Hà Nội... thừa rác thải

|

Với rất nhiều tuyên bố và hành động, Thủ đô Hà Nội đang được coi là nơi đại diện cho cuộc sống văn minh, hiện đại nhất nước. Để thực hiện được mục tiêu duy trì mức sống văn minh và hiện đại ấy, mỗi năm, chính quyền Hà Nội đã phải bỏ ra một lượng tiền khổng lồ cho việc trồng mới, thay thế, chăm chút cây xanh. Đã có một thời, tính riêng việc trồng hoa, tỉa cành cắt cỏ ở một con đường ven thành phố, người ta tính chi ly thì đã có thể tiết kiệm cho ngân sách cả trăm tỷ đồng. Hàng nghìn tỷ đồng nữa đã được bỏ ra để xử lý rác thải sinh hoạt. Nhưng, còn những điều cực kỳ “tế nhị” mà người ta ít hoặc tránh nhắc tới, vì cái thực tế khó nói ấy vẫn đang được xử lý một cách cực kỳ... nguyên thủy. Đ&oa

Xả rác bừa bãi

Không khó để tìm những người chuyên xử lý rác thải loại này, vì nó đầy rẫy trên... mạng. Cũng không khó để có thể tìm thấy những nơi mà những người tham gia xử lý rác thải hầm cầu chuyên tới để... xả rác. Đó là những bãi đất trống ven các dòng sông chảy quanh địa bàn thành phố. Đó là những cánh đồng lúa vắng vẻ nằm ven đường. Đó là những hồ nước lớn, vốn được sử dụng làm nơi điều hòa không khí cho vùng đất vốn luôn luôn chật chội, đông đúc và luôn luôn thiếu nguồn không khí trong lành. Là một số ao cá vốn được người ta sử dụng để làm kinh tế. Là vài trang trại để canh tác tăng gia. Cũng chẳng có gì là khó hiểu khi những người dân sinh sống quanh sông Hồng đoạn ngay chân cầu Vĩnh Tuy vẫn trả lời một cách thản nhiên rằng: Bọn nó (những người đổ trộm rác thải) vẫn thường xuyên xả trộm rác thải quanh đó. Bất kể ngày đêm. Hoặc những người dân vùng Yên Sở vẫn trả lời thản nhiên rằng, họ đổ xuống hồ, xuống sông suốt ấy.

Cũng chẳng khó khăn gì lắm để mà bắt gặp những chiếc xe bồn chở chất thải sinh hoạt chạy loanh quanh trên các tuyến phố của Hà Nội. Đó là điều đương nhiên bởi nó phục vụ cho nhu cầu cực kỳ... thiết yếu cho người dân Thủ đô. Song, cũng tương đối khó để bắt gặp trực tiếp hành vi đổ trộm chất thải của mỗi chiếc xe. Bởi, những người tham gia hoạt động này đương nhiên biết rằng đó là hành vi... không được phép.

Một buổi trưa trung tuần tháng 8, chiếc xe bồn mầu vàng mang BKS 29C 90161 chạy dọc theo đê Hữu Hồng đến đoạn cạnh chân cầu Vĩnh Tuy (khu vực phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) rồi đột ngột ngoặt trái theo cửa khẩu. Xe đi xuôi về phía dưới sông Hồng rồi cũng đột ngột rẽ theo con đường bê-tông nhỏ chui vào sâu phía trong những khu vườn ổi bạt ngàn của cư dân vùng bãi. Xe chạy thêm hơn trăm mét, đoạn không có người, người thanh niên bên ghế phụ nhanh chóng bật cửa xe, cùng với lái xe kéo vòi xả thải thẳng chất thải đen ngòm xuống bãi đất vệ đường. Tất cả hành động xả thải chỉ kéo dài không đầy 5 phút. Tất nhiên, chả cơ quan chức năng nào có mặt.

Hỏi người dân vùng này, thì câu chuyện những chiếc xe bồn vào đây xả trộm chất thải là chuyện thường ngày. Họ chỉ cho chúng tôi bãi đất ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy (đoạn cột chân cầu 42T), trước đây bãi đất vốn là bãi để người ta trồng quất cảnh phục vụ Tết, giữa mỗi luống quất là rãnh nước sâu chừng nửa mét. Thế mà bây giờ, sau vài tháng, người ta xả chất thải xuống đây, những cái rãnh thoát nước ấy giờ đã biến thành mảnh đất bằng. Mùi xú uế chẳng ai chịu nổi. Nhưng rồi cũng quen đi.

Hãy đi theo một chiếc xe bồn của Công ty thoát nước Hà Nội, sẽ thấy rằng xe cũng đi lấy chất thải về. Sau đó người ta sẽ xử lý nó bằng cách, đem đổ vào một cái hố sâu lộ thiên nằm ngay cạnh sông Hồng. Cũng có nhiều chiếc xe, chở chất thải về tới bãi, chả đem đi đâu mà nhấc thùng, xả thải ngay ra bãi đất bằng rồi đem xe đi... rửa ở cách đó vài chục mét.

Trao đổi với cán bộ của phòng cảnh sát môi trường Hà Nội, thì được biết, ở quanh Hà Nội, người ta vẫn thường xử lý loại chất thải này theo cách cực kỳ... thủ công. Nghĩa là anh có nhu cầu xử lý, có thể tìm thấy hàng loạt đơn vị, cá nhân sẵn sàng giúp anh 24/24h. Với giá thành cực kỳ... hữu nghị. Đương nhiên, khi lấy chất thải từ nhà của khách hàng, hầu hết đám lái xe đều đưa thẳng... ra sông. “Anh cứ về vùng Đan Phượng, sẽ thấy rằng người ta bây giờ vẫn đổ đầy ra đó.” Vị cán bộ này thí dụ.

