Nhọc nhằn đưa đón học sinh

|

Bước vào năm học mới, tình trạng ùn tắc gia tăng hơn tại các cổng trường phổ thông. Đây là vấn đề tồn đọng qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp giải quyết một cách triệt để.

Đã quá quen!

Trung tâm Thủ đô, tính khoảng cách từ Hồ Gươm là tập hợp nhiều trường học. Một trong những nút thắt gây ùn tắc giao thông phải kể đến là Trường THCS Trưng Vương nằm trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Vào những giờ học sinh (HS) đến và tan học - khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ sáng và 5 giờ đến 6 giờ chiều, đây luôn là đoạn đường mà nhiều người dân khá e ngại khi qua lại. Một lượng lớn ô-tô đưa đón con đi học, tan học, đỗ thành nhiều hàng không theo trật tự, lắm khi dàn ngang đường, dẫn đến gián đoạn lưu thông dù đây là đường một chiều.

Cô Đỗ Thu Lê, phụ huynh một HS tại đây chia sẻ, cô đón con bằng xe máy, nhưng để thuận tiện đưa đón cho nhanh thì tốt nhất là chốt điểm hẹn với con bên đường Hai Bà Trưng cách đó 500 m. Nếu không, khó có thể thoát khỏi khu vực cổng trường trong vòng 30 phút.

Theo ông Lê Văn Mạnh, trật tự viên phường Hàng Bài, nắm được tình trạng này, phường đã phối hợp ban giám hiệu nhà trường để điều phối, phân luồng xe. Nhưng do lượng ô-tô quá lớn nên khó xử lý, chưa kể có nhiều phụ huynh vô ý, sẵn sàng tạt ngang đường đỗ xe cho con em “đủng đỉnh” lên, xuống xe, lấn làn, không nghe theo chỉ dẫn của ban trật tự.

Trên con phố Hương Viên nằm tại quận Hai Bà Trưng, dù chỉ là phố nhỏ nhưng quy tụ đủ các trường từ mẫu giáo đến THPT: Mầm non Việt - Bun, Tiểu học Trưng Trắc, THCS Trưng Nhị và THPT Trần Nhân Tông, cảnh tắc đường vào giờ tan học luôn là nỗi ám ảnh với dân cư sinh sống quanh đây. Do nằm trong cung đường không phải gần với mặt phố nên giao thông tại đây luôn bị nhiều vị phụ huynh bất chấp, việc đỗ chờ con và đi lại không tuân theo hàng lối nào khiến cảnh ùn tắc càng gây thêm khó chịu. Bà Trịnh Thị Ánh, một người dân trên phố cho biết, cứ hè là khu này bình yên nhất vì không phải đối diện với cảnh ùn tắc. Vào năm học, muốn làm gì thì phải căn chỉnh giờ “cho chuẩn” theo giờ vào học, tan học của trường, nếu không muốn lỡ việc. Chưa kể khói xe máy, ô-tô khiến cho người cao tuổi nhiều lúc không chịu nổi phải đóng chặt cửa nhà.

Trường tiểu học và THCS Đức Giang nằm ngay sát nhau tại thôn Lưu Xá, Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội, quanh đây còn là khu vực buôn gạo lớn của huyện nên mỗi giờ tan tầm là tình trạng ùn tắc lại diễn ra. Bước vào năm học, mỗi chiều từ thứ hai đến thứ sáu, trước khi tan trường tầm 20 phút, nhiều phụ huynh đứng đợi, cộng thêm nhiều xe container đỗ lại để vận chuyển gạo. Mật độ phương tiện giao thông đông đúc khiến tình trạng di chuyển bắt đầu khó khăn. Khi học sinh ùa ra cổng trường thì tình trạng này mới thật sự “tiến thoái lưỡng nan”. Được hỏi về tình trạng này, chị Nguyễn Thị Thảo, cư dân địa phương có con đang học lớp 2 tại trường cho biết: “Tắc đường mỗi buổi chiều như thế này trở thành quen rồi. Mang tiếng nhà ở ngay đây nhưng cũng toàn mất hơn nửa tiếng, hai mẹ con mới về đến nhà. Mấy hôm nay mát còn đỡ nhé, chứ mấy hôm trước chiều vẫn nắng nóng, ai đợi cũng mướt mồ hôi, mà còn khói bụi, nhìn các con tội lắm!”.

