Mòn mỏi đợi hỗ trợ khôi phục sản xuất
Theo chân ông Tống Xuân Tuân ở thôn Bình Thành, xã Nam Phú, ra cánh đồng mênh mông nước của xã. Ông Tuân vừa đi, vừa chỉ cho chúng tôi thấy toàn cảnh cánh đồng NTTS hơn 100 ha của người dân xã Nam Phú. Trong đó, gia đình ông Tuân có gần 1 ha nuôi cá vược theo mô hình nuôi cá thương phẩm mà Phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải hướng dẫn. Tuy nhiên, đã hơn hai năm qua ông đợi chờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc khôi phục sản xuất cá thương phẩm bị ảnh hưởng do đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 đến mòn mỏi.
Buồn tủi kể lại câu chuyện năm ấy cho chúng tôi, ông Tuân cho biết: “Năm đó, diễn biến thời tiết thất thường lắm! Toàn bộ số cá Vược gia đình nuôi bị chết do rét đậm, rét hại nổi trắng mặt ao, không còn sót con nào. Cán bộ phụ trách thủy sản là anh Lực đến nhà xem xét và thống kê thiệt hại của gia đình tôi là 100%”.
Theo chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất của UBND tỉnh Thái Bình, ông Tuân và các hộ NTTS trong xã được gọi lên UBND ký xác nhận số lượng thiệt hại sau khi đã thống kê. Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận được bất kỳ một đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất nào từ phía chính quyền địa phương. Kiến nghị rồi đợi chờ mòn mỏi từ năm này sang năm khác mà các cấp chính quyền địa phương vẫn không chịu giải quyết.
Không chỉ gia đình ông Tuân, hiện nay ở xã Nam Phú có 25 hộ dân NTTS bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 đã được thông kê, lập danh sách và phê duyệt ngân sách chi trả, nhưng đến nay vẫn không nhận được sự hỗ trợ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 28-1-2016 đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại khiến hàng trăm ha NTTS của tỉnh Thái Bình thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, cá chết trắng trên nhiều ha mặt nước. Căn cứ vào cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 1055/QĐ-UBND phê duyệt cơ chế hỗ trợ để khôi phục sản xuất cho người NTTS bị thiệt hại do cá chết trong đợt rét đậm, rét hại từ trên. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt số tiền hỗ trợ là 5 tỷ 138 triệu đồng cho các hộ NTTS bị hiệt hại trên hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Số tiền hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách trung ương là 70%. Số còn lại từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh Thái Bình. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ là các hộ NTTS có tỷ lệ cá chết trên 70%, định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha.
Tại huyện Tiền Hải có bốn xã được hỗ trợ là Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Phú, Đông Minh với tổng diện tích 68,61 ha, tương đương 680 triệu đồng. Trong đó, xã Nam Phú có 15 hộ dân NTTS bị hiệt hại trên 70% với tổng số diện tích thống kê là 45,1 ha, tương ứng số tiền hỗ trợ là 450 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ người dân đến nay đã hơn hai năm vẫn không giải ngân, khiến người dân NTTS bị thiệt hại bức xúc.
Hình ảnh người dân xã Nam Phú vớt cá chết trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016. (Ảnh người dân cung cấp).
Chậm hỗ trợ vì thống kê sai?
Theo phản ánh của người dân địa phương, việc chậm chi trả tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với các hộ dân NTTS bị thiên tai năm 2016 là do UBND xã và Phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải thống kê khống diện tích bị thiệt hại thực tế. Vì vậy, một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại đề nghị làm rõ, dẫn tới chính quyền địa phương phải dừng việc chi trả hỗ trợ khiến nhiều gia đình bị thiệt hại mòn mỏi chờ đợi trong nhiều năm.
