Tính tới ngày 1/8, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, OCB, Eximbank, ACB, MSB, HDBank… đã công bố danh sách cổ đông sở hữu hơn 1% vốn điều lệ, dựa trên thông tin cổ đông cung cấp.
Những người kín tiếng lộ diện
VPBank vừa công bố 13 cổ đông cá nhân và 4 tổ chức sở hữu từ 1% vốn trở lên tính đến ngày 19/7/2024 với tổng cộng nắm giữ gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đang sở hữu 4,14% vốn, nhưng người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ tỷ lệ 29,5%. Tổng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch và nhóm có liên quan lên tới 33,64% vốn.
Ngoài ra, VPBank còn có 4 cổ đông tổ chức nắm giữ lượng cổ phần lớn là cổ đông chiến lược SMBC với 15% vốn; Công ty CP DIERA sở hữu 4,39% vốn và hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 2,73% và 1,28% vốn tại VPBank.
Một tình huống tương tự khác, tại danh sách các cá nhân nắm giữ hơn 1% vốn điều lệ của Techcombank đều là người có liên quan đến vợ chồng Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh với gần 1/3 vốn điều lệ ngân hàng. Danh sách cho thấy, ông Hồ Hùng Anh chỉ nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - vợ ông Hùng Anh và các con đang nắm giữ với tỷ lệ 11,83%. Nhóm người liên quan của bà Thủy cũng sở hữu hơn 20% cổ phần. Tổng cộng, gần 33% vốn của Techcombank đang do nhóm cổ đông của bà Thủy sở hữu.
Với danh sách của OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch cùng người có liên quan đang nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, danh sách còn xuất hiện một cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Đức Toàn và người có liên quan nắm giữ tổng 7,42% cổ phần.
Ở ACB, theo cập nhật đến ngày 30/7, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy và mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng là hai cá nhân sở hữu hơn 1% vốn điều lệ ngân hàng. Tổng số lượng ông Huy, bà Thủy và người có liên quan đang sở hữu tại ACB là 24,5% vốn.
Cụ thể, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu 3,4% vốn ngân hàng và người liên quan sở hữu 8,2% vốn. Tổng cộng “nhóm cổ đông” Chủ tịch HĐQT đang nắm gần 12% vốn điều lệ tại ACB. Còn bà Thủy, cũng đang nắm 1,2% vốn nhưng người có liên quan lại sở hữu gần 10,5% vốn ngân hàng.
Bên cạnh những ngân hàng được “phủ sóng” bởi các cá nhân, một số ngân hàng khác lại có dấu ấn của các cổ đông tổ chức. Chẳng hạn như tại MSB, ROX Group - tiền thân là TNG Holding và một số doanh nghiệp liên quan đang nắm giữ hơn 20% vốn của ngân hàng.
Hay tại Eximbank, Tập đoàn Gelex cũng mới "lộ diện" khi trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu 4,9% vốn điều lệ. Tại HDBank, Công ty CP Sovico đang sở hữu 14,27% vốn của ngân hàng.
Khó giải quyết triệt để
Theo quy định trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn, hoặc sở hữu của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa có hiệu lực từ ngày 1/7 đã yêu cầu phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại... Do đó, trong thời gian tới có nhiều ngân hàng phải công bố thêm danh sách cổ đông, nên có thể sẽ có nhiều bất ngờ khác.
Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Đối với trường hợp cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Lâu nay, trên thị trường tài chính, câu chuyện những cổ đông lớn của một số ngân hàng vẫn được nhắc đến dưới những mối quan hệ sở hữu chằng chịt, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đã có trường hợp, một nhóm cổ đông là những bên liên quan liên kết để sở hữu hơn 51% cổ phần vốn, nhằm tạo ra quyền lực mềm để thao túng hoạt động ngân hàng. Đại án Vạn Thịnh Phát là thí dụ điển hình khi bằng một vài “thủ thuật”, hơn 90% cổ phần của SCB đã thuộc về nhóm Trương Mỹ Lan.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, hoạt động “siết” tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định từ cách đây 8 năm, nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong đợi. Giới hạn tỷ lệ sở hữu ngân hàng là biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn hành vi thao túng, để tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh. Hành vi thao túng ngân hàng thường xảy ra tại ngân hàng yếu kém, tức chủ ngân hàng dù sở hữu tỷ lệ chính thức đúng theo luật pháp, nhưng trên thực tế lại nắm cả ngân hàng và đưa ngân hàng đó trở thành "sân sau", tài trợ vốn cho những mục đích khác.
Đưa ra quan điểm về vấn đề sở hữu tại ngân hàng, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và công khai danh sách cổ đông là biện pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, nhưng việc này chưa có tác động nhiều nếu cố tình lách sở hữu chéo. Nếu một tổ chức chia nhỏ sở hữu cho nhiều cá nhân, tổ chức đứng tên cũng thỏa điều kiện.
Hiện, trong hệ thống các tổ chức tín dụng, vẫn có những ngân hàng có số cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức cho phép theo quy định mới. Đơn cử, tại PGBank, tính đến ngày 30/9/2023, 3 cổ đông tổ chức nắm giữ tổng gần 40% vốn của ngân hàng; Công ty CP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn của ABBank (báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023).
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù đã quy định chặt chẽ trong Luật Các tổ chức tín dụng nhưng vẫn có nhiều cách để "lách" tỷ lệ sở hữu như mượn người đứng tên, ẩn tên, chia nhỏ cổ phần sở hữu... Do đó, thật sự phải có quá trình điều tra để nhận diện và xử lý các hành vi vi phạm chứ không chỉ dừng lại ở các quy định. Nhìn chung, hiệu quả của quy định mới vẫn phụ thuộc nhiều vào việc giám sát và thực thi của cơ quan nhà nước. Việc giám sát chặt chẽ và minh bạch sẽ bảo đảm rằng, các quy định được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.