Số lượng còn lại đi đâu... không rõ

Cách đây chừng 4 năm, khi TP Hà Nội có hơn 7 triệu dân, cơ quan chức năng đã đánh giá việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, bùn bể phốt là một yêu cầu cấp thiết. Trong đó, bùn bể phốt là nguồn gây ô nhiễm môi trường nhưng thành phố chưa có cơ sở xử lý quy mô đáp ứng được yêu cầu. (Thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), trung bình mỗi ngày, lượng bùn bể phốt phát sinh vào khoảng 500 m³, trong đó, khu vực nội thành phát sinh khoảng 300 m³). Việc đầu tư xây dựng một cơ sở xử lý hiện đại là rất cần thiết nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện điều kiện sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nên, Urenco đã đầu tư xây dựng Trạm xử lý phân bùn bể phốt với công suất 300 m³/ngày đêm. Vị trí xây dựng công trình nằm trong Khu xử lý chất thải Cầu Diễn tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Khi khánh thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu Công ty tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ và sức mạnh của cả tập thể; tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan của các Bộ, các cơ quan chuyên ngành; kêu gọi, thu hút, tập hợp các nhà khoa học để tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vấn đề xử lý môi trường.

Dây chuyền hiện đại nhất để xử lý chất thải cho thành phố chào đời, nằm dưới sự kiểm soát của Công ty Urenco 7.

Và có điều ít ai biết rằng, cho tới thời điểm hiện tại, để xử lý khoảng 700 tấn chất thải/ngày. Ở cái đơn vị hiện đại nhất Thủ đô này, người ta chỉ có năm chiếc xe chuyên đi hút và đem về xử lý. Mà chủ yếu là xử lý cho các nhà vệ sinh công cộng, cùng với mấy cái trại giam của Công an thành phố. Giám đốc Công ty Urenco 7 Nguyễn Thanh Sơn cười nhăn nhó “ Hoạt động số lượng xe của bọn em hiện giờ gồm có năm xe tất cả bao gồm năm phương tiện bọn em đã có thì gồm hai xe 3,5 tấn một xe 6 tấn và hai xe 6,5 tấn. Công suất trạm của bọn em đến bây giờ là 300 khối, nhưng đến bây giờ bọn em chỉ xử lý được có 50 khối thôi. Đây là số lượng thống kê năm 2017, 2018 bọn em có. Hiện nay thành phố đang giả cho bọn em là 122 nghìn đồng 1 m³ - 1 tấn. Với cái giá này, chẳng thể nào cạnh tranh được với các đơn vị và cá nhân khác đâu anh”.

Quả thực, nếu lên mạng tìm hiểu vấn đề này, mới thấy rằng, khắp nơi trên địa bàn thành phố, người ta sẵn sàng xử lý bùn bể phốt với giá chỉ bằng một nửa so với giá thành mà Urenco 7 đang được phép xử lý (giao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/m³). Với cái giá thành như vậy, chỉ vận chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia đổ, trừ tiền xăng xe ra, có khi chẳng đủ tiền trà thuốc cho người cất công vận chuyển?!

Vậy là đám xử lý rác thải mang danh Công ty Urenco 7 (người ta vẫn dán logo công ty để xách xe đi... xử lý khắp phố phường Hà Nội) nghĩ ra nhiều cách để mà... cày tiền của khách hàng. Thay vì đưa xe đến để hút chất thải vào bồn rồi đem đi xả. Người ta đổ nước vào bồn (bồn có hai ngăn), xả ngược vào trong bể phốt của cư dân, sau đó mới hút ra để tính thêm khối lượng. Nước hoặc được hút ngược trở lại vào bồn, hoặc tràn ra rồi chảy trực tiếp xuống cống rãnh bên ngoài. Đấy đã được coi là... xử lý.

Vậy là, nhà máy hiện đại nhất Thủ đô mới chỉ có thể xử lý được 50 tấn chất thải/ngày theo công suất. Số lượng chất thải còn lại trên tổng số 700 tấn mỗi ngày đương nhiên không được xử lý theo đúng... quy trình. Dù rằng, ở Thủ đô của chúng ta khối lượng chất thải khổng lồ này không còn theo nước mưa chảy xuống sông hay hệ thống cống rãnh dày đặc nữa. Nó được tập trung theo những chuyến xe bồn. Nhưng rồi đem đi đâu? Cả người dân và cơ quan chức năng quản lý nhà nước đến giờ vẫn không ai rõ.

Chúng tôi đã đi theo một chiếc xe bồn mầu xanh mang BKS 29C 71193 có lộ trình xuất phát từ ngay gần cổng Nhà máy Urenco7 ở Cầu Diễn. Xe chạy lòng vòng trong phố, dừng lại ở nhà dân, bắc vòi vào để hút chất thải. Rồi lại tiếp tục chạy lòng vòng. Cuối cùng, xe chui qua barie của một đơn vị có trụ sở ở 18B Hoàng Quốc Việt. Đi vào cạnh hồ trong trụ sở đơn vị này, ba người đàn ông đã xuống xe bắc vòi xả thải thẳng xuống hồ. Theo báo cáo từ Urenco 7, chiếc xe này không phải của công ty. Còn đó là xe của ai? Công ty không rõ.