Một người dân giấu tên cho biết, “diện tích thống kê thiệt tại xã Nam Phú mà UBND xã, UBND huyện báo cáo lên UBND tỉnh là 45 ha, tuy nhiên con số thực tế chỉ có khoảng 35 ha. Chúng tôi phát hiện ra điều này khi UBND xã công bố danh sách được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, khi kiến nghị thì chính quyền không giải quyết mà im lặng, “găm” tiền hỗ trợ lại. Như vậy, chính quyền địa phương đã thống kê sai, còn cố gắng bao che sự việc, khiến người dân chúng tôi bị thiệt hại đủ bề. Không có tiền để khôi phục sản xuất, phải đi vay mượn khắp nơi”.
Để làm rõ vấn đề này, ngày 8-8, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Nam Phú. Ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận có xảy ra vấn đề chậm chi trả tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người NTTS bị thiệt hại do thiên tai năm 2016. Ông Chuyển lý giải việc này là vấn đề khó nói, khó giải thích, nhiều vướng mắc... Theo đó thì, khi xảy ra thiệt hại do rét đậm, rét hại, nhận chỉ đạo của UBND huyện Tiền Hải, UBND xã Nam Phú kết phối với Phòng Nông nghiệp thống kê và báo cáo nhanh các hộ dân bị thiệt trên 70% diện tích. Tuy nhiên, khi tiến hành chi trả tiền hỗ trợ thì một số hộ dân không nằm trong danh sách được hỗ trợ có ý kiến là diện tích không chính xác. Ông Chuyển cho biết, cụ thể, do lúc đó là mùa nước rút nên diện tích NTTS bị thu hẹp lại. Có hộ có diện tích nuôi trồng vài ha nhưng mùa nước cạn thì chỉ còn khoảng một ha. Vì vậy, khi kiểm tra lại diện tích thật sự bị thiệt hại thì chưa được khớp lắm.
Khi chúng tôi hỏi, như vậy phải chăng UBND xã đã thống kê sai nên người dân không được nhận tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất? Phó Chủ tịch xã Nam Phú cho rằng: UBND xã không thống kê sai. Các hộ dân trong danh sách thống kê bị thiệt hại là các hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, tất cả đều thiệt hại hơn 70% diện tích nuôi trồng. Tuy nhiên, diện tích thống kê là diện tích trên số liệu đấu thầu NTTS của từng hộ, còn diện tích khi xảy ra thiệt hại là vào mùa nước cạn nên nó thay đổi. Vì vậy, UBND huyện quyết định giữ lại tiền hỗ trợ để kiểm tra làm rõ (!?).
Khi chúng tôi phân tích, như vậy có nghĩa là các hộ dân thiệt hại 70% diện tích trở lên là thật, nhưng diện tích mặt nước khi xảy ra thiệt hại là không đúng với danh sách xã thống kê, vậy, tại sao không khắc phục mà bắt người dân phải đợi chờ, thì ông Chuyển trả lời rằng: Tại cấp trên ra văn bản lập lờ, cấp dưới khó làm. Các anh xem, quyết định là hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với các diện tích nuôi trồng có tỷ lệ cá chết hơn 70%. Nếu là nói đang nuôi thì đúng là diện tích đang nuôi, tỷ lệ cá chết trên 70% thì đúng 70%. Như vậy, chúng tôi lập đúng số diện tích, đúng tỷ lệ thiệt hại. Chúng tôi có thống kê sai đâu. Còn việc tại sao không khắc phục, không giải quyết chi trả cho người dân nhanh thì các anh phải lên huyện thì mới giải đáp được.
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, việc này là do các cán bộ huyện đều xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, sẽ chuyển thông tin chậm chi trả tiền hỗ trợ các hộ NTTS tại huyện Tiền Hải cho phòng ban chuyên môn kiểm tra cụ thể và trả lời sau.
Có thể thấy, chính cách suy nghĩ và làm việc như trên của các cán bộ huyện, xã đã kéo dài thời gian, gây thêm sự chờ đợi mệt mỏi và bức xúc của người dân bị thiệt hại do thiên tai trên địa bàn. Cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình cần vào cuộc để xử lý những vướng mắc và thúc đẩy việc thực hiện quyết định của tỉnh đã bị bỏ lửng hơn hai năm qua.