, đốt sạch nhà cửa, gieo cảnh tang thương khắp nơi. “Với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” nên quân lính Pôn Pốt đã thảm sát hàng nghìn người dân vô tội ở Ba Chúc. Đi đến đâu chúng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng, tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ”, ông My kể lại.

Nhiều gia đình chạy vào các ngọn núi gần đó để tìm hang ẩn trốn, nhưng một số lại chạy vào chùa Phi Lai và Tam Bửu để nương nhờ với hy vọng Pôn Pốt sẽ không giết người nơi cửa Phật. Tuy nhiên, chúng đã thảm sát tất cả, không trừ một nơi nào. Ông Nguyễn Văn Mến, một nhân chứng may mắn sống sót trong cuộc thảm sát của bọn Pôn Pốt ở Ba Chúc kể, ngày 16-3 Âm lịch (nhằm ngày 16-4 Dương lịch năm 1978) khi lính Pôn Pốt xâm lấn biên giới, người dân thường chạy vào chùa trú ẩn. “Ngày 17-4, một loạt pháo nhắm vào chùa Tam Bửu đã khiến 50 người chết, hàng chục người khác bị thương. Lúc đó tôi và vài người nữa đang trốn sau nhà bếp của chùa Tam Bửu nên may mắn thoát chết. Sáng hôm sau, chúng lại tràn vào chùa Tam Bửu, bắt hơn 800 người đang ẩn nấp tại đây và xua họ đi đến cánh đồng Cầu Sắt và giồng Ông Tướng… để xử bắn tập thể. Ba giờ chiều hôm đó, lính Pôn Pốt lại tràn vào chùa Phi Lai gần đó xả súng bắn chết tại chỗ 80 người, 100 người khác kinh sợ bỏ chạy cũng bị chúng giết hại. 40 người khác quá kinh hãi, nấp dưới bàn thờ Phật cũng bị chúng tung lựu đạn vào, chỉ còn duy nhất một người sống sót”, ông Mến bùi ngùi kể lại.

Còn ông Huỳnh Văn Quốc, sinh năm 1967 kể chuyện thoát chết của mình dưới bàn tay tàn độc của Pôn Pốt. Số là cha mẹ ông dẫn theo tám anh em ông Quốc chạy lên núi Dài tìm hang ẩn trốn. Sau mấy ngày thấy có bộ đội về đánh, tình hình lúc này tạm ổn. Ăn cơm chiều xong, ông Quốc rủ người anh trai ra khỏi hang đánh cờ tướng nhưng người anh không đi. “Anh hai tôi không đi nên tôi lén ra khỏi hang một mình. Đi chưa được bao xa thì tôi thấy bom nổ trúng chỗ hang gia đình tôi đang ẩn nấp. Cả nhà tôi 10 người thì chết hết chín, chỉ mình tôi may mắn thoát chết”, ông Quốc nhớ lại.

Chúng tôi đến thăm nhân chứng khác là bà Hà Thị Nga năm nay đã 82 tuổi. Khi Pôn Pốt tràn vô xóm ấp đã bắt vợ chồng bà và năm đứa con lôi ra cánh đồng để giết. Bà Hà Thị Tám, em gái bà Nga nói, mấy năm nay chị bà bị bệnh tai biến rồi hay quên trước quên sau, đi đứng không được nữa. Chứ thuở trước, năm nào tới ngày làm đám giỗ tập thể cho hơn 3.000 nạn nhân trong vụ thảm sát Ba Chúc thì bà Nga cũng kể chuyện cho con cháu nghe về những mất mát, đau thương. “Khi chị tôi còn tỉnh táo kể rằng, lúc gia đình chị chạy lên núi trốn thì bị bọn Pôn Pốt phát hiện bắt giữ đem về cánh đồng Lạc Quới xử bắn tập thể. Chị Nga bị bắn vào cổ rồi bị chúng vứt nằm chung trong đống xác chết la liệt ngoài đồng. Đến tối chị tôi tỉnh lại, thấy chung quanh mình toàn là người chết…”, em gái bà Nga nấc nghẹn nói.

Ông Huỳnh Văn Quốc, một trong những người may mắn sống sót trong đợt thảm sát Ba Chúc.

Bù đắp đau thương

Nỗi đau mất hết người thân, nhà cửa, tài sản… đối với những nạn nhân trong vụ thảm sát của Pôn Pốt ở Ba Chúc đến nay vẫn chưa thể nguôi ngoai. Hơn 40 năm trôi qua, ông Quốc phải cố quên đi, khép lại quá khứ đau thương để làm lại cuộc đời. Ông tập trung vào cuộc sống gia đình, lo trồng trọt chăn nuôi, lo hai con gái ăn học. Ông kể, chiến tranh kết thúc, ông được bà ngoại nuôi dưỡng, lớn lên rồi dẫn đi cưới vợ. Nhiều lúc nhớ lại buồn lắm nhưng vì cuộc sống phía trước phải gác lại mọi chuyện, tập trung sản xuất nuôi hai đứa con ăn học ở TP Cần Thơ. Tương lai con cái là hạnh phúc của vợ chồng ông và là niềm vui của cha mẹ ông ở suối vàng.

Bí thư Đảng ủy Thị trấn Ba Chúc Nguyễn Văn Sấm cho biết, sau chiến tranh, chính quyền và nhân dân Ba Chúc phải bắt tay xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, Ba Chúc đã khởi sắc hơn về nhiều mặt trong những năm qua. Trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có trường mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường THPT Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua; khá nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu/người/năm. Sau những nỗ lực khôi phục sản xuất, đoàn kết vượt qua khó khăn, người dân cùng chính quyền đã chung tay xây dựng Ba Chúc ngày càng phát triển. Tháng 1-2003, Ba Chúc trở thành một trong hai thị trấn của huyện Tri Tôn, kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của thị trấn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Hiện nay, Ba Chúc đã có Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Ngày nay, Ba Chúc là một trong những điểm đến du lịch văn hóa lịch sử của tỉnh An Giang. Nhiều du khách trong nước và quốc tế đến viếng thăm và thắp nén hương tưởng nhớ hàng ngàn hương hồn vô tội đã khuất. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia được trùng tu, xây dựng và gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Kế bên nhà mồ Ba Chúc là chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai là nơi quân Pôn Pốt đã giết gần 1.000 người dân vô tội nay đã được trùng tu, khang trang. Chung quanh hai ngôi chùa cây xanh, hoa kiểng phát triển xanh tốt. Những “mầm xanh” đó đang nảy nở trên chính di cảnh hoang tàn một thời của vùng đất này.

Tại buổi Hội đàm cấp cao ở An Giang vừa diễn ra mới đây giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, ngài Nhem Valy, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia đã thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia nhắc lại quá trình đấu tranh của dân tộc Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và biết ơn sự giúp đỡ của quân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Campuchia. Ngài Nhem Valy khẳng định, thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp các tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa hai dân tộc; nhất là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia (7-1-1979 - 7-1-2019), để thấy rõ trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần cho sự ổn định và phát triển của hai nước Việt Nam - Campuchia.