Theo quan sát, thêm những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc tại các cổng trường học có thể kể đến sự xuất hiện vô ý thức của những hàng quán ăn vặt, bởi đây là những điểm thu hút rất nhiều các em HS đứng lại mua quà. Việc bán hàng tại các khu vực vỉa hè, gần cổng trường, đã “chiếm” lấy không gian di chuyển của người đi bộ. Đồng thời việc các em HS tập trung mua quà cả trên hè lẫn dưới lòng đường càng dẫn đến hệ luỵ tắc đường tại đây.

Cách giải quyết riêng lẻ từ các trường

Đề cập đến vấn đề ùn tắc giao thông tại các cổng trường học, TS Đặng Hồng Sơn, giảng viên Khoa Lịch sử tại Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, có con đang theo học tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn chia sẻ: “Tắc thì ngày nào cũng tắc, thế nhưng mình phải biết cách tránh nó, mà nếu muốn tránh nó thì chỉ có cách đi thật sớm hoặc đến thật muộn, chỉ như vậy mới có thể đến đón con và về nhà nhanh hơn”. Theo thầy Sơn, nhà trường đã phân chia lại giờ học và giờ tan học của mỗi lớp học, có sự chênh lệch giữa những giờ tan trường của các lớp. Chính vì vậy các bậc phụ huynh có thể căn giờ để đến đón các cháu vào thời gian hợp lý nhất, nhằm hạn chế việc đến dồn dập gây nên tình trạng ùn tắc, cũng như những bất ổn chung quanh khu vực trường học.

Có thể thấy, cách để giải quyết tình trạng ùn tắc trước cổng trường thường khá là riêng lẻ, mỗi một trường và khu vực trường đều chỉ cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết phần nào chứ hoàn toàn không triệt để. Như trường Tiểu học Lương Yên, do bên cạnh là gần trường cấp 2 cùng tên, nằm ở khu vực có chợ và xe tải qua lại, ban giám hiệu đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp phổ biến cho HS và phụ huynh về việc tuân thủ chỉ dẫn của ban tự quản trong quá trình đưa đón con đi học. Hay trường THCS Ngô Sĩ Liên, nhà trường có kế hoạch cho mỗi lớp sẽ tan ra theo cung giờ khác nhau, đi lần lượt ra cổng trường đứng ở địa điểm quy định tiện cho việc phụ huynh đón con cũng như tránh gây ách tắc trên con phố khá sầm uất về buôn bán quanh trường.

Với Trường tiểu học Trưng Trắc, biết đặc thù là đường nhỏ hẹp nên đến giờ tan học, nhà trường đã phải căng dây phân làn chiều vào và chiều ra, tránh tình trạng các phụ huynh lao xe theo cách của mình không theo hàng lối. Hay Trường THCS Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc, ban tự quản tại đây phải trực trước mỗi giờ tan học 15 đến 20 phút thì may ra mới điều phối kịp. Anh Trần Trung Dũng, một người trong ban tự quản cho biết, hôm nào mà phường có điều động đột xuất đi việc khác mà không ra trước cổng trường thì hôm đó lại tắc đường vài giờ đồng hồ cho đến khi có người ra điều phối giải tỏa ngã ba Lò Đúc - Trần Xuân Soạn.

Mỗi năm học mới bắt đầu, bên cạnh niềm vui hân hoan đến trường của các em HS thì sự nhức đầu vì cảnh ùn tắc giao thông lại mang đến sự khó chịu với phụ huynh nói riêng và đông đảo người dân khu vực lân cận nói chung. Trong khi đó, các biện pháp giải tỏa được đề ra chưa đạt hiệu quả mong muốn, gây lãng phí thời gian, tiền bạc cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Đây vẫn là câu hỏi đặt ra cho các trường, lãnh đạo các phường, quận… và các cơ quan chức năng như an ninh, giao thông, trật tự đô thị… cùng giải quyết.

Khảo sát tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn nằm trên đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Nằm tại vị trí khá chật hẹp, cư dân lại đông đúc nên khi xảy ra ùn tắc, việc di chuyển xe cộ càng khó khăn, dẫn đến cản trở lưu thông giao thông với các khu vực lân cận. Ông Trần Đức Thắng là thành viên đội tự quản của phường chia sẻ: “Ngày nào cũng thế, cứ đến giờ đi học và tan học của HS, chúng tôi đều phải chặn ở ngã ba và cử người đứng gác nhằm hạn chế tình trạng người dân đi ngược chiều đưa con cái đến trường”. Thông thường cảnh tắc đường ở các cổng trường học sẽ kéo dài khoảng một tiếng đến tiếng rưỡi cho đến khi HS đã vãn, trường học thưa người.