18 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng qua, đã có 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái. Số vốn FDI giải ngân cũng đạt hơn 12,5 tỷ USD, tăng 8,4% so cùng kỳ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so cùng kỳ. Ngành này cũng dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 65,8%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 42,1%).
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số dự án mới (chiếm 39,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm gần 70,1%). Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14%).
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, chất lượng các dự án FDI có sự cải thiện đáng kể. Giá trị gia tăng về đầu tư mới và mở rộng vốn thuộc lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử.
Có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ hai là Hồng Công (Trung Quốc) với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so cùng kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Lũy kế đến ngày 20/7, cả nước có 40.777 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 487 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 309,7 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Công nhân lắp ráp điện thoại cho một doanh nghiệp ở Hàn Quốc. Ảnh: CƯỜNG NGÔ |
Cần những nghiên cứu, đánh giá bài bản và thực chất
Dù vậy, đánh giá tổng quan về tình hình thu hút FDI, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần phải xem xét một số chỉ báo nổi bật và hạn chế.
Theo ông Cung, điểm nổi bật trong thu hút FDI là đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh cả về số dự án và số vốn từ năm 2021 đến nay.
"Nhìn vào dự án đầu tư có thể thấy, 72% số dự án tập trung ở 10 tỉnh chung quanh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phần lớn số vốn đăng ký tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh chung quanh. Đáng lưu ý, mấy năm gần đây, số dự án ở TP Hồ Chí Minh tăng lên rất nhiều nhưng số vốn lại giảm nên quy mô nhỏ. Không gian phát triển hiện nay của TP Hồ Chí Minh sẽ không thu hút được đầu tư công nghiệp. Mà không có đầu tư công nghiệp, chắc chắn không có được dự án quy mô lớn", ông Cung lưu ý.
Vì thế, theo vị chuyên gia, rất cần những đánh giá, xem xét để biết chính sách nên thay đổi ra sao. Còn để thu hút theo vùng, phải có "cú huých" về động lực, phải thay đổi động lực, thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư.
Còn việc chuyển giao công nghệ trong thu hút FDI chúng ta đã nói rất nhiều. Vậy, giải pháp là gì cũng cần có những nghiên cứu đánh giá bài bản, thực chất… để Việt Nam tạo được sức bật thu hút FDI chất lượng cao trong thời gian tới.
Cấp thiết có chính sách đầu tư mới
Tại tờ trình dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ KH&ĐT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cũng thể hiện, nhìn lại những năm qua, dù thu hút FDI vẫn tăng trưởng, nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.
"Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam, như Samsung, Intel, LG… Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách", Bộ KH&ĐT thông tin.
Hiện nay, Việt Nam thu hút được 108 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư hơn 500 triệu USD (trung bình 15 dự án/năm), trong đó chỉ có 27 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao. Riêng từ năm 2013 đến nay, chỉ có 56 dự án quy mô lớn hơn 500 triệu USD, trung bình chưa đến 5 dự án/năm.
Trong khi đó, chỉ trong tháng 5 vừa qua, Malaysia đã công bố một loạt các dự án lớn gồm dự án Cloud và AI của Microsoft với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án trung tâm dữ liệu của Google với vốn đầu tư 2 tỷ USD, ngoài ra một số tập đoàn lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư của mình như ByteDance (công ty mẹ của TikTok) dự kiến đầu tư 2,13 tỷ USD thành lập trung tâm dữ liệu, trước đó Nvidia cũng hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm AI trị giá 4,3 tỷ USD (công bố tháng 12/2023)…
Bộ KH&ĐT nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và thách thức, các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để ổn định, khuyến khích và thu hút đầu tư. Hiện nay, các quốc gia tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có các lĩnh vực là xu hướng của thế giới như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Âu hay các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand… đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD. Nhờ phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này đã thu hút được những dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Vì vậy, theo Bộ KH&ĐT, trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc, chất lượng cao.
"Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm bảo đảm vị thế cạnh tranh, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp "đại bàng" với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Mục tiêu của chính sách là để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần "thiện chí đồng hành" của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi", Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất, quỹ hỗ trợ đầu tư, sẽ cần có nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hằng năm; và các nguồn khác. Các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển… sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ này.
Bộ này cũng lưu ý, nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương mức thuế tối thiểu toàn cầu (15%), Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng các ưu đãi này vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu…